Gặp gỡ Lê Phương Anh (học sinh lớp 6, trường PTCS Xã Đàn), mọi người sẽ ấn tượng với vẻ đẹp trong trẻo, ánh mắt thông minh và nụ cười rạng rỡ của em. Nếu chỉ nhìn ngoại hình và những cuộc gặp gỡ lướt qua, đặc biệt nhìn vào bảng thành tích học tập từ lớp 1-5 của Phương Anh, có lẽ không ai có thể nhận ra cô học trò nhỏ này lại bị khiếm thính tới mức độ 4.
Em Lê Phương Anh (Ngoài cùng bên trái).
Thế nhưng không đầu hàng số phận, bằng nghị lực bản thân, cộng với tình yêu thương, phương pháp giáo dục của gia đình, thầy cô, Phương Anh đã chứng minh rằng: “Khuyết tật lớn nhất của con người chính là đầu hàng số phận”.
Nhìn Phương Anh vui chơi, nói chuyện cùng với các bạn, chị Chu Thị Minh Phượng – mẹ Phương Anh mỉm cười, nhớ lại khoảng thời gian của 10 năm trước, khi phát hiện con bị khiếm thính bẩm sinh.
Chị kể: “Phương Anh học mẫu giáo 2 tuổi, cô giáo phát hiện con không có nhận thức, phản ứng về âm thanh, không nói chuyện với các bạn. Tuy nhiên, gia đình vẫn chưa tin và chỉ nghĩ con chậm biết nói.
Sau khi đưa con đi khám, mình sốc. Mình lo cho tương lai của con bởi một đứa trẻ bình thường được học hành, trưởng thành đã rất khó khăn nhưng con lại bị như vậy. Lúc đó, mình chỉ ước nếu có thể tháo tai của mẹ để lắp cho con cũng sẵn sàng”.
Chị Chu Thị Minh Phượng và bé Lê Phương Anh.
Phương Anh nắm được những ý chính của mọi người qua khẩu hình miệng. Hai mẹ con hiểu nhau khoảng 80% mà không cần nói.
- Minh Phượng -
Cũng kể từ lúc đó, chị Phượng biết không ai khác ngoài chính bản thân mình phải có đủ nghị lực để truyền sức mạnh cho con. Gạt đi những nỗi đau, những giọt nước mắt, chị Phượng quyết định đồng hành bên con trên con đường đi tìm âm thanh.
Từ đó, chị bắt đầu cho con đi học trường PTCS Xã Đàn cũng như thuê gia sư chuyên biệt để con có phương pháp học, có thể giao tiếp với mọi người.
Ngoài ra, chị dành thời gian học hỏi thêm các phương pháp để cùng cô giáo kết hợp ở nhà với con. Đặc biệt, chị và gia đình quyết định giao tiếp với con như những đứa trẻ bình thường khác, bằng ngôn ngữ giao tiếp thông thường mà không phải là ngôn ngữ ký hiệu. Không những vậy, chị còn quyết định không sinh thêm em bé để dành tất cả tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho con.
“Với con, mình xác định dành thời gian cho con càng nhiều càng tốt. Ngoài thời gian học ở trường, mình dành cả buổi tối trực tiếp dạy con. Thời gian cứ thế trôi đi, mình không nhớ bao lâu lấy lại được tinh thần khi biết con gái đầu lòng bị khiếm thính nhưng cũng chính từ đó mình nguyện là đôi tai cùng con lắng nghe thế giới”, chị Phượng tâm sự.
Việc người lạ giao tiếp với Phương Anh là điều khó khăn bởi em là học sinh khiếm thính nặng nhất trong những bạn khuyết tật cùng học. Khiếm thính ở mức độ 4, tai phải hơn 100dB (đề xi ben), tai trái 80dB, mọi âm thanh mà em nghe được đều thông qua chiếc tai nghe trợ thính được gia đình mua từ năm 3 tuổi.
Mặc dù con có máy trợ thính nhưng không ít lần trong quá trình dạy, chị Phượng cảm thấy bất lực, muốn cáu gắt vì con không hiểu.
“2 tuổi nhưng con chỉ như đứa trẻ mấy tháng tuổi bắt đầu nghe. Khoảng thời gian đó, chính mình cũng ức chế bởi mẹ nói con không hiểu, con nói mẹ không hiểu. Vì con chưa biết chữ nên mình chỉ cố gắng diễn tả càng nhiều càng tốt và cả 2 mẹ con cùng cố gắng. Mình thường chỉ vào những đồ vật và nói để con nhìn khẩu hình miệng”, Chị Phượng chia sẻ.
