Có câu ‘sẩy chân đỡ được nhưng sẩy miệng khó lòng chống đỡ’. Chỉ một câu nói thật, sẩy miệng (?) của Đỗ Nhật Nam rằng ‘truyện tranh là sâu đục phá tâm hồn’ mà mấy ngày nay cư dân mạng ‘ném đá’ em không thương tiếc, cho rằng em đang đánh mất tuổi thơ, có thái độ lên mặt, vênh váo, thiếu khiêm tốn...
Thậm chí, có không dưới 10 trang Facebook được lập ra với nội dung là những lời lẽ, cách chèn hình xúc phạm em. Trên Youtube còn có một clip làm dưới dạng parody (clip nhại - trào lưu mới nổi của giới trẻ) nhắm vào em với tên gọi 'Tớ đã dậy thì như thế nào?'. Dù tác giả biện minh rằng, dựng clip không có ý rao giảng hay chế giễu em nhưng nội dung clip với những câu nói dung tục đã cho thấy điều ngược lại. Có người còn gọi em là con sâu đục khoét tâm hồn Việt Nam (viết tắt là Thánh đục) và photoshop méo mó chân dung của em, bình những câu xúc phạm nhân phẩm như: "Xin lỗi, em chỉ là thằng mất tuổi thơ"... Hoặc mắng nhiếc em rằng, kiến thức nông cạn, thiếu trải nghiệm cuộc sống nhưng không biết mình biết người.
Trước sự ồn ào của dư luận về trường hợp em Đỗ Nhật Nam, cô giáo Lê Thị Thu Hường - chủ nhiệm của em đã lên tiếng trên website của trường THCS - THPT Newton - ngôi trường Nhật Nam đang theo học.
Bức tranh minh họa câu nói gây sốc: "Em không đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam được cộng đồng mạng liên tục truyền tay nhau.
"...Ở trường em Nam là một học sinh hồn nhiên, vui vẻ, thông minh, em luôn thích tham gia các câu lạc bộ lướt ván, cầu lông, bơi, đóng kịch,... cùng với các bạn trong lớp. Em Nam luôn chăm chỉ học hành đều tất cả các môn. Em có năng khiếu rất tốt về MC và năng khiếu đặc biệt về tiếng Anh. Em có những chính kiến riêng nhưng theo kiểu rất hồn nhiên. Em đọc sách nhiều nên khả năng ngôn ngữ của em tương đối chuẩn. Tất cả các bạn trong lớp đều quý và chơi thân với em Nam. Với kết quả em có được như hiện nay là do sự chăm chỉ học hành cộng với một phần năng khiếu của em tạo nên. Ở trường Newton, em Nam là một học sinh ngoan, học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và thể thao.
Khi Nam nói rằng “truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn” thì một số người quay lại đả kích em và cả phương pháp giáo dục của mẹ em. Dù khen ngợi hay chê bai thì chắc chắn cách khen và cách chê của chính chúng ta cũng đã ảnh hưởng nhất định đến tuổi thơ của cậu bé. Hơn nữa, sẽ thật mâu thuẫn khi chúng ta chê trách Nam mất hết tuổi thơ nhưng khi bé Nam phát biểu vô tình chưa thật đúng thì bắt bẻ bé, bắt em phải đánh giá về truyện tranh một cách đầy đủ, nhiều chiều như quan điểm của người lớn. Nếu thực sự già trước tuổi và mất hết tuổi thơ thì tôi tin rằng em Nam sẽ chẳng “dại” gì mà đưa ra những phát ngôn dễ gây tranh cãi cho dư luận như thế.
Quan trọng hơn hết là em Nam luôn tươi cười, chan hòa với bạn bè và luôn cảm thấy vui, luôn cảm thấy hạnh phúc. Đó là một tuổi thơ không lo âu, không hằn học, em rất hồn nhiên và trong sáng. Chúng ta không thể định nghĩa có tuổi thơ là phải chăn trâu, phải thả diều, phải đọc truyện tranh,...
Việc dạy dỗ mỗi một học sinh đều có những nét chung và nét riêng, các em có những khả năng khác nhau, có em có khả năng đặc biệt. Nếu chúng ta cứ dạy tất cả các em giống nhau thì khó phát huy được hết các khả năng riêng của các em.
Thiết nghĩ, một em bé có năng khiếu cần có môi trường để nuôi dưỡng và phát triển. Nếu xã hội đã cho rằng Nhật Nam là “thần đồng” thì xã hội cần có trách nhiệm giúp cho khả năng của em ngày càng tỏa sáng. Nếu chúng ta còn tiếp tục bình luận, mổ xẻ và chê bai thì không phải ai khác mà chính chúng ta đang làm ảnh hưởng tới tuổi thơ của cậu bé. Chúng tôi hi vọng rằng, mọi người hãy cùng nhìn nhận sự việc một cách khách quan và đừng để một em bé bị vùi dập bởi vòng xoáy dư luận.
Ngoài ra em chưa bao giờ tự nhận mình là Thần đồng. Danh hiệu ấy chắc chắn là do người lớn và xã hội tự đặt cho em"
Những người chỉ trích, 'ném đá' Nhật Nam, tôi cược rằng đa phần trong số họ đều là người chưa hoặc ít tiếp xúc với em. Chỉ vin vào một câu nói đã đồng loạt dè bỉu, phán xét em gay gắt, rao giảng cho em đủ điều và nói em là đứa trẻ không có tuổi thơ. Phải chăng, một đứa trẻ có tuổi thơ là phải theo chúng bạn đá bóng, thả diều hay cúp tiết học trốn đi chơi? Có tuổi thơ là phải ôm Doremon, Thần Đồng Đất Việt... đọc rồi cười sằng sặc và không được thích đọc các sách khoa học, chính trị...? Cũng không được thi TOEIC 940/990, IELTS 6.5/9.0? Có tuổi thơ là phải ước mơ sau này lớn lên thành bác sĩ, giáo viên...?
Một đứa trẻ chỉ tiếp thu được bài học từ sách vở hay các trò chơi khi chúng thực sự yêu thích, đam mê. Chọn thể loại sách nào đó để đọc tùy thuộc vào khả năng chúng có thể 'tiêu hóa' được hay không. Giống như máy bay thì phải dùng xăng Avgas; còn xe máy, ô tô thì dùng xăng Mogas,... Nếu Nhật Nam phát triển và tư duy giống những đứa trẻ bình thường thì liệu em có thành công sớm như bây giờ?
Nhật Nam mất tuổi thơ vì mẹ không cho em đọc truyện tranh hay chính những 'anh hùng' bàn phím đang trùm chăn hô khẩu hiệu nhưng lại giễu cợt em, nói móc em, làm méo mó hình ảnh của em... trên khắp các diễn đàn đang cướp mất tuổi thơ của em? Đặt mình vào vị trí của Nam và mẹ em, xỏ thử chân vào đôi giày cậu bé đang đi, tôi tin rằng bạn sẽ hiểu cậu bé.