Nguyễn Thiện Chí (sinh năm 1988) là nhiếp ảnh gia có tiếng trong cộng đồng giới trẻ bởi tinh thần yêu "xê dịch", từ đó tạo ra những bộ ảnh đẹp lung tinh tại những nơi anh đi qua.
Mới đây, trong "Hành trình 15 ngày đi tìm bộ lạc tuần lộc trong truyền thuyết", anh đã lưu lại những khoảnh khắc và chia sẻ nhiều kinh nghiệm lý thú thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.
Bộ lạc Tsaatan hay còn gọi là Dukha, là bộ lạc tuần lộc cuối cùng của Mông Cổ, sống sâu trong những khu rừng Taiga ở nơi giáp ranh biên giới Nga và Mông Cổ.
Đó là những con người có lối sống du mục, du canh du cư, di chuyển từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác. Tuy nhiên, bộ lạc đang đứng trước nguy cơ "tuyệt chủng" trong lịch sử do chính sách của chính phủ và quá trình hiện đại hóa.
Chí Thiện chia sẻ trên trang cá nhân: "Những ngày ngủ trong lều với cái lạnh -30-40 độ C, không có thiết bị sưởi nào ngoài một cái lò than và những tấm da thú lót dưới lưng, nằm trên những lớp tuyết dày tới tận đầu gối, lạnh buốt cả chân tay nhưng mà vui lắm."Hành trình đầy gian nan
Nói về quyết định thực hiện chuyến đi đầy khó khăn và gian nay, Thiện Chí chia sẻ: "Mình tình cờ xem một bộ ảnh về bộ lạc Tsaatan từ rất lâu, khi đó rất muốn đi nhưng không có cơ hội. Rồi một hôm mình được một người bạn gửi link, có một nhóm muốn thực hiện chuyến đi tìm bộ lạc này và thế mình quyết định lên đường."
Anh chàng cho biết: "Chuyến đi không dài, nhưng đủ mang đến cho mình nhiều trải nghiệm mới mà khó có thể nào quên được. Những ngày ngồi trong xe mà tim đập rộn ràng, lo lắng khi xe chạy trên mặt hồ đóng băng, rồi những ngày xe chạy trên những thảo nguyên tuyết trắng đến tận chân trời như chạy trên những đám mây vậy.
Và còn rất nhiều ngày cùng đi, cùng nghỉ, cùng ngủ với bầy tuần lộc, ngồi trên lưng tuần lộc hàng ngày để đi qua hết rừng thông cổ đến những con suối đóng băng, vừa đi còn vừa được nghe những câu hát của người Tsaatan. Những hình ảnh ấy như mới vừa hôm qua vậy, chỉ cần nhắm mắt lại tất cả như hiện ra trước mắt."
Từ Tsagaan Nuur - ngôi làng cuối cùng ở phía Bắc, cả đoàn đã phải ngồi trên lưng tuần lộc gần 6-7 ngày, băng qua đồi núi, các sông hồ đóng băng, ngủ trên nền tuyết trong những chiếc yurts (lều dã chiến của người Tsaatan) với những đêm nhiệt độ xuống đến -35 độ C và tất cả chuyện ăn uống đều là tạm bợ.
Và rồi, đến địa điểm cách biên giới Nga khoảng 40km, là nơi những bộ lạc Tsaatan cuối cùng còn đang lưu giữ nếp sinh hoạt du mục cổ xưa nhất của Mông Cổ, sinh sống và thuần dưỡng những đàn tuần lộc trong môi trường tự nhiên hoang dã.
Những người Tsaatan còn được gọi là những con người tuần lộc, bởi cuộc sống của họ gắn liền với những con tuần lộc hàng nghìn năm nay. Họ dùng tuần lộc để di chuyển, thồ hàng và cho du khách thuê cưỡi tham quan, dùng sừng tuần lộc làm quà lưu niệm bán cho du khách, sữa tuần lộc dùng làm thực phẩm hằng ngày như mì, sữa, bơ, bánh khô và hơi mặn...