Mặc dù bị khiếm thính nhưng Phương Anh luôn tự tin và cố gắng vươn lên.
Với những đứa trẻ khác, việc gọi từ “Mẹ” khi bắt đầu biết nói là điều quá đỗi bình thường nhưng với một cô bé khiếm thính bẩm sinh như Phương Anh, để em có thể nghe và nói sõi là một điều quá khó khăn. Chính bởi vậy, khi con nói sõi từ “Mẹ” hồi mới 3 tuổi là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao của chị Phượng.
Đến bây giờ chị Phượng vẫn cười và nói rằng con là người Việt nói tiếng Anh bởi muốn hiểu Phương Anh nói cần phải có người “phiên dịch” là cô giáo hoặc người thân của em.
Mình nhớ con nói sõi tiếng "Mẹ", mình hạnh phúc phát khóc lên, cũng cảm động nữa vì đó là từ "Mẹ" rõ ràng, sõi nhất của con.
- Minh Phương -
Chị kể: “Trước khi con học mẫu giáo hòa nhập, nhiều bạn không chơi vì con không biết nói. Khi đi ngoài đường nhiều người cũng nhìn chằm chằm con, không biết con nói gì.
Có lần, một bé hỏi bố mẹ rằng “Mẹ ơi, chị nói kiểu gì đấy?” khi nghe con nói. Hồi đầu mình cũng cảm giác khó chịu nhưng về sau thì mình quen và cố gắng tạo cảm giác tự tin cho con, bảo con quay ra nói lại để em hiểu”.
3 năm dạy con nghe nói, có lẽ chị đỡ vất vả hơn khi con vào lớp 1, biết viết chữ. Từ đó, giấy và bút luôn là vật song hành “cứu cánh” 2 mẹ con chị, để 2 mẹ con hiểu nhau hơn. Thế nhưng không ít lần chị Phượng vẫn phải nhờ đến “chuyên gia” Youtube để con xem những hình ảnh mà mình cần diễn đạt. Dẫu vậy, đôi lúc chị vẫn bất lực vì không thể tìm được cách diễn đạt cho con hiểu, nhất là mỗi khi con học làm văn.
10 năm đồng hành cùng con, dù nhiều lần áp lực, nhiều lần bực tức, stress khi dạy con nhưng chị Phượng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được “hái những trái ngọt” đầu tiên. Tuy là học sinh khiếm thính nhưng Phương Anh vẫn đạt được thành tích cao trong học tập hơn nhiều bạn bình thường khác.
Từ lớp 1 đến lớp 5, em đều là học sinh giỏi. Ngoài ra, 2 năm em giành giải 3 cấp quận thi viết chữ đẹp. Bên cạnh đó, em còn có năng khiếu vẽ, đàn và từng đạt giải thưởng trong các cuộc thi vẽ của trường.
Phương Anh và thầy hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn.
“Mỗi khi con được nhận bằng khen mình cảm thấy không phụ công mình và công các thầy cô trong trường. Trong các thành tích con đạt được có lẽ mình hãnh diện nhất là khi thầy hiệu trưởng mới về trường nhận ra mình là phụ huynh và khen con gái học rất tốt. Mỗi lần đi họp phụ huynh, con được cô tuyên dương mình cũng cảm thấy ấm lòng”, chị Phượng nở nụ cười chia sẻ.
Tuy hiện nay Phương Anh đã học lớp 6, có thể làm tất cả mọi việc nhà phụ giúp ông bà, bố mẹ nhưng chị Phượng vẫn rất lo lắng cho quãng đường tương lai của con. Không biết con đường phía trước như thế nào nhưng chị vẫn sẽ cố gắng, nỗ lực đồng hành, giúp con thực hiện ước mơ là một cô giáo, một họa sĩ trong tương lai bởi với chị, “khuyết tật lớn nhất của con người chính là đầu hàng số phận”.
>> Xem tiếp: NGƯỜI MẸ HÀ NỘI MẤT 2 NĂM DẠY CON BẠI NÃO HIỂU TỪ "BÀN", 3 NĂM CÙNG CON HỌC NHAI