1. Hãy để con nằm chung giường với mẹ cho đến khi con ít nhất 3 tuổi
Ngày nay, có nhiều các bà mẹ quan điểm rằng nên để trẻ ngủ riêng ngay từ nhỏ để rèn tính tự lập và không ảnh hưởng tới giấc ngủ của bố mẹ. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, để an toàn nhất cho trẻ, bé cần phải được ngủ với mẹ, ít nhất là cho tới khi trẻ 3 tuổi. Bác sĩ nhi khoa chỉ ra rằng sẽ không an toàn khi đặt trẻ ngủ riêng ở một phòng khác khi còn quá nhỏ.
Trong một nghiên cứu được tiến hành trên 16 trẻ sơ sinh ngủ riêng trong cũi và trẻ được nằm cạnh mẹ, kết quả cho thấy những em bé nằm riêng một mình bị căng thẳng gấp 3 lần so với những bé được nằm cạnh mẹ.
Theo các nhà khoa học, tốt nhất là nên để trẻ ngủ chung giường cho tới khi 3 tuổi. Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo cho trẻ dưới 4 tháng tuổi ngủ riêng là rất không an toàn vì bé còn quá nhỏ và có thể gặp các vấn đề trong đêm mà không có sự hỗ trợ từ người lớn.
2. Đừng ép con ăn nhiều chỉ vì lo sợ con sẽ đói
Một trong những sai lầm mà rất nhiều các bà mẹ thường mắc phải chính là việc ép con ăn thật nhiều. Việc làm này vô tình lại khiến ăn uống trở thành một cuộc chiến mà lẽ ra nó phải là niềm vui và sự hứng khởi.
Hãy để con ăn theo nhu cầu, đừng ép con phải ăn quá nhiều
Điều mà các bà mẹ nên làm là đặt lên bàn những món ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe và sau đó để trẻ ăn theo nhu cầu của mình. Hãy nấu những món ăn đảm bảo nhất còn việc ăn với số lượng bao nhiêu hãy để con bạn tự quyết định thay vì ép con ăn thật nhiều để rồi chúng hoảng sợ.
3. Đừng quá lo lắng khi trẻ chưa biết tự ngồi bô
Ở giai đoạn trẻ đã biết đi, đã có thể “cai” bỉm là một điều khá hữu ích với các bà mẹ bởi việc này sẽ giúp tiết kiệm một khoản kinh phí khá lớn về tiền tã, bỉm. Tuy nhiên, đừng quá nóng vội trong việc ép trẻ phải ngồi bô hoặc đi vệ sinh theo giờ.
Không nên quá nóng vội nếu con chưa tự giác biết ngồi bô
Theo các bác sĩ nhi khoa, không có độ tuổi cố định cho mọi đứa trẻ về việc nhất định phải biết ngồi bô ở tuổi đó. Thông thường thì trẻ trong độ tuổi 2 – 4 tuổi bắt đầu có thể tự biết thực hiện việc này. Bạn có thể hướng dẫn, tạo sự chú ý cho con và để con thích nghi dần dần. Không nên bực bội khi trẻ vẫn “mất kiểm soát” và chưa thể tự mình ngồi bô được.
4. Cho trẻ tự đưa ra quyết định từ những việc nhỏ thay vì áp đặt con theo ý mình
Ngay cả một đứa trẻ mới biết đi cũng cần được dạy tính độc lập, tự quyết. Các chuyên gia nhi khoa nói rằng bắt trẻ tuân theo những lợi ý, quyết định của bố mẹ không phải là một cách dạy con đúng đắn nhất. Tốt hơn hết, không nên áp đặt ý chí, suy nghĩ của người lớn lên trẻ, dù là một đứa trẻ mới chỉ biết đi.
Hãy cho trẻ quyền lựa chọn những món đồ mà trẻ thích thay vì áp đặt
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như hỏi con muốn ăn gì cho bữa tối hoặc để trẻ tự lựa đồ mà chúng muốn mặc trước khi đi ra khỏi nhà.
5. Cho trẻ được cùng tham gia trò chuyện với bác sĩ khi đi khám định kỳ
Hiểu biết về sức khỏe là điều rất quan trọng khi nuôi dạy một đứa trẻ. Trẻ em nên được tìm hiểu việc ghé thăm bác sĩ, nghe bác sĩ tư vấn hoặc trả lời các câu hỏi của bác sĩ về tình hình sức khỏe của mình là như thế nào. Nhiều bố mẹ hay có suy nghĩ để trẻ chờ bên ngoài trong khi mình vào trao đổi với bác sĩ về các vấn đề của con. Điều này có lẽ nên thay đổi.
Cho trẻ vào gặp bác sĩ trong những lần đi khám sức khỏe
Cho con tham gia vào cuộc hẹn gặp bác sĩ sẽ giúp trẻ có ý thức và hiểu biết hơn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong quá trình đó, những trẻ từ tầm 6 tuổi trở lên đã có thể tự mình trả lời những câu hỏi của bác sĩ trong quá trình kiểm tra. Đừng cô lập con, đừng tự mình trả lời mọi câu hỏi của bác sĩ về sức khỏe của con khi đi khám. Điều này giúp trẻ nhận ra rằng trẻ cũng cần phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình.
