Đứa trẻ nào cũng trải qua những cột mốc quan trọng như nụ cười đầu tiên, bữa ăn dặm đầu tiên, lần tập lẫy đầu tiên, bước đi đầu tiên…Tuy nhiên, giữa những mốc quan trọng này còn nhiều bước đánh dấu sự phát triển của trẻ mà bạn có thể không để ý tới:
1. Bé thích trò chơi ném đồ
Giai đoạn này bắt đầu từ khoảng 6 tháng tuổi.
Trò chơi ném đồ giúp trẻ hiểu nguyên nhân - kết quả. Ảnh: parents. |
Lúc sơ sinh, bé thường thờ ơ với một cái xúc xắc, thậm chí không nhận ra nó bị mang đi chỗ khác. Bây giờ bé có thể nhận ra những thứ đang tồn tại xung quanh ngay cả khi bé không nhìn thấy, một khái niệm được gọi là “hằng định đối tượng”. Đó là khi trẻ nhìn xuống để tìm những thứ mà bé thả xuống từ trên cao. Đây là một trò chơi dạy bé về nguyên nhân và kết quả: “trẻ ném, bạn nhặt”
Mặc dù bạn sẽ rất mệt mỏi khi phải đi nhặt đồ suốt cả ngày nhưng đây là trò chơi giúp trẻ vui trong thời gian dài. Trẻ sẽ cảm thấy đầy hào hứng mỗi khi bạn đáp lại. May mắn thay, trò chơi này chỉ kéo dài đến khoảng tháng 15.
2. Bé bôi thức ăn vào mặt hơn là đút vào miệng
Giai đoạn này bắt đầu từ khoảng 7-9 tháng tuổi.
Bé 7-9 tháng tuổi coi bữa ăn như một trò chơi, nên bé bôi thức ăn lên mặt chứ không đưa vào miệng. Ảnh: parents. |
Bé ở độ tuổi này coi bữa ăn như một trò chơi. Bé dùng các ngón tay và món ăn dính đầy trên má. Trẻ cũng cho thấy khả năng độc lập của mình. Có rất ít trẻ có thể kiểm soát, vì khi chơi với thực phẩm là lúc chúng đang khám phá theo cách riêng của mình.
Điều bạn cần làm là để bé trải nghiệm cảm giác tự chăm sóc mình. Vào sinh nhật lần thứ 2, trẻ sẽ biết điều khiển hơn, có thể tập trung hơn trong bữa ăn. Tuy nhiên, bạn cũng đừng sốc nếu con duy trì thói quen ăn uống xấu này cho đến khi đi học mẫu giáo.
3. Bé khóc khi thấy người lạ
Giai đoạn này bắt đầu từ khoảng 7 tháng tuổi.
Bé của bạn có biểu hiện lo lắng hơn. Bé bắt đầu nhận ra người quen và người lạ. Bé có thể biểu hiện khác lạ khi bạn chuyển bé cho bà - người không tới thăm thường xuyên. Khả năng phân biệt bạn với những người lạ là một bước nhảy vọt về sự phát triển (và bạn nên cố gắng giải thích điều này với bà để bà không cảm thấy tự ái).
Điều bạn cần làm là giúp trẻ cảm thấy quen dần với người lạ cho tới khi giai đoạn này qua đi, thường là ở tháng thứ 15. Nếu bé khóc khi nhìn thấy khách lạ, bạn đừng vội bế bé đi ngay, hãy để bé được giao tiếp, chơi cùng anh ấy, bé sẽ dần cảm thấy an toàn hơn.
4. Bé đột ngột thức giấc khi đi tè
Giai đoạn này bắt đầu từ khoảng 9 tháng tuổi.
Ở thời điểm này bé nhà bạn có thể đạt dấu mốc quan trọng như biết đứng. Trong khi bé dồn tất cả năng lượng vào kỹ năng này, bé có thể bị ảnh hưởng ở những yếu tố khác bao gồm cả ngủ.
Nếu bạn để bé ngủ riêng, hãy nhanh chóng vỗ về và rời khỏi phòng khi bé đã ngủ lại. Bạn càng ở lại lâu bé càng bị kích thích. Ngoài ra cũng cần đảm bảo cho bé đi ngủ đúng giờ. Hãy tắt đèn ngay cả khi bé vẫn thức. Thói quen ngủ tốt của bé sẽ trở lại trong vài tuần.
5. Bé bắt đầu biết thiên vị người gần gũi chăm sóc mình
Giai đoạn này bắt đầu từ khoảng 8-9 tháng tuổi.
Trẻ nhận ra rằng mẹ và bố có những cách chăm sóc khác nhau và bé thể hiện sự yêu quý với người này hơn người kia. Trong hầu hết các trường hợp trẻ thiên vị người ở bên bé nhiều thời gian hơn. Nhưng khi người còn lại biết cách biến mọi thứ thành một trò chơi hoặc nuông chiều bé hơn thì có thể khiến bé thay đổi sự lựa chọn.
Hãy kiên nhẫn nếu bạn là người bị bé từ chối. Bé có thể thay đổi thường xuyên. Bên cạnh đó, mọi nỗ lực buộc bé theo bạn có thể khiến bé càng phản ứng. Thay vào đó, hãy thử dành thời gian để ba người cùng chơi với nhau. Dần dần, người được bé theo hơn nên rút lui để người kia gần gũi với bé hơn.
Cũng là ý tưởng hay nếu hai vợ chồng bạn thay phiên nhau cho bé ăn, tắm, ru bé ngủ, trẻ sẽ yêu quý cả hai thay vì chỉ người gần gũi nhất.
6. Bé không nằm yên trong khi bạn thay đồ cho bé
Giai đoạn này bắt đầu từ khoảng 9-12 tháng tuổi.
Con bạn đang dần biết kiểm soát cơ thể tốt hơn. Vì vậy, thay vì chỉ nằm trong khi bạn thay bỉm, bé sẽ bận rộn thử nghiệm những kỹ năng khác như đạp chân, xoay người.
Hãy tìm một thứ gì đó có thể hấp dẫn bé: đồ chơi, sách... Nếu tất cả đều không có tác dụng, bạn chỉ còn cách một tay giữ bé và một tay thay đồ.
7. Bé khóc khi thấy bạn rời đi
Giai đoạn này xuất hiện sớm là ở lúc 9 tháng tuổi (thường phổ biến nhất là 10-18 tháng tuổi)
Trong giai đoạn này trẻ có thể ghi nhớ hình ảnh bạn trong tâm trí trẻ, thậm chí ngay cả khi bạn không ở bên cạnh. Bé không thích nói tạm biệt vì bé không biết bao lâu bạn sẽ quay trở lại.
Vì vậy, khi bạn cần nấu bữa tối, hãy tiếp tục nói chuyện để bé biết bạn đang ở gần và báo hiệu khi bạn trở lại: “Xem nào, con yêu, mẹ đã nói rồi, mẹ sẽ không đi lâu”. Nếu bạn phải đi ra ngoài, người trông giúp cần tới sớm để trẻ quen dần. Sau đó hãy thơm bé và nói: “Chúc ngủ ngon, con yêu”. Lời tạm biệt dài có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng. Những trẻ có người giúp việc chăm có xu hướng vượt qua sự lo lắng nhanh hơn, tuy nhiên điều này còn tùy từng trẻ, có trẻ kéo dài thói quen này tới khi đi nhà trẻ.
8. Bé cho mọi thứ vào miệng
Giai đoạn này thường bắt đầu khi trẻ 3 tới 4 tháng tuổi
Bé từ 3-4 tháng có thói quen cho mọi thứ vào miệng để cảm nhận vật cứng hay mềm. Ảnh: parents. |
Khi bé bắt đầu ngậm đồ chơi hoặc ngón chân nghĩa là bé đang cố gắng tìm hiểu thông tin: thứ này cứng hay mềm, có thể ăn được không. Đó là bởi vì trẻ không thể trả lời câu hỏi bằng cách suy nghĩ như bạn vẫn làm. Cách chủ yếu để học về thế giới của trẻ là thông qua giác quan.
Hãy đặt xa tầm với của bé bất cứ vật nguy hiểm nào mà bé có thể cho vào miêng, như những đồ nho nhỏ, những thứ sắc nhọn, những món đồ tiềm ẩn các chất độc hại, thuốc… xa khỏi tầm tay cuả bé. Khi bé đã biết trườn, bò thì bạn càng cần để ý. Nếu trẻ cho đồ vật nhỏ vào miệng, bạn hãy lấy ra ngay và đưa cho bé những món đồ an toàn hơn. Thói quen này sẽ dần biến mất khi trẻ được 12 tới 18 tháng tuổi, khi đó trẻ đang chú ý vào tập đi và tập nói.
Hải Ngân (Theo Parents)