Ảnh: westheimphoto |
Lên ba, nhiều trẻ bỗng dưng khó bảo và hay ăn vạ. Hiện tượng “nổi loạn tuổi lên ba” hay "khủng hoảng tuổi lên ba" này sẽ không xảy ra nếu các cha mẹ chú ý đến việc giáo dục con ngay từ khi con còn nhỏ xíu. Trẻ sơ sinh hoàn toàn không có khả năng tư duy, vì thế, dạy con lúc này chính là điều chỉnh tính cách của con. Trong quá trình đó, cha mẹ rất dễ mắc một số sai lầm sau:
1. Đáp ứng mọi đòi hỏi của con
Khi nuôi dạy trẻ, cha mẹ cần phân biệt đâu là nhu cầu, đâu là đòi hỏi của con. Nhu cầu là thứ không có thì con sẽ mệt, đói, hoặc gặp nguy hiểm. Đòi hỏi là những thứ mà con không có cũng không sao. Khi con có nhu cầu, cha mẹ đương nhiên phải đáp ứng. Tuy nhiên, khi đáp ứng nhu cầu, cha mẹ không cần thêm câu cảm thán nào về chuyện này bởi đứa trẻ không hiểu được lời cha mẹ nói nhưng sẽ cảm nhận được sự yếu lòng của cha mẹ về tình trạng của nó. Nắm được điểm này, khi lớn hơn một chút, đứa trẻ sẽ nghĩ ra trò để gây sự với cha mẹ.
Khi con chỉ đòi hỏi, cha mẹ tuyệt đối không nhân nhượng dù chỉ một lần. Chỉ cần một lần đòi hỏi được là đứa trẻ sẽ tiến hành lần sau và với phương pháp dai dẳng, khó chịu hơn lần trước. Cha mẹ càng cương quyết, con càng ngoan ngoãn.
Để tránh tình trạng ăn vạ của trẻ, cha mẹ tuyệt đối không được có suy nghĩ và hành động nào coi đứa trẻ là đặc biệt và khác người. Nếu biết được coi là đặc biệt, đứa trẻ sẽ quấy nhiễu hơn vì cho rằng mình có cái quyền hành đó.
2. Thỏa hiệp với trẻ bằng các món quà
Cha mẹ không nên thỏa hiệp với trẻ. Khi cho con ăn, dụ con nghe lời, ru con ngủ mà không được, không ít các mẹ và các bà đã đem một số thứ ra trao đổi. Ví dụ: bật ti vi, đi dạo, cho đồ chơi, cho mua bim bim… Đứa trẻ không khó khăn gì để biết được lợi thế của việc này và những bữa ăn hay giấc ngủ về sau của trẻ sẽ càng khó khăn hơn vì nó sẽ ép để người lớn phải buộc lòng thỏa hiệp với nó. Như vậy trong nhà sẽ ngập tràn tiếng khóc hờn và quát mắng.
3. Làm hộ con mọi việc
Khi trẻ đã quen được cha mẹ phục vụ tận răng mọi thứ, chúng sẽ phản ứng mãnh liệt nếu một ngày nào đó bị buộc phải tự lau mặt, dọn đồ chơi hay cất cốc uống nước.
Các cha mẹ đừng coi thường trẻ. Từ 6 tháng tuổi, ngồi được vào trong ghế ăn là trẻ đã có thể bốc đồ ăn cho vào miệng. Khi biết đứng và đi được, trẻ đã đủ năng lực để dọn đồ chơi. Khi con được một tuổi rưỡi thì việc tự lau miệng không phải là quá khó khăn. Hãy cho con làm, điều đó không chỉ tỏ thái độ tôn trọng và đề cao con mà còn làm cho cha mẹ giải phóng được một số việc và con cũng trưởng thành hơn.
Trong trường hợp cha mẹ đã trót tạo điều kiện để trẻ nổi loạn, cách nào để xử lý? Việc này đòi hỏi ở cha mẹ sự kiên nhẫn cũng như bản lĩnh cực cao.
1. Khi con ăn vạ, bố mẹ bế con vào phòng riêng, khóa cửa lại để mọi người xung quanh không thể can thiệp. Đặt con xuống, dọn dẹp sao cho đảm bảo xung quanh con không có gì nguy hiểm. Bật quạt (nếu trời nóng), lấy sẵn khăn mặt để đó cho con tùy nghi sử dụng. Nếu con bày trò nôn ọe thì bố mẹ chuẩn bị chậu để hứng và khăn để lau. Để nguyên đó cho con tự xử. Sau đó, bố mẹ lấy tai nghe ra nghe nhạc, mắt vẫn nhìn con không chớp.
