Mẹ hãy chú ý và ghi nhớ 10 điều sau đây không nên nói với con:
1. “Con giỏi quá”
Việc cha mẹ thường xuyên khen con mình sẽ khiến con trở nên phụ thuộc vào sự công nhận đó hơn là động lực từ bản thân. Hãy diễn tả bằng ý tương tự như: thay vì khen “Con chơi giỏi ghê”, bạn có thể nhận xét “Con và đồng đội rất ăn ý” hay “Đó là sự trợ giúp rất đắc lực!”
2. “Có công mài sắt có ngày nên kim”
Càng chú tâm làm việc gì đó thì các kỹ năng của con càng được cải thiện. Tuy nhiên, lại có thể khiến con gánh chịu áp lực phải chiến thắng, hoặc nếu trẻ mắc lỗi sẽ nghĩ rằng mình đã không chăm chỉ luyện tập. Hãy khuyến khích con luyện tập chăm chỉ theo một cách khác để con có thể phát triển và cảm thấy tự hào về bản thân.
3. “Không sao đâu”
Khi con bị thương và bật khóc, bạn sẽ động viên rằng con không sao cả, như vậy có thể khiến con cảm thấy tồi tệ hơn. Bạn nên giúp con trấn an cảm xúc bản thân chứ không phải là coi nhẹ nó. Hãy dành cho con một cái ôm và hiểu được cảm giác của con bằng những câu như: “Thật là một cú ngã đáng sợ!”
4. “Nhanh lên nào”
Giục con nhanh lên trong khi con vẫn từ từ thưởng thức bữa sáng, có thể làm tăng thêm stress. Bạn có thể nhỏ nhẹ nói với con “Chúng ta hãy nhanh lên nào!”. Như vậy con sẽ cảm thấy bạn và con đang ở cùng một đội. Bạn cũng có thể biến hành động thúc giục thành trò chơi, chẳng hạn như: “Sao chúng ta không thi xem ai sẽ nhanh hơn?”
Có những câu nói hằng ngày tưởng chừng như vô hại lại gây ra cảm xúc tiêu cực ở con trẻ hơn bạn tưởng. (ảnh minh hoạ)
5. “Mẹ đang ăn kiêng nhé”
Khi hằng ngày thấy bạn kêu ca mình đang béo lên, trong đầu con có thể phát triển một hình ảnh cơ thể không khỏe mạnh. Tốt hơn nên nói rằng: “Mẹ đang tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh vì điều đó khiến mẹ cảm thấy rất tốt”. Hay đừng nói rằng “Mẹ phải tập thể dục”. Hãy nói rằng “Bên ngoài thời tiết rất đẹp. Mẹ sẽ đi dạo một chút”. Câu nói này sẽ giúp con có hứng thú đi bộ cùng bạn.
6. “Chúng ta không đủ tiền mua đâu”
Câu nói này có thể khiến con nghĩ rằng bạn không thể kiểm soát được tài chính. Hãy dùng cách khác để truyền đạt, chẳng hạn như “Chúng ta sẽ không mua món đồ này vì chúng ta đang tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng hơn”. Nếu con đòi thảo luận về vấn đề này, bạn sẽ có cơ hội để trò chuyện với con về cách chi tiêu và quản lý tiền bạc.
7. “Không được nói chuyện với người lạ”
Khi trẻ gặp một người không quen, trẻ sẽ không nghĩ đó là người lạ nếu người đó đối xử tốt với mình. Thay vì cảnh báo trẻ như vậy, hãy dựng lên một kịch bản như “Con sẽ làm gì nếu một người đàn ông con không biết cho con kẹo và muốn chở con về nhà?”. Hãy lắng nghe câu trả lời, và hướng dẫn con cách hành xử hợp lý.
8. “Cẩn thận đấy”
Nói câu này khi con đang chơi thăng bằng trong sân có thể khiến con té ngã. Vì câu nói của bạn làm con phân tâm và mất tập trung.
9. “Không ăn hết cơm thì con sẽ không được ăn bánh”
Câu nói này khiến trẻ cảm thấy như đang bị phạt và giảm hẳn cảm giác ngon miệng. Thay vì vậy, hãy nhắc con rằng: “Đầu tiên chúng ta ăn bữa tối, sau đó mới đến tráng miệng”. Sự thay đổi từ ngữ, dù rất nhỏ, cũng có thể tác động tích cực đến con.
10. “Để mẹ giúp”
Khi trẻ đang chơi giải câu đố, bạn sẽ muốn giúp đỡ trẻ. Đừng làm như vậy! Vì sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của trẻ, bé sẽ luôn trông đợi vào câu trả lời của người khác. Thay vì đó, hãy đặt các câu hỏi giúp trẻ giải quyết vấn đề như “Liệu có nên đặt miếng lớn và miếng nhỏ này ở phần dưới chân không con? Sao con lại nghĩ vậy? Con hãy thử xem sao”.