Cảnh quan lãng mạn và câu chuyện tình yêu bất diệt; những nương chè xanh ngút mắt cùng hương vị đậm đà của những loại chè có một không hai, đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Cổ tích trên những vùng chè
Vào những ngày đầu năm mới này, chúng tôi có dịp đến Tân Cương, vùng đất hữu tình vẫn gợi liên tưởng đến huyền thoại tình yêu chàng Cốc, nàng Công. Anh bạn đi cùng người miền tây sông nước tỏ ra rất háo hức. Chuyện cổ nghe đã nhiều, lại thêm những ca từ dịu ngọt trong Huyền thoại Hồ Núi Cốc của nhạc sĩ Phó Đức Phương, càng nhân lên những mong mỏi được đặt chân đến vùng đất in hằn tích cổ: “Một người đau nước mắt thành sông. Một người chờ, chờ hóa núi…”.
Vùng chè đặc sản Tân Cương nằm phía tây TP Thái Nguyên, bao gồm ba xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu; từ lâu nổi tiếng với sản phẩm chè búp khô nay được tập trung xây dựng thành vùng sản xuất chè an toàn, có những địa chỉ đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ Certified (chương trình chứng nhận nông sản bền vững toàn cầu cho bốn sản phẩm cà phê, ca-cao, trà, dầu cọ) về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu. Đường từ TP Thái Nguyên về Tân Cương giờ rất đẹp. Hai bên đường, những đồi chè xanh mát, tầng tầng lớp lớp chồng nối lên nhau như một bức tranh hoành tráng kéo dài miên man. Chè vừa là cây trồng mang những nét văn hóa đặc trưng, cũng là nguồn sản phẩm giúp cuộc sống sung túc, giàu có cho người dân. Những ngôi nhà khang trang, bề thế mọc lên, nhiều gia đình trở thành triệu phú. Chúng tôi dừng chân tại Không gian Văn hóa Chè thuộc xóm Soi Vàng, ở trung tâm vùng chè. Mấy năm nay, nơi đây trở thành địa chỉ thu hút khá đông du khách khi đến Tân Cương và Khu Du lịch Hồ Núi Cốc. Trên diện tích gần 27.000 m2, Không gian văn hóa Chè được đầu tư như một bảo tàng thu nhỏ với hơn 500 tài liệu, hiện vật, câu chuyện văn hóa sinh động, là nơi thưởng đãi du khách đến với quê hương “Đệ nhất danh trà”; “gói ghém” trọn vẹn những câu chuyện về truyền thống nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến chè Thái Nguyên. Với ưu thế địa lý chỉ cách thành phố chừng 10 km, Không gian văn hóa Chè đã đón hàng vạn lượt du khách đến tham quan, thưởng thức và khám phá những giá trị tinh hoa của văn hóa Trà Việt, kể từ khi mở cửa vào cuối năm 2011 đến nay. Du khách có thể bắt gặp ở đây nhiều tư liệu, hiện vật và sưu tập quý về nghề chè; cả những ấm trà cổ, lâu đời và độc đáo…
Những nương chè, đồi chè ở Tân Cương, hầu hết đã có từ lâu đời, hình thành nên những vùng chè cổ. Chị Lê Thị Lụa, một nghệ nhân làm chè ở làng nghề truyền thống chia sẻ, từ ngày mở cửa Không gian văn hóa Chè, Tân Cương càng được biết đến nhiều hơn. Nhờ vậy, những dòng họ, hộ gia đình nhiều thế hệ gắn với những nương chè càng có thêm cơ hội để quảng bá, giới thiệu những nét tinh túy của văn hóa Trà Việt từ vùng đất này. Sự thay da đổi thịt mỗi ngày với mảnh đất và con người Tân Cương như một câu chuyện cổ tích có hậu. Hương vị chè thơm ngon cùng với những thương hiệu nổi tiếng đã được người dân xây dựng, khai thác trên nền tảng văn hóa bền vững với đặc trưng riêng ít nơi nào có được.