Nếu con đứng dậy, giật ống nghe của bố mẹ thì đương nhiên phải kháng cự. Trong trường hợp kháng cự không nổi thì cất tai nghe đi và ngồi lên giường. Hai chân bố mẹ gập lại sao cho đầu gối sát với mặt. Úp mặt vào đầu gối, vòng tay ôm qua chân. Lúc này, con có xông vào cấu xé, lôi kéo sự chú ý của cha mẹ thì cha mẹ cũng phải mặc kệ. Cố gắng giữ nguyên tư thế ngồi như vậy cho đến khi con tự nín.
Sau khi con đã nín khóc và quên chuyện ăn vạ, bố mẹ không giáo huấn, bởi lúc này trẻ chưa hiểu những lời giáo huấn. Bố mẹ có thể đứng dậy làm việc khác mà coi như sự vụ ăn vạ chưa hề xảy ra. Tuyệt đối không nhắc lại vụ việc đó. Bố mẹ yên tâm là con đủ khôn ngoan để biết rút kinh nghiệm. Chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn xử lý độ vài ba lần là việc ăn vạ sẽ giảm dần và mất hẳn.
2. Nếu con đòi gì đó khi đang ở siêu thị, bố mẹ cương quyết không đáp ứng yêu cầu. Khi con ăn vạ tại đó, bố mẹ cần phải “thản nhiên” bỏ đi, dĩ nhiên, mắt vẫn phải liếc lại sau nhưng đừng cho trẻ thấy. Trẻ sẽ phải nhanh chóng chạy theo. Vụ việc sẽ còn xảy ra thêm vài lần nữa nhưng rồi trẻ sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm và giảm đòi hỏi.
3. Khi con ăn cơm, nhớ cho con tự xúc. 2,5 tuổi là trẻ tự xúc tốt. Nếu con xúc chậm, đặt đồng hồ và yêu cầu con xúc trong 30 phút. Sau thời gian đó mà con vẫn chưa ăn xong thì bố mẹ phải cương quyết cất bát đi. Con sẽ nhận và hiểu được thông điệp nghiêm khắc này khi thấy bụng đói hơn bình thường. Tuyệt đối không cho con ăn vặt sau bữa phạt để con có luôn cảm giác đói đó đến bữa sau. Thực hiện nghiêm chỉnh trong một tuần, các bố mẹ sẽ có một đứa con ăn siêu ngoan và siêu nhanh nhé.
4. Khi con có thái độ không tốt, cần có một hình phạt nhỏ để điều chỉnh. Hình phạt đó là “ngồi ghế xấu”. Bắt con ngồi đúng thời gian tuyên bố cho dù con giãy giụa. Đảm bảo sau đó con sẽ ngoan hơn.
5. Khi cả nhà chuẩn bị đi đâu đó mà con ăn vạ thì cha mẹ chỉ cần giả vờ nhanh nhẹn dọn dẹp đồ đạc để đi chơi và ra khỏi nhà thật nhanh. Yên tâm đi, trẻ sẽ lao vút ra ngoài theo bố mẹ ngay (dĩ nhiên sẽ kèm theo vài cơn nức nở nữa, nhưng sẽ nhanh chóng hết khi trèo lên xe).
6. Khi con bướng bỉnh, không chịu nghe lời, cha mẹ có thể đưa ra các lựa chọn cho con. Con sẽ được chọn một trong các hướng. Khi tuyên bố về các hướng, cha mẹ nên nói cả hậu quả của việc theo hướng đó để con có thông tin lựa chọn.
Ví dụ: Một là con ăn ngoan và sau đó mẹ sẽ đọc truyện cho con nghe. Hai là con ăn chậm thì sẽ ngồi vào “Ghế xấu” hoặc “Úp mặt vào tường”. Trẻ sẽ chọn hướng nào ít thiệt hại hơn. Lúc này không cần giục giã, con sẽ làm mọi việc nhanh và gọn lắm.
Một cách xử lý bướng nữa là đếm. Tuyên bố với con là nếu đếm đến… mà chưa làm… thì sẽ bị... Các cha mẹ sẽ thấy con trở nên nhanh nhẹn ngay.
Các cô giáo còn có chiêu là thi oẳn tù tì. Nếu oẳn tù tì ba lần mà bố mẹ thắng thì con phải nghe lời, thua thì con tùy ý. Người lớn có đủ chiêu trò để oẳn tù tì ba lần thắng hai. Lúc đó bố mẹ sẽ thấy “kẻ thua” cực kì quân tử, sẵn sàng chịu thua.
Con trẻ rộng lượng, hiểu biết, quân tử và rất khôn ngoan. Xử lý các bé không dễ. Điều quan trọng là bố mẹ cần có bản lĩnh cao cường. Kiên quyết, nói thì sẽ làm, bình tĩnh, không cáu gắt, sẵn sàng cho trẻ chịu một, hai bữa đói… không chỉ điều chỉnh được tính cách của con mà còn xử được cả vụ biếng ăn của con nữa.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội