tháp bà po ina nagar là công trình kiến trúc tôn giáo do người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến 13 để thờ cúng thần linh, trong đó có nữ thần Po Ina Nagar còn gọi là Thánh Mẫu Thiên Y Ana. Tháp tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 m so với mực nước biển, ở cửa sông Cái, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước.
Từ dưới chân núi, theo những bậc đá đi lên bạn sẽ gặp một khu đất bằng phẳng khoảng hơn 200 m2. Ở đây có 10 trụ đá hình bát giác cao trên 3 m xếp hành hai hàng dọc lối vào, cạnh đó là 10 trụ nhỏ và thấp hơn. Trước kia nơi đây được cho là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, nơi khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các tháp.
Vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tháp Bà. |
Trên đỉnh núi là nơi xây dựng 4 ngôi tháp, 2 miếu thờ và một phòng trưng bày. Hai ngôi tháp lớn, một cao 18 m, một cao 22,48 m, được xây bằng gạch nung. Tháp lớn 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa giả, tượng thần và hình thú bằng đá. Ở 4 góc có 4 tháp nhỏ, tạo thành quần thể kiến trúc độc đáo. Tháp lớn nhất thờ nữ thần Po Ina Nagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ xứ sở). Tượng nữ thần bằng đá hoa cương cao 2,6 m, đặt trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn tạo hình lá đề. Những đường nét trên thân hình tượng chắc, khỏe, sống động, hai bầu ngực căng tròn đầy sức sống.
Tháp Po Ina Nagar thuộc phong cách chuyển tiếp giữa kiến trúc Mỹ Sơn A1 và tháp Bình Định. Kỹ thuật xây tháp của người Chăm đến nay vẫn còn là điều bí ẩn với giới nghiên cứu khoa học. Gạch tháp xây khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính, lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay mặt về hướng đông.
truyền thuyết chăm về nữ thần Po Ina nagar
Người Chăm tương truyền, ngày xưa có hai ông bà nghèo cưới nhau lâu năm nhưng không có con. Vợ chồng lên núi phát rừng làm rẫy trồng dưa hấu tại chân núi LangLiri (núi Ðại An vùng Khánh Hòa ngày nay). Ðến mùa dưa có trái, thần trời sai một cô gái xinh đẹp giáng trần xuống rẫy hái trộm dưa hấu của ông bà lão nghèo.
Theo truyền thuyết, dệt và gốm Chăm là do nữ thần Po Ina Nagar truyền dạy. |
Hàng đêm thanh vắng, cô gái từ trên trời hiện xuống hái trộm dưa hấu ăn để lại vỏ dưa trong rẫy. Ông bà lão nghèo buồn rầu, tức giận không biết ai là kẻ trộm dưa của mình. Hai ông bà bèn nghĩ kế quyết tâm rình bắt cho được kẻ trộm. Khi nhìn thấy kẻ trộm là một cô gái xuân sắc, ông bà liền ôm chầm và đem cô gái về nhà. Cô trở thành con nuôi của ông bà lão.
Sống chung với ông bà lão vài năm, một hôm cô gái đi tắm sông gặp khúc gỗ trầm hương nên hóa thân vào cây trôi về biển cả. Gỗ trầm trôi ngược lên biển Bắc được hoàng tử Trung Hoa vớt về cung vua. Ít lâu sau từ thân trầm hiện ra một cô gái xinh đẹp, kết hôn với hoàng tử sinh được 2 con trai tên là Hai và Tray. Sống ở Trung Hoa 5-6 năm, nhớ cố hương, cô lại nhập vào thân trầm trôi về chốn cũ.
Cô gái tìm ông bà lão nghèo nhưng hai người đã mất. Từ đó cô ở lại xứ Chăm dạy dân làng chữ nghĩa, cày cấy, trồng bông, dệt vải, xây dựng đền tháp, thực hiện các lễ nghi tín ngưỡng để thờ thần... Sau đó cô gái hóa phép về trời, được người Chăm suy tôn thành nữ thần xứ sở (Po Ina Nagar). Người Chăm xây dựng nhiều đền tháp và hàng năm cúng lễ tưởng nhớ công lao của nữ thần Mẹ xứ sở đến ngày nay.
Điệu múa quạt Chăm. |
Đến với tháp bà Po Ina Nagar, du khách còn được dịp chiêm ngưỡng điệu múa truyền thống do vũ nữ Chăm biểu diễn. Vũ điệu truyền thống như biyén (múa chim trĩ), mrai (múa chim công), tiaong (múa chim nhồng)… dịu dàng trong tiếng trống gineng, tiếng kèn saranai.
Khu di tích Tháp Bà Po Ina Nagar được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979.
Paka Jatrang