Sức hút từ văn hóa truyền thống
Gia đình chị Lê Thị Lụa nhiều đời sống với cây chè. Từ ngày còn bé, chị đã được ông bà, bố mẹ truyền dạy cách hái chè ngon, bí quyết sao những mẻ chè thơm nức và nhất là bài học về văn hóa truyền thống của vùng chè. Nói về bí quyết nghề, chị say sưa kể: “Chè ngon phụ thuộc vào tay người pha. Hương vị thơm ngon cũng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và “tay hái”. Muốn thu hoạch được những lá chè ngon nhất thì thời điểm thu hái phải là khi trời nắng ráo, trời nồm lá chè sẽ không ngon. Hái chè cũng có nghệ thuật riêng, phải đúng “một tôm hai lá” để lấy được phần ngon nhất của búp chè. Sao chè cũng vậy, độ tài khéo được đong đếm bằng kinh nghiệm của người làm”. Nhà chị Lụa có hơn 5 ha chè, nhờ cây chè mà gia đình đã xây cất được ngôi nhà ba tầng khang trang với nhiều vật dụng sinh hoạt hiện đại. Chị Lụa không giấu nổi tự hào cho biết, từ khi áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bắt đầu từ giai đoạn trồng, chăm bón, thu hái chè tươi cho đến các công đoạn sao, sấy hết sức công phu để sản xuất ra được những loại chè đặc sản, cũng nhờ đó, danh tiếng chè Tân Cương càng được khẳng định nhiều hơn, thu nhập của nhiều nông hộ trong xã đạt đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tân Cương đang là địa chỉ cung ứng ra thị trường nhiều loại chè đặc sản với các mức giá khác nhau, như: chè Đinh có giá từ 3 đến 5 triệu đồng/kg; chè nõn tôm từ 500 đến 600.000 đồng/kg; chè móc câu từ 250 đến 300.000 đồng/kg…
Để xây dựng nên những thương hiệu có uy tín bí quyết làm nghề thôi chưa đủ, Tân Cương còn có một sức hút riêng, đó là nền tảng văn hóa truyền thống. Chị Lụa kể, ngay từ ngày còn bé, chị đã được dạy phải luôn trân trọng và giữ chữ tín. Sau này, khi nghề làm chè được hỗ trợ bằng những máy móc, phương tiện hiện đại hơn thì nền tảng này vẫn được các thành viên trong gia đình gìn giữ, bởi “thương hiệu xây dựng được khó khăn biết bao nhiêu, đâu dễ dàng bị hoán đổi chỉ vì những mối lợi kinh tế trước mắt”. Chị cười, nói bên ấm trà ngon vừa pha, loại trà Đinh thượng hạng có mức giá từ 3 đến 5 triệu đồng/kg, nồng nhiệt đãi khách. Mọi người cùng nhâm nhi, hương vị trà như đặc biệt hơn trong khung cảnh, nơi vùng đất này. Bao năm rồi vẫn vậy, dù guồng quay cuộc sống có hối hả, gấp gáp đến đâu, thì nét văn hóa thưởng trà trong dòng chảy văn hóa người Việt vẫn vậy. Chậm rãi, ung dung mà vô cùng tao nhã.
