Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y dược TP HCM, khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, lúc mới sinh, trẻ có chiều cao trung bình khoảng 48-53cm, cân nặng trung bình khoảng 3kg. Trẻ sinh nhẹ ký có thể tăng trưởng nhanh hơn để đuổi kịp trẻ có cân nặng lúc sinh bình thường.
Từ 2 tuổi đến giai đoạn dậy thì, chiều cao của trẻ tăng thêm trung bình 5-6 cm mỗi năm. Ảnh: Nam Phương |
Ở thời điểm 1 tuổi, chiều cao của trẻ tăng so với lúc mới sinh 18-25 cm, cân nặng cần đạt được gấp 3 lần lúc sinh.
Đến lúc 2 tuổi, trẻ cân tăng thêm 10-12 cm so với lúc 1 tuổi, cân nặng cần gấp 4 làn lúc sinh.
Từ 2 tuổi trở lên, chiều cao của trẻ tăng thêm trung bình 5-6 cm mỗi năm. Cân nặng tăng khoảng 2 -2,5 kg mỗi năm. Chiều cao tăng trưởng đều đặn cho đến tuổi dậy thì.
Giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ tăng trưởng vượt trội trong vòng 2 năm. Nữ cao thêm 6-11 cm mỗi năm và ngừng tăng trưởng chiều cao khi khoảng 16 tuổi. Nam cao thêm 7-12 cm và ngừng tăng trưởng chiều cao khi khoảng 18 cm. Sau giai đoạn tăng trưởng vượt trội, sự tăng trưởng giảm dần và cuối cùng dừng lại khi đĩa sụn tăng trưởng đóng. Một khi sụn tăng trưởng đã đóng, trẻ không còn khả năng tăng trưởng chiều cao nữa.
Theo bác sĩ Quỳnh, tốc độ tăng trưởng của một trẻ - còn gọi là vận tốc tăng trưởng - quan trọng hơn là chiều cao tại một thời điểm, có vai trò quyết định trong việc xác định liệu trẻ có vấn đề về tăng trưởng hay không.
"Phụ huynh cần phải theo dõi và lưu giữ biểu đồ tăng trưởng của trẻ trong quá trình trẻ lớn lên. Cần đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu cảnh báo như tốc độ tăng trưởng kém, trẻ thấp, lùn để có hướng điều trị và khắc phục kịp thời", bác sĩ Quỳnh khuyến cáo.
Lê Phương