Ở độ tuổi 70, cái tuổi gần đất xa trời, các cụ ông cụ bà đáng nhẽ nên được an hưởng tuổi già, vui đùa bên con cháu. Ấy vậy mà cụ bà người Trung Quốc này vẫn phải rời xa quê nhà, chịu cảnh ở trọ để đổi lấy con chữ cho cháu nội.
Theo đó, cụ bà này tên là Lưu Thụy Hiệp (70 tuổi) quê ở huyện Tứ, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Cũng giống như những người già khác trong các gia đình truyền thống, bà Lưu cũng giúp con cái chăm nom cháu. Tuy nhiên, cháu của bà Lưu là Kim Kim (hiện 12 tuổi) lại không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác.
Bà Lưu cùng cháu trai mắc bệnh teo não.
Khi mới 1 tuổi, Kim Kim được chẩn đoán mắc chứng teo não, chèn ép dây thần kinh mắt khiến thị lực bị suy giảm nghiêm trọng và không có khả năng chữa khỏi. Không chỉ vậy, tay chân của Kim Kim còn không linh hoạt, trí thông minh bị ảnh hưởng đáng kể.
Đáng buồn thay, khi biết con bị bệnh, bố mẹ của Kim Kim lại tìm cách thoái thác trách nhiệm, chọn cách rời bỏ con trai, quê hương đi làm ăn xa. Tuy nhiên, lúc này, bà Lưu đã đứng ra nhận trách nhiệm chăm sóc Kim Kim, lo cho từ bữa cơm đến giấc ngủ.
“Dù có thế nào đi chăng nữa, tôi sẽ không bao giờ bỏ mặc cháu mình. Tôi sẽ chăm sóc thằng bé và đồng hành cùng nó đến hết cuộc đời”, bà Lưu chia sẻ.
Bà nội lặn lội tìm trường để đổi lấy con chữ cho cháu
Khi Kim Kim tới tuổi đi học, bà Lưu không quản ngại xa xôi đi tìm trường cho cháu.
Khi tới độ tuổi đi học, bà Lưu đã đưa Kim Kim tới nhiều ngôi trường lớn nhỏ nhưng không một trường học nào nhận em. Khi nghe một người họ hàng mách ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô có trường giáo dục đặc biệt, có thể chấp nhận những đứa trẻ như Kim Kim, bà Lưu vội vã đưa cháu tới đây để xin học.
Tuy nhiên, theo quy định, nhà trường không chấp nhận học sinh không có hộ khẩu ở Tứ Châu. Mặc dù vậy, bà Lưu đã năm lần bảy lượt tới trường, cầu xin ban giám hiệu để cháu trai mình được tới lớp. Cuối cùng, nhà trường đồng ý cho Kim Kim tham gia lớp học của trẻ em khiếm thị.
Để tạo điều kiện cho cháu tới lớp, bà Lưu đã thuê một phòng trọ ở gần trường với giá 200 tệ (gần 700 nghìn đồng) mỗi tháng. Cộng với chi phí sinh hoạt, mỗi tháng hai bà cháu tiêu tốn ít nhất 500 – 600 tệ (khoảng 1,6 – 2 triệu đồng).
Mỗi ngày bà Lưu đều chắt chiu từng đồng nhưng vẫn cố gắng tẩm bổ cho cháu.
Ở quê nhà bà Lưu có một mảnh đất cho thuê với giá 2.000 tệ (khoảng 6,7 triệu đồng) mỗi năm và chồng của bà làm thuê ở công trường kiếm được 2.000 tệ mỗi tháng. Ngoài ra, ông bà còn nhận được một khoản tiền trợ cấp tàn tật của Kim Kim nên cũng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Tiền học phí và bữa trưa của Kim Kim được miễn phí nhưng bà Lưu vẫn cố gắng chắt chiu từng đồng. Bữa trưa của bà là bát cơm với ít dưa chua sót lại từ bữa sáng, thực đơn bữa tối cũng chỉ là vài món chay đơn giản. Cứ cách vài ngày bà lại mua một bữa cá để “tẩm bổ” cho cháu. Mặc dù tài chính eo hẹp nhưng bà vẫn cố gắng làm vài món ngon mà Kim Kim thích ăn.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cháu trai, bà Lưu đã xin phép ở lại trường vào ban ngày. Khi Kim Kim ở trong lớp học, bà Lưu sẽ làm một số đồ thủ công ở phòng bên cạnh.
