New Zealand nổi tiếng đầu tiên với thế giới, là chuyện trở thành "phim trường tự nhiên không kỹ xảo" của bom tấn 3 phần "Chúa tể của những chiếc nhẫn". Sau đó có "The Hobbit" nữa, nhưng cũng chỉ tô đậm thứ báu vật khiến ai cũng muốn đặt chân, đấy là phong cảnh hùng vĩ như tranh vẽ.
Milford Sound của New Zealand trở thành điểm đến của cả thế giới dựa vào một cuộc thăm dò toàn cầu năm 2008. Nhưng hôm nay, tôi sẽ không nhắc đến phong cảnh gì hết…
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với New Zealand là thông qua một event của… Đại sứ quán. Tuy không phải lần đầu dẫn chương trình cho các đơn vị ngoại giao, nhưng là lần đầu tiên tôi há hốc mồm vì họ có một phong cách khác hẳn.
Event có mặt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Đại sứ, Lãnh sự và các quan chức cấp cao nhưng chẳng ai cầm giấy phát biểu, đại biểu nào cũng có điệu bộ nhún nhảy trào phúng hết sức tự nhiên, luôn không quên nói một câu gì đấy khiến đám đông cười ồ. Nội dung chính hôm ấy là để giới thiệu về chuyện du học ở New Zealand tuyệt vời ra sao, chính tay Đại sứ Kiwi chọn ngành Thời trang và mời các sinh viên thời trang ở hai nước cùng làm một bộ sưu tập áo quần.
New Zealand rất tự hào về ngành thời trang ăn nên làm ra của mình với những cái tên như Karren Walker, được các sao bự như Lady Gaga hay Rihanna diện đồ. Hôm ấy các trang phục được biểu diễn hết sức đẹp mắt, chia 3 vòng gay cấn như gameshow. Quan trọng nhất là xem xong ai cũng muốn đi học ngành thời trang ở New Zealand hết.
Event của năm thứ 2, thậm chí còn thú vị hơn nhiều. Lúc này tôi đã có bầu 7 tháng rưỡi, bụng to ục ịch, cũng lại đại sứ New Zealand mời có mặt bằng được vì tinh thần: "Phụ nữ trong thời gian thai kỳ thường bị cho là không làm được gì nữa cả. Cô sẽ chứng minh điều ngược lại!"
(Cũng dễ hiểu vì năm 2006, toàn bộ các chức vụ cao nhất trong Quốc hội đều do phụ nữ nắm quyền, còn hiện tại, Thủ tướng New Zealand cũng đang là một phụ nữ - và hiện bà Jacinda Arderm cũng đang mang bầu sắp sinh em bé). Thế là bà bầu là tôi, vác bụng lên sân khấu dẫn chương trình giữa 3 cái nồi bốc khói ngào ngạt, vì họ thi… Master Chef trên sân khấu, để quảng cáo cho nguồn lương thực tự nhiên dồi dào của đất nước mình.
Nếu bạn đã từng có mặt những hội nghị ngoại giao trọng đại và ngáp dài trước những nghi lễ quá cứng nhắc và kéo dài hàng giờ, bạn mới hiểu rằng người New Zealand thực sự… khác lạ. Vị Đại sứ trong bữa tiệc chia tay Việt Nam, đã dòm xuống đám đông và nói: "Tôi nhìn thấy có vài tên Úc trong đây, nhưng thôi, hôm nay tôi… tha thứ!" New Zealand và Úc sát vách nhau, cùng là thuộc địa của Anh, có thể dùng chung tiền tệ, nhưng vẫn hơi… kèn cựa nhau tí đỉnh!
Buổi chiều của những ngày cuối tháng 3, là mùa thu ở Auckland - thành phố lớn nhất New Zealand, cứ 5 phút mưa 5 phút nắng rồi lại mưa ào ạt. Người Kiwi thấy vẻ mặt lo lắng của tôi, nhún vai: đám bò và người nông dân sẽ rất hạnh phúc vì mưa cỏ mọc lên xanh tốt mà!
Đường từ sân bay về thành phố không có gì đặc biệt. Lên toà tháp cao nhất của thành phố và cũng là của New Zealand là Sky Tower - 328 mét (ở Việt Nam có tận 3 toà nhà cao hơn), lúc 5 giờ chiều ngó xuống nhìn ngắm thành phố nằm sát biển, chúng tôi bàng hoàng nhận ra: vào lúc tan tầm thế này mà xe cộ lèo tèo đi lại chậm chạp.
