“Ngay cả trước khi biết nói, não bộ trẻ sơ sinh đã được “dọn đường” để có thể học tới 3 ngôn ngữ cùng một lúc” – câu nói nổi tiếng của vị CEO một tập đoàn giáo dục lớn của Mỹ khiến tôi rất tâm đắc. Trẻ nhỏ rất kỳ diệu ở chỗ: chúng có thể kích hoạt được cùng lúc nhiều ngoại ngữ một cách đơn giản trước khi tròn 6 tuổi. Sau giai đoạn cửa sổ này, độ mềm dèo, linh hoạt của não giảm đi và do đó, rất khó đến tiếp thu thêm một ngoại ngữ nữa mà không bị nhầm lẫn. Vậy nhưng ngược đời là, rất nhiều ông bố bà mẹ đợi đến khi con vào lớp 1 mới bắt đầu cho đi học tiếng anh. Tôi không làm vậy.
Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Con cái chúng ta sau này không chỉ phải cạnh tranh với người Việt mà sẽ là cả những người nước ngoài. Dạy con ngoại ngữ chính là một cách đầu tư cực có lời cho tương lai của bé. Không phải sau này mà ngay cả bay giờ, bất cứ một thông tin tuyển dụng nào cũng có dòng chữ “thông thạo 1 hay 2 ngoại ngữ là một lợi thế” đó sao. Học một ngôn ngữ thứ hai đã được khoa học chứng minh là giúp trẻ tăng cường trí nhớ cũng như khả năng phân tích.
Vì vậy, trong khi những đứa trẻ khác đang tập bò, tập ngồi,…con trai tôi đã sớm kích hoạt được 2 thứ tiếng: mẹ đẻ và tiếng anh. Làm thế nào để tôi thực hiện được điều đó? Xin thưa, đó là một quá trình dài đọc hiểu và tìm tòi rất nhiều tài liệu cũng như phương pháp giáo dục sớm của tôi. Nên nhớ, tôi không khoe mẽ. Tôi đang hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ sau của chúng ta.
Trẻ 6 tháng là thời điểm "vàng" để dạy con ngoại ngữ (ảnh minh họa)
Phương pháp tôi sử dụng, đó là chiến lược OPOL (One Parent One Language) dịch ra có nghĩ là bố và mẹ, mỗi người nói chuyện với con bằng một thứ tiếng. Trong gia đình, tôi luôn nói chuyện với con bằng tiếng Anh và bố nó thì bằng tiếng Việt. Đôi khi, một câu nói của tôi thường phải nói hai lần, lần một làn tiếng Việt, lần hai là tiếng anh. Ví dụ như khi đi ngoài đường, tôi hay nói “Con nhìn kìa, có thấy nhiều ô tô không?” và sau đó là “Look! So many car on the road”. Thông thường, tôi để con nghe 60% là tiếng Việt và 40% là tiếng Anh.
Thực sự lúc đầu, khi phải nói chuyện với con chỉ bằng tiếng anh, tôi cảm thấy khá ngượng miệng và cũng hơi sợ khi người ngoài nhìn tôi với ánh mắt “quái gở”. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng duy trì thói quen này. Luyện tập làm nên thành công và khi con cái đáp trả tôi bằng một từ tiếng Anh, tôi cảm thấy điều đó thật vô cùng ngọt ngào.
Tôi luôn cố gắng để đưa ngoại ngữ thứ hai vào cuộc sống của gia đình tôi. Thậm chí, tôi còn tìm những bộ phim hoạt hình nhưng có hai phiên bản, Anh và Việt để bé xem và cảm thấy thoải mái với những nhân vật quen thuộc. Đưa con đến những nhà hàng có nhiều người nước ngoài, những khu vui chơi có trẻ em “Tây” cũng là cách tốt để tạo môi trường song ngữ cho bé. Học ngoại ngữ qua các bài hát cũng là một phương pháp tưởng ai cũng biết nhưng lại vô cùng hiệu quả. Cách học song song này làm cho trẻ rất dễ nhớ còn nếu học mà không liên quan đến nhau cũng dễ bị làm trẻ bị rối.
Tôi đã từng bị gia đình gây áp lực vì con mãi 18 tháng chưa biết nói, khi nói rồi thì lại một câu xen cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Các mẹ có con học cùng lúc hai ngoại ngữ như tôi trên thế giới rất nhiều. Tất cả đều hiểu được rằng sẽ sẽ chậm nói hơn so với các bạn. Tuy nhiên, tôi chấp nhận điều đó. Tôi lấy quan điểm của tiến bộ chậm và chắc để dạy con mình. Con có chậm hơn nhưng khi đã nói, bé sẽ nói được cả câu dài, rành mạch, rõ ràng và không bị ngọng. Con trai tôi chỉ thực sự nắm bắt tốt ngôn ngữ trong giai đoạn từ 2-4 tuổi. Lúc này, bé đã có thể nói cả tiếng Anh và tiếng Việt một cách tự nhiên. Gặp ai thì phản xạ là nói tiếng đấy. Khi bé bắt đầu đi học mầm non, thì tiếng Anh và tiếng Việt của bé đã thực sự nhuẫn nhuyễn.
Theo tôi, mọi đứa trẻ đều là thiên tài. Bí mật quan trọng nhất là vào thời kỳ sinh trưởng của não (0-6 tuổi), chỉ cần một tác động nhỏ đúng cách của người mẹ cũng mang lại những hiệu quả rất ý nghĩa. Dạy con đúng thời điểm là vô cùng quan trọng để giúp những khả năng tiềm tàng được phát triển.
Theo chia sẻ của độc giả Nguyễn Cao Linh Chi