6. Chú ý đến những thay đổi trong thói quen ăn uống, sinh hoạt của trẻ
Các bác sĩ nói rằng, trẻ em luôn có những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, khi những thói quen này bỗng nhiên thay đổi rất có thể nó báo hiệu một trong những dấu hiệu không tốt vệ sức khỏe. Ví dụ trẻ đột nhiên bỏ bữa, không chịu ăn, thức dậy giữa đêm, đổ mồ hôi khi ăn, ngủ li bì… là những biểu hiện mà bố mẹ không thể chủ quan, phải theo dõi để can thiệp khi bé có vấn đề về sức khỏe.
Theo dõi các thay đổi ở trẻ để kịp thời phát hiện những vấn đề về sức khỏe
7. Khi con dưới 1 tuổi không ngừng khóc, hãy áp dụng những cách này
Rất nhiều bà mẹ đã từng rơi vào tình huống dù làm đủ mọi cách nhưng con vẫn không ngừng khóc. Nếu như trẻ đã được thay bỉm sạch sẽ, khô ráo, bú đủ, ngủ đủ nhưng vẫn khóc, hãy thử những cách này theo lời chuyên gia tư vấn:
Cho trẻ nghe nhạc, bế áp vào người là một trong những cách để trẻ ngừng khóc
- Ôm con trong vòng tay, áp về phía ngực.
- Bật một bản nhạc nhẹ nhàng.
- Vừa bế vừa đi bộ trong nhà hoặc đặt bé trong xe đẩy và đẩy đi đẩy lại.
- Tạo ra những âm thanh gây chú ý, với điều kiện âm thanh nhịp nhàng, dễ chịu để trẻ bị thu hút.
8. Xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ ngay từ khi còn nhỏ
Các chuyên gia tâm lý nhi khoa kết luận rằng, trẻ em có lòng tự trọng tốt hơn sẽ hạnh phúc hơn. Nguyên nhân là bởi trẻ có lòng tự trọng sẽ ít khuất phục trước những áp lực hay sự áp bức từ người khác. Lòng tự trọng, sự tự tin giúp trẻ đưa ra những quyết định chính xác hơn cho mình. Cha mẹ nên dành lời khen ngợi, ghi nhận những nỗ lực và thành tích của các con, khuyến khích con phát triển hai thói quen này bằng cách:
Cần khích lệ để trẻ phát triển sự tự tin vào bản thân
- Trao cho con những công việc, trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi của con. Không quên nói lời cảm ơn khi con hoàn thành những nhiệm vụ đó
- Dành nhiều thời gian cho con hơn, điều đó giúp con thấy rằng chúng có vai trò quan trọng trong cuộc sống này
9. Bỏ qua sự la hét, nổi cáu của con, không nuông chiều những cảm xúc tiêu cực ở trẻ
Tình cảnh trong một cửa hàng, con la hét đòi thứ đồ mình muốn là một “kịch bản điển hình” mà rất nhiều cha mẹ gặp phải. Các chuyên gia chỉ ra rằng để xử lý tình huống này, ngăn chặn cơn giận dữ của con đó chính là… phớt lờ chúng.
Nếu bố mẹ tỏ ra lo lắng, tìm cách dỗ dành thì trẻ sẽ càng làm nũng hơn nữa. Do đó, bạn hãy “mặc kệ” sự vòi vĩnh đó của con bằng cách nhìn đi chỗ khác. Khi đó, con bạn sẽ nhận ra rằng sự ăn vạ của chúng không có tác động tới bố mẹ và sẽ phải dừng lại.
Không nên quá nuông chiều hay thỏa hiệp với sự nhõng nhẽo, vòi vĩnh của trẻ
Dĩ nhiên, điều này sẽ khó thực hiện và thành công ngay lần đầu tiên, nhất là khi đang ở bên ngoài, chỗ đông người. Vì thế, bạn hãy áp dụng nó khi ở nhà, không nuông chiều mọi vòi vĩnh ở trẻ để trẻ dần dần tự thấy không thể làm như vậy và hạn chế việc la hét khi ra bên ngoài.
10. Lên kế hoạch đi chơi vui vẻ sau khi đưa con đi khám nha sĩ
Với những đứa trẻ, việc khám răng, liên quan đến nha sĩ luôn là một “áp lực” khiến chúng sợ hãi. Vì thế, hãy biến việc kiểm tra sức khỏe răng miệng này thành một kỷ niệm vui vẻ.
Tạo niềm vui cho con sau hi đi khám răng miệng là cách giúp trẻ không sợ hãi nữa
Bạn có thể hỏi con rằng con muốn làm gì sau khi đi khám nha sĩ. Ví dụ như cùng nhau đi chơi, đi vườn bách thú… Bằng cách này trẻ sẽ được cân bằng cảm xúc, sẽ thấy hào hứng và không còn sợ hãi nữa bởi mỗi khi đi khám nha sĩ vì sau đó trẻ được làm điều mà mình thích.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/10-loi-khuyen-cua-bac-si-cho-cac-me-dang-cham-soc-con-nho-c3...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/10-loi-khuyen-cua-bac-si-cho-cac-me-dang-cham-soc-con-nho-c32a761436.html