Trên khắp đất nước mà Hindu giáo chiếm phần lớn dân số, nền nghệ thuật dân gian đã được giữ gìn qua rất nhiều thế kỷ. Được biết đến với nhiều cái tên khác như kolam, muggu hay mandana, nghệ thuật rangoli là cách thể hiện những hình vẽ trên mặt phẳng (nền đất) bằng bột gạo hoặc cát nhuộm màu cùng với bột mì và cánh hoa. Rangoli biểu thị cho tín ngưỡng, sự tôn thờ của người dân đến các vị thần trong Hindu giáo và cũng được xem là biểu tượng cho sự chào đón.
Không chỉ là một trong những phong tục truyền thống chứa đựng nhiều màu sắc và vật liệu, rangoli rất phong phú về hình dạng, kiểu dáng. Bên cạnh đó là kolam, thường có dạng hình tròn với các đường cong bao quanh. Trên khắp các bang của Ấn Độ, bao gồm cả Tamil, Nadu Rajasthan và Uttar Pradesh, bạn sẽ có thể bắt gặp cư dân bản địa vẽ đầy các hình ảnh liên quan đến văn hoá và truyền thống của riêng họ ở rất nhiều nơi như đường phố, cửa nhà.
Các phụ nữ đang cùng hoàn thành một tấm thảm kolam lớn bằng bột màu. Ảnh: Chentan Karhanis |
Rangoli được vẽ trước hiên nhà của tín đồ Hindu giáo bởi chính gia chủ sống bên trong. Nền sân, đường được rửa sạch trước khi tạo hình rangoli, mục đích chủ yếu để trang trí và cầu nguyện các vị thần với ước mong hạnh phúc và may mắn.
Đây không phải là một truyền thống diễn ra theo từng dịp nhất định. Mỗi ngày có hàng triệu phụ nữ ở Ấn cầu nguyện và vẽ các hình ảnh nhiều đường nét màu sắc trên nền sân trước nhà họ.
Với kulam, họ thường dùng bột gạo trắng tạo ra phần khung ngoài và sau đó “tô” lên bằng bột màu. Là một nét văn hoá nghệ thuật đặc trưng nhưng rangoli chỉ tồn tại tạm thời trong khoảng 24 tiếng đồng hồ bởi sự tác động của mưa, gió. Nhưng ngày hôm sau, tác phẩm mới sẽ lại được thực hiện thay thế.
Người già hay trẻ, giàu có hay nghèo đói, kolam hay rangoli vẫn được sử dụng như một cách giao tiếp và bày tỏ lòng kính trọng của tín đồ Hindu giáo với thần thánh trên nhiều vùng đất tại Ấn Độ. Có thể những hình vẽ hay màu sắc chủ đạo khác nhau tuỳ theo nguyên vật liệu, thời gian, thời điểm và không gian nhưng sự chân thành và thuỷ chung với niềm tin tôn giáo là hoàn toàn không đổi.
Dù là người ở tầng lớp nào trong xã hội Ấn, rangoli vẫn là phương thức chung cho tất cả mọi người kết nối với thần thánh. Ảnh: Sridhar/Flickr |
Những gì còn lại của hôm qua sẽ được quét dọn rửa sạch sẽ và các hoạ tiết mới luôn sẵn sàng xuất hiện trên nền ướt, nhờ thế mà họ có thể giữ hình vẽ mới được lâu hơn. Các tác phẩm nghệ thuật không bền vững này chào đón tất cả mọi người đến nhà của một người Hindu giáo và tất nhiên ý nghĩa trang trọng của nó là dâng lên các vị thần, trong đó có nữ thần sắc đẹp Lakshmi, vị thần mang đến sự thịnh vượng cả trong đời sống thực tại lẫn đời sống tâm linh.
Vào các dịp lễ hội đặc biệt như Diwali, Onam và Pongal, các hình trang trí lại càng mở rộng về diện tích, màu sắc, hoa văn làm tăng thêm phần sinh động và thu hút đông đảo mọi người chung tay tham gia.
Trong các dịp đặc biệt như đám cưới, họ thường trang trí cả con đường. Tại một số vùng, các cô gái trẻ tham gia vào “tháng Margazhi” (thường vào cuối hoặc đầu năm theo lịch Tây phương) bằng cách rải bột tạo nên theo những hình ảnh đầy sắc màu từ bên này sang bên kia đường đi.
Khi vẽ rangoli hay kolam, các nghệ sỹ phải tuân theo một quy định cụ thể. Tất cả các đường vẽ đều phải khép kín nhờ thế quỷ dữ sẽ không thể có lối chui vào bên trong. Theo cách này người ta tin rằng chúng cũng sẽ không thể chui vào nhà. Những màu sắc hiện ra cũng ấn tượng không kém so với trước khi được bán cho các nghệ sĩ.
Trong dịp lễ hội Ganesh trên các ngả đường của Pune, cả thành phố tập trung ngoài đường, họ nhảy múa, say sưa theo những điệu nhạc sôi động và vẽ rangoli. Đây là một trong những dịp lễ hội của nghệ thuật, truyền thống và văn hoá lớn bậc nhất với người Hindu giáo.
Các tác phẩm rangoli rực rỡ trải dài cả con đường. Ảnh: Shandi |
Việc sử dụng bột gạo từ xưa biến rangoli hay kolam thành các tác phẩm nghệ thuật có thể ăn được. Sau khi đã hình thành, kiến, chim hay các loại động vật khác sẽ có thể thoải mái “dùng bữa” và nhờ thế, rangoli trở thành biểu tượng của sự hài hoà giữa các thực thể, sinh vật với nhau. Theo đó, rangoli cũng thường có nhiều hình biểu tượng của các loài vật như chim công và hươu.
Mặc dù những hình ảnh và hoạ tiết thường được truyền từ đời này sang đời khác, công nghệ và khoa học máy tính cũng bắt đầu thâm nhập. Những quy tắc và yếu tố toán học thể hiện trên các hình vẽ kolam đã được nghiên cứu một cách chi tiết. Thuật toán cũng được viết viết ra và áp dụng vào phong cách cũng như lối thể hiện và thiết kế của kolam.
Bước chân đến Ấn Độ, tại bất cứ vùng đất nào, bạn sẽ dễ dàng nhận ra các phụ nữ ngồi bên những đống màu sặc sỡ. Đó sẽ là khởi nguồn của các tác phẩm rangoli hay kulam giàu nghệ thuật sắp ra đời.
Xem thêm ảnh về thảm rangoli ở Ấn Độ
Hoài Nam