Auckland đông dân nhất nước, chiếm 35% dân số toàn quốc nhưng nếu tính ra, chỉ bằng 1/8 lượng người của thành phố Hồ Chí Minh. Cứ mỗi cây số vuông có 25 con bò sinh sống, mà cứ 7 con cừu mới có… 1 người dân.
Nhưng chưa hết, chúng tôi quay phim và đóng máy lúc 9 giờ rưỡi tối, hoan hỉ kéo nhau đến Ponsonby Central, nơi có nhiều quán ăn nhà hàng đông đúc, ngay lập tức chọn nhà hàng Ý, nơi có 3 người đàn ông đang cắm cúi ăn. Nhưng khi họ ngước lên thì hoá ra là 3 người phục vụ trong quán. Ngừng vài giây, họ thông báo rằng quán đã… đóng cửa.
Không chỉ có mỗi quán ăn đó, khắp mọi nơi đều tắt đèn. Chúng tôi dạt vào một nhà hàng Ấn Độ, mà sau khi order xong, người ta thông báo chúng tôi chỉ còn 5 phút để ăn. “Tôi có thể cho quý vị thêm 5 phút nữa vậy!”.
Vào ngày hôm sau, tôi còn mở mắt thêm để biết rằng bảo tàng, nhà hàng, các quán café sẽ đóng cửa vào lúc 5 giờ chiều. Một số nơi là 3 giờ. Có quán Bestie tôi đến 3 lần đều thấy nhân viên đang dọn dẹp và những chiếc ghế đã được lật ngược trên bàn.
Cũng lại lúc 5 giờ chiều , khi đang đi dạo bãi biển, cô Emma, người đồng hành cùng đoàn chúng tôi, giục cả nhóm ra về, vào lúc nắng vẫn đang vàng ruộm trên bãi cát trắng dài và biển vẫn đang đẹp nức lòng. “Vì tí nữa sẽ tắc đường ghê lắm đấy!”. Tí nữa thì tôi đã không kìm lại được để mà cười phá lên. Hẳn người dân ở đây không biết thế nào là tắc đường thật sự…
Sau vài ngày lang thang và trò chuyện, tôi vẫn đùa với mấy người bạn bản xứ rằng tôi chưa bao giờ phải nhìn đồng hồ nhiều như ở New Zealand, vì không biết mình có kịp đi café hay ăn bữa tối… Rồi tự phán đoán, không biết có phải vì giá nhân công quá đắt mà nhà hàng cửa hiệu đã phải đóng cửa sớm hơn thường lệ.
Cũng không biết có phải vì thu nhập quá cao rồi nên người ta không cần phải đi làm thêm một ca tối nữa? Nhưng rồi cuối cùng thì một người bạn đã từng du lịch đến đây nhiều lần, mới nhẹ nhàng nói: "Minh ơi mày sai rồi. Ở đó mọi thứ đóng cửa sớm để mọi người có thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn!"
Cuối cùng thì tôi cũng mới hiểu, khi mà càng nhìn xung quanh, càng thấy đây đúng là vùng đất lý tưởng cho những đứa trẻ được sinh ra. Những bãi cỏ xanh mướt không bao giờ vắng bóng trẻ con chạy nhảy. Đôi khi người ta đặt ra giữa quảng trường những chiếc ghế lười, chỉ để ai cũng có thể dừng lại nghỉ chân. Trong siêu thị luôn có một chiếc giỏ mây để ngay trước cửa ra vào, để cái biển: “Trái cây miễn phí cho trẻ con”.
Trong lễ hội khinh khí cầu chỉ diễn ra một năm một lần Balloon Over Waikato, cũng toàn thấy trẻ con chạy nhảy và đeo những đôi giày dạ quang trong bóng tối. Phiên chợ nông sản buổi sáng thứ Bảy cuối tuần, có một ban nhạc 3 anh em trẻ măng chơi từ piano đến mandolin, ở giữa có đống đồ chơi gỗ cho đám con nít trong vùng.
