Đèo Ô Quý Hồ: Đèo Ô Quý Hồ còn gọi là đèo Hoàng Liên, hoặc đèo Sa Pa vì đi qua thành phố du lịch nổi tiếng Sa Pa. Đèo có độ cao 2.000 m so với mực nước biển, độ dài hơn 50 km. Chính độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quý Hồ khiến đèo được mệnh danh là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Năm 2013 đèo đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác nhận là con đèo dài nhất Việt Nam.
Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, Ô Quý Hồ nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, nơi cao nhất là 2.000 m so với mặt nước biển và cũng là ranh giới của hai tỉnh. Đèo nằm 2/3 trên địa phận tỉnh Lai Châu và 1/3 còn lại nằm trên địa phận tỉnh Lào Cai.
Nơi ranh giới cao 2.000 m được gọi là Cổng trời - một địa danh du lịch nổi tiếng của Sa Pa được rất nhiều du khách biết tới. Tuy nhiên ít người biết Cổng trời Sa Pa là nơi được nói đến trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của nhà văn Nguyễn Thành Long. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt xuống ngắm thung lũng Lai Châu nơi chân dãy Hoàng Liên hiểm trở, hoặc ngắm nhìn đỉnh Fansipan hùng vĩ để thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên.
Đèo Mã Pí Lèng: Đèo Mã Pí Lèng được xem là một trong những con đèo hiểm trở và đẹp bậc nhất vùng núi phía Đông Bắc. Chính vì thế, con đèo này được ví như Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam. Đèo dài khoảng 20 km, vượt đỉnh Mã Pì Lèng, có độ cao hơn 1.200 m thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, nằm trên con đường Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang - Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đây là con đèo ngắn nhất nhưng lại đẹp nhất, hùng vĩ nhất trong “tứ đại hùng đèo".
Con đèo như một sợi chỉ vắt qua giữa lưng chừng núi đá tai mèo hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn. Mã Pí Lèng được dịch theo nghĩa đen chỉ sống mũi con ngựa, còn theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự nguy hiểm của đỉnh núi, nơi những con ngựa leo lên dốc cao đến mức tắt thở. Lên đỉnh Mã Pí Lèng ngắm nhìn dòng sông Nho Quế xanh mướt quanh năm, những đỉnh núi cao vời vợi, những ai đến đây đều thấy như lạc vào tiên cảnh, ung dung, tự tại giữa đất trời. Bạn nên chinh phục cung đường này khoảng tháng 10 đến tháng 11. Đây là thời điểm giao mùa giữa mùa thu và mùa đông, thời tiết đẹp, nắng nhẹ không có mây mù, rất thích hợp để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của tự nhiên.
Đèo Pha Đin: đèo pha đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Nằm trên quốc lộ 6 chạy dọc các tỉnh Tây Bắc, Pha Đin có độ dài 32 km, là nơi tiếp giáp giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, được xem là một trong những đèo ấn tượng nhất Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp với câu thơ trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ / Đèo Lũng Lô anh hò chị hát".
Điểm cao nhất của đèo là 1.648 m so với mặt nước biển. Địa thế rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Dưới chân đèo là những bản làng của người Thái Đen, Thái Trắng, Mông Hoa. Đứng trên đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống là thung lũng Mường Quài trải dài với màu xanh ngút ngàn của núi đồi. Trên đỉnh đèo có một chợ nhỏ bán rất nhiều loại chim do người dân bắt trong rừng già mang ra bán. Giá cả không đắt, tùy từng loại chim. Ngoài ra còn có thịt ngựa, thịt trâu, măng, táo mèo (theo mùa), rau cải mèo…
Tuy nhiên hiện nay đã có quốc lộ 6 đi Điện Biên Phủ, một tuyến đường mới, tránh đèo Pha Đin được xây dựng, thấp hơn đèo Pha Đin từ 200 - 400m, bạn sẽ không còn cảm nhận được độ dốc cũng như sự nguy hiểm của Pha Đin nữa. Con đèo chỉ còn phù hợp với những phượt thủ ưa mạo hiểm. Nếu bạn muốn khám phá, nên đi vào khoảng cuối tháng 3 vì vào thời điểm này hoa ban đang nở trắng rừng Tây Bắc.
Đèo Khau Phạ: Nằm trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam, vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, đèo có độ dài trên 30km, thuộc quốc lộ 32 nối huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Đèo có đặc sản nếp Tú Lệ rất nổi tiếng. Trước khi vượt đèo Khau Phạ (dân địa phương gọi là Cao Phạ), bạn hãy dừng chân thưởng thức nắm xôi nếp bên đường lấy sức khỏe bởi đường rất xấu và nguy hiểm.
Do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo núi như nhô lên trên biển mây, nên trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là “sừng trời" - chiếc sừng núi nhô lên tận trời hay đôi khi còn được hiểu là Cổng Trời. Còn người H'Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện không may hay mùa màng thất bát, họ lại tới Khau Phạ để khấn Giàng.
Khung cảnh ở đèo Khau Phạ đẹp nhất vào tháng 9, tháng 10, khi những triền ruộng bậc thang của bà con dân tộc Mông phía bên Mù Cang Chải chín vàng. Bạn hãy tới các xã như La Pán Tẩn hay Chế Cu Nha nơi di sản của người Mông đã được Bộ VH-TT-DL công nhận và cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2007.
Nguồn: Zing.vn
Có thể bạn quan tâm: