Toàn cảnh núi Non Nước mờ ảo trong sương sớm, nhìn từ xa giống như một đóa sen nổi trên mặt nước. Trong bài thơ dục thúy sơn , Nguyễn Trãi đã gọi nơi đây là "tiên san” - núi tiên.
Núi xưa kia là một tiền đồn nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Ninh Bình. Lối lên đỉnh núi trải qua 72 bậc đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh mát, rất thuận tiện để nghỉ ngơi, giải trí cho khách tham quan.
Xưa kia, đây vốn là cửa biển, nay biển đã lùi ra xa hơn 30 km. Dấu tích sóng biển vỗ vào vách núi vẫn còn rất rõ, đó là hiện tượng "hàm ếch".
Trên vách núi, hàng chục bài thơ chữ Hán của những tao nhân mặc khách khi xưa vẫn thách thức với thời gian. Những chữ Hán "đại tự" gần như nguyên vẹn, bất chấp nắng mưa, năm tháng. Một số bài thơ, phú khắc trên vách núi đã bị bào mòn, không còn đọc rõ.
Danh sĩ trương hán siêu là người đầu tiên lưu bút tích cho các thi sĩ đến thưởng ngoạn, ngắm cảnh làm những bài thơ khắc vào đá.
Bên cạnh những bài thơ chữ Hán, có cả những bài thơ chữ quốc ngữ cũng được khắc ở đây.
Nghênh Phong Các - Lầu đón gió, tòa lầu được Trương Hán Siêu, một vị quan lớn trải qua 4 triều vua Trần cho xây dựng trên đỉnh núi, trên nền tháp Linh Tế được xây từ thời Lý. Đây là nơi ông cùng các tao nhân mặc khách tọa đàm ngâm thơ.
Đền thờ danh nhân Trương Hán Siêu ngay dưới chân núi. Tương truyền, sau khi cáo quan về quê, ông về đây sống. Đền kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian Bái Đường và 2 gian Hậu cung, hai tầng mái lợp bằng ngói. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt.
Dưới chân núi phía bờ sông Đáy, chùa Non Nước nép mình thanh tịnh, yên ả dưới những tán cổ thụ. Ngôi chùa được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông. Năm 2006, chùa được tu bổ khang trang.
Núi Non Nước từng là trọng điểm đánh phá ác liệt thời chống Pháp và chống Mỹ. Đây là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng của ninh bình khi năm 1929, người anh hùng Lương Văn Tụy của quê hương Ninh Bình đã vượt qua bom đạn, cắm lá cờ búa liềm ủng hộ Liên Xô. Đây cũng là nơi anh hùng Giáp Văn Khương chiến đấu đến cùng và nhảy từ đỉnh núi xuống dòng sông Đáy chứ quyết không chịu sa vào tay giặc trong chiến dịch Quang Trung 1951.
Trên núi Thúy, vẫn còn rất nhiều lô cốt kiên cố được Pháp xây dựng nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông đường bộ và đường thủy Nam - Bắc.