Chiều muộn, như một thói quen tôi bất giác nhìn về phía bốt điện cầu vượt Trần Khát Chân nơi mẹ con chị Thanh thường ngồi bán bóng. Chỗ ấy trống. Người “đồng nghiệp” cũng nhắc chị, sao mãi mà chẳng thấy ra. Hôm nay, qua thông tin từ một vài người bạn tôi biết chị đưa bé Phương (con chị) nhập viện vì bệnh nặng.
Cuộc đời cay đắng của người phụ nữ hai lần đò
Thời gian gần đây, hình ảnh mẹ con chị Thanh dường như là tâm điểm chú ý của nhiều trang mạng xã hội. Một độc giả có nickname Phương Nhi cũng từng chứng kiến cuộc mưu sinh vật lộn của cả hai mẹ con nên xúc động và chia sẻ trên Facebook cá nhân với nội dung: “ Đây là hình ảnh của một em bé 4 tuổi bị bệnh da như thế này từ 2 tháng tuổi. Em để ý lâu rồi, mưa gió lạnh như thế nào thì em vẫn ngồi im một chỗ này cùng một người phụ nữ trung niên bán bóng. Họ chỉ đứng từ chiều đến tối hay sao vậy vì sáng em đi qua ít gặp lắm. Hôm nay, đi học về sớm nên nhìn thấy người phụ nữ bế bé khóc ầm lên rồi ru ru nên lấy hết can đảm dừng xe hỏi mua bóng. Sau khi chọn được quả bóng thì hỏi bác ý là “Em bị làm sao thế bác”. Bác ý trả lời nhanh quá nên nghĩ một lúc em mới biết bác ý nói là nó bị viêm da cơ địa từ nhỏ rồi cơ.
Xong rồi em hỏi thằng bé là đau không, nó gật gật. Nhìn nó tội lắm, cho nó cái kẹo với hộp sữa mà nó cũng không dám cầm phải nhìn bác gái kia một lúc đến khi bác ý bảo "Kìa cô cho kìa, cầm lấy đi" thì thằng bé cầm.
Hỏi bác ý là "Nó con bác hả bác, nhà bác ở đâu thế xa đây không ạ?" Thì bác ý ừ ừ rồi bảo "Con tôi. Nhà ở gần Kim Ngưu".
Trả cô ấy tiền bóng có 10 ngàn đồng nhưng đưa tờ 20 ngàn đồng mà bảo cô cứ cầm đi thì cô vẫn trả lại. Xong thằng bé còn chào mình bập bõm :
"Bai chô ạ" (bye cô ạ)"
Tìm gặp chị Thanh tại Viện Da liễu Trung Ương mới thấy rõ sự tiều tụy, nhọc nhằn và sự khốn cùng của người đàn bà qua 2 lần đò dang dở. Trong cuộc hôn nhân với người chồng đầu tiên, chị có thai đến 3 lần nhưng rồi đều cay đắng “phải bỏ”. Sau khi li dị vào năm 2009, trong một lần đến viện chăm mẹ bị bệnh chị đã gặp anh – “người cha” của bé Phương hiện tại. Anh bảo, anh có vợ nhưng cả hai đều đã ly hôn hiện đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Hai năm qua lại, biết bao lần chị lên tận quê thăm anh nhưng không hề hay biết việc vợ chồng anh vẫn còn chung sống với nhau. Chỉ là vợ anh đi làm xa chưa về thời điểm đó. Có những ngày 2,3 giờ sáng anh còn gọi điện thủ thỉ với chị, nói nhớ nhung. Những việc làm đó càng gieo vào chị đức tin rằng “hạnh phúc của anh cần có chị”.
Chị tin anh bằng niềm tin và tình yêu tuyệt đối không mảy may chút nghi ngờ. Đến một ngày, chị nhận được số máy lạ từ một người phụ nữ gọi đến và nói là vợ anh. Ở đầu dây bên kia, người ta bảo chị đừng“cướp hạnh phúc” của gia đình họ. Vợ chồng anh vẫn thuận hòa không có việc bỏ nhau hay li dị. Chị chết lặng ngay trong giây phút ấy, chết lặng vì niềm tin bị sụp đổ hoàn toàn. Từ ngày ấy anh cũng biệt tăm, chẳng gặp chị thêm nữa.
