Các hoạt động vui chơi cho trẻ tại nhà trong những ngày dịch này không những giúp trẻ thân thể khỏe mạnh hơn mà còn giúp phát triển tư duy sáng tạo, tay chân hoạt động linh hoạt hơn.
Ở bài trước, chúng tôi đã giới thiệu tới các bậc phụ huynh cách làm và cách chơi 5 trò chơi đơn giản nhưng cực thú vị dành cho bé tại nhà. Ở kỳ này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu 5 trò chơi mới với cách làm vô cùng đơn giản nhưng không kém phần thích thú, thu hút trẻ nhỏ.
1. Trò chơi buộc dây thun
Cách làm
- Chuẩn bị: 10-15 que kem bằng gỗ và 1 hũ thun buộc.
- Thực hiện: Ở mỗi que kem, cha mẹ đánh các số thứ tự khác nhau phù hợp với độ tuổi trẻ đã biết.
Hướng dẫn bé chơi: Nhiệm vụ của con là cầm dây thun buộc vào mỗi que sao cho số lượng dây thun được buộc bằng với số thứ tự được đánh trên que.
Trò chơi này giúp bé nhận biết và ghi nhớ số thứ tự đồng thời hoạt động linh hoạt các đầu ngón tay để cột dây thun vào que.
2. Trò chơi xúc bóng dưới nước
Cách làm
- Chuẩn bị: 20-30 quả bóng nhựa (loại nhỏ) hoặc 20 quả bóng nhựa loại to với nhiều màu sắc khác nhau. 1 cái máng nhựa to hoặc có thể dùng chậu nhựa và 10 cái cốc giấy loại to. 1 chiếc thìa loại to hoặc muỗng múc canh.
- Thực hiện: Đổ nước vào trong máng nhựa (chậu nhựa) sao cho mực nước vừa phải. Sau đó thả toàn bộ số bóng vào trong máng nước. Xếp 10 chiếc cốc giấy theo một hàng ở bên ngoài máng nước.
Hướng dẫn bé chơi: Nhiệm vụ của con là dùng chiếc thìa (muỗng) xúc bóng ở trong máng nước và đưa vào cốc giấy. Mỗi cái cốc đựng một loại bóng màu khác nhau.
Trò chơi này giúp bé nhắm chính xác vị trí của bóng và xúc bóng, khéo léo đưa bóng được vào trong cốc và nhận biết các màu sắc cùng loại tốt hơn.
3. Trò chơi phân biệt hình khối
Cách làm:
- Chuẩn bị: 1 tấm bìa các tông to và những mảnh giấy màu khác nhau (đỏ, xanh, vàng, tím...)
- Thực hiện: Tại tấm bìa các tông, mẹ vẽ nhiều hình khối khác nhau như hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật, hình cầu, hình bầu dục... Tại những tờ giấy màu mẹ cũng cắt thành những hình khối có kích thước vừa bằng những hình khối đã được vẽ trên tấm bìa các tông.
Hướng dẫn bé chơi: Nhiệm vụ của bé là tìm hình khối (màu) giống với hình khối được vẽ trên tấm bìa các tông để xếp vào đúng vị trí của hình khối đó. Lưu ý với mỗi hình khối sử dụng 1 màu riêng để bé dễ nhận biết (ví dụ màu đỏ là hình chữ nhật, màu xanh là hình tròn, màu vàng là tam giác...)
Trò chơi này giúp bé nhận biết màu sắc, nhận biết hình khối trên giấy và trên thực tế.
4. Trò chơi đóng đinh
Cách làm:
- Chuẩn bị: Tận dụng khay giấy đựng trứng đã bỏ đi, búa nhựa dành cho trẻ nhỏ và các que tính nhựa.
- Thực hiện: Úp ngược khay trứng giấy và cắm các que tính vào từng ô của khay.
Hướng dẫn bé chơi: Cho con cầm chiếc búa thần kỳ của mình và đóng những chiếc que tính sau cho chúng ngập hết khay trứng.
Việc này giống như việc đóng đinh vào tường, giúp bé dùng lực của tay dẻo dai hơn, ngắm chính xác vị trí que cần đóng.
5. Trò chơi làm toán cùng ống hút
Cách làm
- Chuẩn bị: 1 bảng tính có thể viết các phép tính lên đó, những mẩu giấy hình trái tim và 1 chiếc ống hút.
- Thực hiện: Viết các phép tính cộng trừ lên bảng tính và kết quả được viết ở các mẩu giấy hình trái tim.
Hướng dẫn bé chơi: Nhiệm vụ của bé là ghép kết quả (hình trái tim) vào đúng với phép tính trong bảng. Tuy nhiên không phải sử dụng tay mà dùng ống hút, hút bằng miệng kết quả đó và thả và trong bảng tính.
Trò chơi này giúp các bé học toán tốt hơn đồng thời sử dụng kĩ năng linh hoạt thổi hơi và khéo léo đưa giấy vào trong bảng.
Sau mỗi trò chơi, mẹ nên dành lời khen ngợi cho bé dù con có hoàn thành tốt hay chưa tốt và đừng quên chuẩn bị những phần thưởng xứng đáng cho bé.