Khi tôi mua một chai nước suối, trên nhãn chai nước ghi một dòng chữ mà bình thường chẳng ai có thói quen đọc nó, nhưng tò mò thế nào tôi lại đọc, và rồi không nhịn được cười. Trên nhãn chai nước ghi: “Nước uống tinh khiết đóng chai NZ, chỉ là thế thôi. Là nước uống tinh khiết đóng chai của New Zealand. Không có thành phần gì phức tạp cả. Đến từ tự nhiên”.
Sự tự nhiên hồn hậu và xanh mát làm mọi thứ căng thẳng về cả thể xác lẫn tinh thần dễ dàng lắng xuống. Sau rồi, người ta cứ dạo chơi, ngồi xuống bãi cỏ nghỉ chân khi cần, nhìn nhau chào hỏi hết sức trìu mến. Tôi có thói quen khi ra hòn đảo Waiheke, cứ nằm xuống bóng mát mọi nơi mọi lúc.
Và kiểu gì cũng thế, sẽ có một chú chim mòng biển đi lại bên cạnh, rồi một ai đấy bắt đầu chơi một bản nhạc và hát khe khẽ từ trong một chiếc xe hơi. Kể cả những giờ phút cuối cùng trèo lên chiếc xe buýt ra sân bay, tôi vẫn không quên được nụ cười của người lái xe khi vẫy chào mình rời đi…
Nơi quay The Lord of the Rings, The Hobbit. Chúa tế những chiếc nhẫn đã mang lại lợi nhuận kinh tế cho đất nước tới 200 triệu đô. Chính phủ New Zealand thậm chí đã quyết định lập ra một... Bộ trưởng Chúa tể những chiếc nhẫn, chỉ để quản lý tiền bạc thu được từ bộ phim. Với The Hobit, New Zealand là nước duy nhất được quyền in hình bộ phim lên tiền xu.
5% tổng dân số là người, còn lại đều là... các con vật. Trong đó bò và cừu là đông nhất ở New Zealand. Những con bò ở đây nổi tiếng sung sướng vì diện tích dạo chơi ăn cỏ của bò lên tới 1 nghìn mét vuông cho mỗi 25 con.
Hay nói cách khác, dân số của cả New Zealand ít hơn số máy bán hàng tự động ở Nhật.
Đất nước sở hữu cái tên dài nhất thế giới dành cho một địa điểm: Taumatawhakatangihangakoauauotamateapokaiwhenuakitanatahu, là tên của một ngọn đồi thuộc Vịnh Diều Hâu.
Mỗi năm, New Zealand sản xuất 65 cân pho mát và 100 cân bơ cho mỗi đầu người.
Đất nước có chỉ số tham nhũng thấp nhất thế giới. Đồng thời cũng là nơi mà từ năm 1893 phụ nữ bầu cử, là quốc gia chấp nhận Hôn nhân đồng giới năm 2013. Tuy nhiên có chuyện buồn cười về luật là năm 2007 tòa án đã ra lệnh cấm một cặp đôi đặt tên con là "4real" (Thật Đấy). Sau đó, cặp này đặt lại tên thằng bé là Siêu Nhân.
15% dân số là người Maori, một tộc người tổ tiên sống ở New Zealand trước khi bị Anh xâm chiếm và biến thành thuộc địa. Nhưng giờ cả đất nước thường có những ngày mà người dân được khuyến khích chỉ nói tiếng người Maori (hãy hình dung, nếu một ngày chúng ta được khuyến khích nói tiếng Mông, hoặc tiếng Tày trong tháng).
Cái tên New Zealand tiếng Maori gọi là Aoetaroa, dịch ra là Vùng đất của những đám mây trắng thật dài. Ở đây trời nhiều mây nên thời tiết luôn cân bằng giữa mưa và nắng, tạo ra những đồng cỏ dài ngút ngàn nổi tiếng thế giới.
Blue Lake, ở Nelson Lakes National Park, sở hữu nguồn nước trong nhất thế giới.
Lực lượng Không quân của New Zealand lấy biểu tượng cho mình là Kiwi, vốn là một loài chim… không biết bay! Trái Kiwi nổi tiếng thực ra có xuất xứ từ… Trung Quốc, nhưng được đặt tên theo loài chim.
Bài viết: | Thùy Minh |
Hình ảnh: | Nguyễn Thành Luân - Đào Minh Hoàng |
Thiết kế: | Thùy Trang |