Trong hành trình “phiêu du” trên đất chè, chúng tôi còn ghé thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Lợi, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương; xem ông thao tác các công đoạn sao chè theo kiểu cổ, bằng phương pháp thủ công truyền thống mà người Tân Cương từ xưa đã thực hiện để làm ra những mẻ chè thơm ngon nức tiếng. Ông Lợi bảo, không phải ngẫu nhiên, khi trong rất nhiều dòng sản phẩm, chè Tân Cương nổi lên như một thương hiệu “đỉnh”. Đất trời đã ban cho vùng đất huyền thoại này một linh khí đặc biệt, là hồn cốt để tạo nên hương vị chè đặc sản mà bất kỳ ai dù chỉ một lần thưởng thức cũng không thể nào quên. Bởi thế, từ trong tâm khảm, người dân Tân Cương luôn chắt chiu, trân trọng từng giá trị truyền thống. Vùng đất này vẫn đều đặn hằng năm tổ chức lễ hội về cây chè và các sản phẩm chè nhằm tôn vinh ông Tổ nghề cũng như các nghệ nhân làm nghề lâu năm. Dù nghề làm chè đã được hỗ trợ nhiều máy móc hiện đại, gia đình ông Lợi vẫn lưu giữ những dụng cụ làm chè, sao chè truyền thống; như một sự giữ gìn và tôn vinh rất đỗi thiêng liêng, tự hào.
Đi lên cùng huyền thoại
Cũng trong tiềm thức, người Tân Cương luôn cất giữ, nâng niu câu chuyện huyền thoại về tình yêu chàng Cốc, nàng Công như một tài sản văn hóa của riêng mình. “Câu chuyện tình huyền thoại nhiều đau thương ấy đã lan tỏa, khiến du khách trong nước và quốc tế biết đến chúng tôi, đến thương hiệu chè Tân Cương nhiều hơn. Họ đến với Hồ Núi Cốc, lắng nghe bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phó Đức Phương, mua chè Tân Cương về làm quà. Văn hóa và kinh tế hòa quyện với nhau là thế!” - bà Hạnh Nguyên, người có thâm niên trên 40 năm gắn với những nương chè ở Tân Cương cười rộn rã “khoe” khi nghe chúng tôi hỏi chuyện.
Chuyện tình chàng Cốc, nàng Công không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam, mà còn mang đến nhiều xúc cảm đặc biệt với bạn bè quốc tế. Nhà viết kịch Shimizu Takahiko, Giám đốc Dự án giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản (NPO) là một thí dụ. Chín năm trước, Shimizu Takahiko lần đầu đặt chân đến Thái Nguyên và nhiều lần quay trở lại. Được nghe Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam kể câu chuyện tình yêu chàng Cốc, nàng Công, ông rất xúc động. Ông quyết định sẽ sáng tác một tác phẩm nhạc kịch để nhiều người hơn nữa, cả tại Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia khác biết đến câu chuyện tình yêu đẹp đẽ này. Hơn thế, Shimizu Takahiko mong muốn, thông qua vở nhạc kịch, vùng đất Tân Cương huyền thoại sẽ tiếp tục trở thành điểm đến cuốn hút với du khách. Bản Demo (thử nghiệm) vở nhạc kịch vừa qua đã được ra mắt công chúng trong dịp Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam vào tháng 11-2015.
Rời những đồi chè xanh ngát, chúng tôi đến thăm các xưởng chè với hệ thống máy móc hiện đại. Những chiếc máy sao chè trị giá cả trăm triệu đồng hoạt động không ngưng nghỉ, hương chè thơm lan tỏa khắp không gian. Những gia đình, dòng họ giàu lên từ cây chè, thu nhập tiền tỷ, bây giờ không còn là chuyện hiếm. Biết khai thác và đứng vững trên nền tảng văn hóa truyền thống, nơi đây còn hứa hẹn phát triển nhiều tiềm năng hơn nữa. Trong tương lai không xa, Tân Cương không chỉ dừng lại ở thương hiệu là “chiếc nôi” huyền thoại, hay vùng đất trù phú; mà sẽ còn là điểm dừng chân hấp dẫn của các mô hình du lịch trải nghiệm đang phát triển. Những đồi chè ngát xanh sáng bừng rực rỡ trong nắng chiều cho chúng tôi cảm nhận rõ điều đó, phút chia tay lưu luyến với mảnh đất đi lên cùng huyền thoại.
Theo Nguyễn Thu Trang/ NDĐT