Khi biết sự thật về anh cũng là lúc chị có bầu. Chị “đánh liều” đi siêu âm vì nỗi ám ảnh của 3 lần hỏng thai trước đó. Giây phút bác sĩ nói, thai nhi khỏe mạnh bình thường. Chị như sống lại, vỡ òa. Chị quyết tâm giữ con, sinh con và rồi lao đao trong những chuỗi ngày cùng con sống chung với bệnh tật.
Ba năm chiến đấu với bệnh tật cùng con
Chị đặt tên con là Từ Thu Phương. Phương mang họ mẹ. Ngày đến viện thăm mẹ con chị, bé Phương nhìn thấy người lạ là khóc thét, rú ầm ĩ. Chị bảo: “Gần nhà có bác hàng xóm cứ dọa nếu hư sẽ bán sang Trung Quốc không cho ở với mẹ nữa. Từ đó trở đi cứ hễ thấy người lạ Phương khóc, xua tay như phản xạ tự nhiên”. Phương 4 tuổi nhưng gầy khô, chân teo và gương mặt gần như biến dạng vì lở loét.
Những vết loét, mẩn của con dày cộm đóng mảng chị nhìn 10 đầu ngón tay trơ xương của con cào tóe máu đầu mà cũng khóc vì bất lực. Suốt những năm tháng qua không đêm nào con được ngủ ngon giấc, mẹ được thảnh thơi.Có những đêm con ngứa đến nỗi giằng vội tay mẹ cào vào da thịt rỉ máu mới thôi. Càng gãi đau, cảm giác về bệnh tật với con càng vơi bớt.
Chị kể, sinh Phương được vài ngày thì trên đỉnh đầu con xuất hiện những vết nước, mủ. Chị tưởng nước ối sau sinh nên nghĩ là bình thường. Chị tắm cho con ngày 4,5 lần nhưng càng ngày càng thấy bẩn thêm, không đỡ. Phương được 3 tháng tuổi nhưng những vết mẩn đỏ vẫn cứ dày thêm. Chị lau nhẹ cũng tấy đỏ như sốt phát ban. Đến tháng thứ 5 đi khám, bác sĩ chẩn đoán con chị bị viêm da cơ địa phải nằm viện nhưng gia đình không có tiền, chị đành xin về nhà tự chữa. Ai mách có bài thuốc gì hay chị cũng mò mẫm đi tìm.
Da lở loét, chân con yếu không có khả năng đứng. Chị vẫn ước ao có một ngày nào đó con chị được đứng trên đôi chân của mình như bao đứa trẻ bình thường khác. Chị từng xốc nách con để con tập đi nhưng chân con run ngã lên xuống. Con khóc, mẹ cũng quỳ xuống mà khóc theo.
Suốt 3 năm qua, bé Phương vẫn chiến đấu trong nỗi đau bệnh tật như thế. Chị thương con nhưng không dám đến viện vì chẳng có tiền. Hằng ngày, chị Thanh mưu sinh bằng nghề bán bóng bay dạo. Chị buộc bóng vào xe nôi của con rồi cả mẹ và con cùng rong ruổi. Người ta vẫn thấy ở góc nhỏ cạnh bốt điện, hai cái bóng liêu xiêu nương tựa vào nhau ngày này qua ngày khác suốt mấy năm trời, bất kể mưa hay nắng.
“Người đi đường thương hoàn cảnh mẹ con tôi cũng ghé lại mua bóng nhiều hơn. Mỗi ngày nếu đông khách cũng kiếm được gần 200 nghìn. Tiền bán bóng tôi lại chắt chiu tìm thầy lang để cứu con qua ngày, không dám đến viện. Đôi chân con được đứng, khuôn mặt con bớt bệnh là tất cả ước nguyện của tôi trong suốt quãng đời còn lại”, chị Thanh tâm sự.