Ban ngày, bà Lưu làm một số đồ thủ công ở cạnh phòng học của cháu tại trường.
“Học sinh” 70 tuổi của lớp khiếm thị
Do có vấn đề về não bộ nên sau khi tới lớp, Kim Kim không thể theo kịp các bạn, khiến bà Lưu vô cùng lo lắng. Vì vậy, bà Lưu đã nảy ra ý tưởng “đi học” cùng cháu để tiếp thu kiến thức, kèm cặp cho cháu. Từ đó trở đi, ngày nào bà Lưu cũng đứng bên ngoài lớp, lắng nghe cô giáo giảng bài.
Thế nhưng, đối với một người bà 70 tuổi mới tham gia lớp học của người khiếm thị thật không hề dễ dàng gì. Bà không thể nghe hết, hiểu hết những gì cô giáo dạy và điều này khiến bà bất lực, không ít lần rơi nước mắt ngoài cửa lớp.
Do cháu không theo kịp các bạn trong lớp, bà Lưu ngày ngày đứng "học bài" ngoài lớp học để giúp cháu.
May mắn thay, khi biết tâm sự của bà Lưu, giáo viên đã cố tình nói to hơn và thường xuyên quan sát bà xem có hiểu không rồi mới tiếp tục giảng dạy. Sau đó, các giáo viên trong khoa khiếm thị đã thảo luận và quyết định đặt một chỗ ngồi ở hàng sau cùng trong lớp học cho bà Lưu như một học sinh.
Hai bà cháu hái “quả ngọt” đầu tiên
Sau một năm “đi học” cùng cháu, cuối cùng bà Lưu đã nắm vững nội dung khóa học cơ bản. Mỗi lần đến lớp, bà Lưu lại ngồi cạnh cháu để củng cố thêm kiến thức cho cháu.
Vào buổi tối, khi ở trong căn nhà trọ chật hẹp, bà Lưu lại tiếp tục giảng bài cho cháu trai. Cuối cùng, Kim Kim đã thành thạo khóa học chữ nổi và có thể tiếp nhận việc giảng dạy bình thường của giáo viên như các bạn cùng lớp.
Sau đó, bà Lưu được phép vào trong lớp học, đích thân kèm cặp cháu.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, Kim Kim đã đi học được 4 năm. Trong 4 năm qua, Kim Kim đã không cần bà phải đưa đi vệ sinh nữa, thậm chí cậu bé trở nên vui vẻ hơn và có nhiều sở thích hơn. Không chỉ vậy, Kim Kim còn biết nhảy dây từ hơn một năm trước và có thể đi xe đạp.
Khi nói về sự tiến bộ của cháu trai, bà Lưu chỉ có thể dùng hai từ “hạnh phúc” để diễn tả cảm xúc. Khi có người hỏi bà cảm thấy mệt mỏi hơn khi phải chăm sóc cháu như thế này, bà Lưu mỉm cười đáp: “Có mệt một chút, nhưng khi nhìn thấy cháu đang tiến bộ từng ngày, mệt mỏi lại biến mất. Tôi thực sự rất hạnh phúc”.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/ba-noi-70-tuoi-cong-chau-bi-teo-nao-toi-truong-thanh-qua-ai-...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/ba-noi-70-tuoi-cong-chau-bi-teo-nao-toi-truong-thanh-qua-ai-cung-ngac-nhien-c32a754085.html