Những em bé nơi đây, luôn có một tuổi thơ gắn bó với tuần lộc và được học cưỡi tuần lộc từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù sống ở nơi tận cùng của thế giới, người Tsaatan vẫn có một cuộc sống bình yên và đơn giản bên đàn tuần lộc.
Những thứ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi
Thiện Chí cũng đã có những chia sẻ kinh nghiệm cho chuyến đi 15 ngày của mình:
"Cách chuẩn bị quần áo cho chuyến đi vùng lạnh
Mặc quần áo thành nhiều tầng nhiều lớp, đó là cách chúng ta mặc cho các chuyến đi vùng lạnh. Phương pháp mặc nhiều tầng lớp này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc mặc chỉ đơn lẻ 1 cái áo khoác thật dày.
Mặc từ 3-4 lớp, mỗi lớp có một công dụng riêng nhất định để giữ nhiệt tạo ra từ cơ thể và giữa các lớp áo, bảo vệ cơ thể khỏi cái lạnh, gió, mưa và tuyết, đây là cách nhanh nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể khi ở vùng lạnh đến cực lạnh.
1. Lớp sát người (Base Layer)
Lớp sát người phải ôm bó sát người như tên gọi của nó (nếu quá rộng khi cử động nhiệt sẽ bay mất và khí lạnh sẽ thay vào), phải có khả năng chuyển mồ hôi và hơi ẩm đi khỏi cơ thể.
Wool (len sợi nhỏ hay vải thun lạnh) và các chất liệu tổng hợp thay thế là thứ nên chọn. Tuyệt đối không chọn chất liệu cotton cho lớp base layer và đồ lót.
2. Lớp giữa (Middle Layer)
Lớp giữa thường dày hơn lớp sát người, phải có tác dụng hấp thụ hơi ẩm cơ thể được chuyển ra bởi lớp sát người và tạo thành lớp cách nhiệt.
3. Lớp bên ngoài (Outter Layer)
Lớp bên ngoài này phải có khả năng cơ động cao, với các khóa kéo cùng ống thở, để điều chỉnh thân nhiệt dễ dàng và giảm thiểu sự mất nhiệt. Lớp bên ngoài này phải có khả năng chịu nước chịu gió cũng như giữ cái lạnh ở ngoài và hơi ấm tạo ra từ thân nhiệt cùng các lớp áo ở trong.
Ngoài ra chúng ta cần chuẩn bị:
- Khăn giấy khô - uớt: Rất cần thiết vì 10 ngày trong rừng không tắm, bạn sẽ cần nó để vệ sinh.
- Giày du lịch không thấm nước.
- Áo khoác không thấm nước.
- Đồ ăn các loại (chà bông, chả lụa, bánh chưng, khô mực, tôm khô .. nói chung đem được gì thì cứ đem).
- Miếng dán nhiệt: Các bạn nên mua loại to, đừng mua loại nhỏ dán chân vì loại to nóng lâu hơn, trung bình mỗi ngày 4 miếng).
- Vớ và găng tay: Vớ loại dày có thể tìm thấy ở chợ Nga, găng tay có thể qua đó mua loại ngoài là da trong là lông cừu rất ấm. Lưu ý: Tuyệt đối không nên dùng tất cotton, nó chỉ kết ẩm và không bao giờ khô, làm nhiễm lạnh."
Thiện Chí cũng chia sẻ trên trang cá nhân rằng:"Mình ước gì đủ thời gian và sức lực để có thể ghi lại tất cả các khoảnh khắc của hành trình này vì với mình mỗi khoảnh khắc mỗi hình ảnh trong chuyến đi này điều vô giá. Đây quả là một chuyến đi quá sức tuyệt vời mặc dù có khá nhiều khó khăn..."