Ngày 31/3, tọa đàm Nâng cao hình ảnh du khách được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành và trường đào tạo du lịch. Các vấn đề về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp xóa bỏ hình ảnh xấu xí của du khách Việt được các đại biểu tích cực mổ xẻ, bàn luận.
Người Việt xấu xí
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt cho rằng việc hành xử kém văn minh của du khách Việt ở nước ngoài không chỉ mới xuất hiện mấy năm nay mà đã phổ biến từ gần 30 năm trước.
Là người có thâm niên trong ngành du lịch, ông Mỹ thẳng thắn chỉ ra 8 tật xấu của người Việt khi ra nước ngoài. Đó là mặc đồ ngủ ra khỏi nhà; nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào, chửi thề; hay trễ giờ; ăn uống lãng phí; xả rác khạc nhổ bừa bãi; trốn vé tham quan; ăn cắp vặt và trốn để lao động bất hợp pháp .
Tấm biển cảnh báo tại Thái Lan. Ảnh: Linkhay. |
Dẫn chứng cho ý kiến của mình, ông Mỹ chỉ ra, có thể bắt gặp bảng cảnh báo thói xấu ăn uống bằng tiếng Việt ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Một số nước như Nhật Bản, Thụy Sĩ còn công khai danh tính du khách Việt trộm cắp trong cửa hàng.
Thừa thận đây chỉ là thói xấu của một bộ phận du khách Việt, nhưng ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet Travel cho rằng nó ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh quốc gia cũng như quá trình hội nhập. Ông Đạt cho biết chính ông cũng nhiều lần chứng kiến hình ảnh không hay của du khách Việt.
“Như trong chuyến đi Nhật năm ngoái, nhiều du khách Việt ăn uống trên xe làm bôi bẩn khiến tài xế phải vất vả dọn hàng ngày, mải shopping đến trễ hẹn một giờ, ăn buffet lấy nhiều nhưng để thừa, lại chỉ ăn cá còn bỏ lại cơm…”, ông Đạt nhớ lại.
Cần có chế tài xử phạt
Những câu chuyện về cách hành xử kém văn minh của du khách Việt dường như không có hồi kết khi tất cả thường chỉ dừng lại ở việc chỉ trích, đôi khi nó còn khiến du khách Việt cảm thấy tự ti khi ra nước ngoài.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng vấn đề nằm ở việc không có người chịu trách nhiệm và cần người đi đầu. Tiên phong phải là các trường đào tạo du lịch, tiếp đến là người lao động du lịch như hướng dẫn viên, điều hành tour.
Tuy nhiên ông Vũ Quốc Dân, Trưởng khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng: “Giáo dục ở trường đại học chỉ là chữa đông y, lâu mới khỏi. Chúng ta cần chữa Tây y nữa để có tác dụng ngay. Như việc khách vi phạm, chúng ta có chế tài để hướng dẫn viên xử lý khách. Nếu hướng dẫn viên dũng cảm làm điều đó, có phát sinh mâu thuẫn thì công ty phải bảo vệ họ. Nếu có vấn đề nữa, Hiệp hội cần bảo vệ công ty du lịch”.
Một doanh nghiệp phát cẩm nang những điều cần biết khi ra nước ngoài cho du khách. Ảnh: Transviet. |
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Đạt cho rằng chưa có một khuyến cáo, chế tài nào bắt buộc khách du lịch phải cư xử văn minh, tuân thủ pháp luật hay bắt công ty du lịch phải nhắc nhở khách. Hiện cũng không có chế tài phạt nào cho cả khách du lịch và công ty du lịch vi phạm, nếu chỉ tự giác thôi thì chưa đủ.
Do đó, nhiều ý kiến đều cho rằng cần biên soạn ngay một bộ quy tắc ứng xử của người Việt khi ra nước ngoài và bắt buộc các công ty du lịch phổ biến cho khách. “Thời gian trên chuyến bay rất dài, có thể phát clip hoặc kẹp sổ tay ứng xử ở ghế để du khách đọc”, ông Nguyễn Hữu Việt – Phó Trường Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội ý kiến.
Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt các khách và công ty du lịch vi phạm. “Khách du lịch vi phạm luật ở nước ngoài như ăn cắp, bỏ trốn, hành nghề bất hợp pháp, buôn lậu, đánh nhau…thì tùy mức độ cả khách và công ty du lịch sẽ bị xử lý. Nặng thì khách có thể bị cấm xuất cảnh có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Công ty du lịch vi phạm nghiêm trọng có thể bị rút giấy phép”, đại diện một số công ty du lịch đề xuất.
Xem thêm: Singapore giải thích việc du khách Việt phải trả phí hộ tống về nước
Vy An