Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê ven biển miền Trung đầy nắng gió nhưng may mắn thay lại được trời phú cho một làn da trắng mịn và dáng người cao ráo. Trong thời gian trọ học xa nhà ỏ Hà Nội, tôi quen anh – chàng trai con út của một gia đình có chức vụ cao trong quân đội và rất khá giả. Yêu nhau 3 năm rồi trót lỡ có bầu, anh đưa tôi về ra mắt gia đình. Đúng theo thói đời, mẹ anh tỏ ra trịnh thượng và khó chịu ra mặt. Tuy nhiên, bà vẫn chấp nhận cho chúng tôi lấy nhau. Lý do về sau tôi mới biết là bởi anh trai cả của anh mắc bệnh vô sinh, đến nay đã ngoài 50 bà vẫn chưa được bế cháu. Thế là sau đám cưới, tôi vác bụng bầu về nhà làm dâu nhà binh còn chồng đi lính tập trung nửa năm mới về.
Ngày tôi đau đẻ vào viện, tuy không có chồng ở bên nhưng cả nhà chồng đều đưa tôi đi, ai nấy đều có mặt sốt sắng. Bụng quặn từng cơn đau mà tôi vẫn cảm thấy ấm lòng. Ca sinh của tôi diễn ra không như mong muốn. Sau gần 20 tiếng vật vã, cuối cùng thiên thần nhỏ của tôi mới chịu cất tiếng khóc chào đời. Còn tôi đẻ mổ, bị hậu sản băng huyết khá nặng. Đón tay nhận cháu xong, cả nhà chồng tôi hoan hỉ bế con bỏ đi, để mặc tôi và mẹ đẻ dưới quê lên bơ vơ trong phòng hậu phẫu. Tủi thân nhưng tôi cũng cố nhịn để mẹ mình khỏi buồn lòng lo lắng. Sau đó tôi nói dối mẹ là gia đình chồng tôi có điều kiện lại rất tâm lý nên giục mẹ về quê cho bà đỡ sốt ruột, hơn nữa, tôi không muốn bà nhìn thấy mình khóc.
Liên tiếp sau đó là những chuỗi ngày nằm viện đau khổ đầy nước mắt. Nhà chồng tôi thuê cho tôi một phòng bệnh riêng hai giường. Lấy cớ tôi còn đau yếu, mẹ chồng tôi ôm rịt lấy thằng bé. Bà bế cháu sang giường bà ngủ rồi bảo với tôi là “Sản dịch người chị tanh tưởi khó chịu, thằng bé chịu làm sao nổi”. Dù trong lòng tôi rất buồn vì con mới sinh ra đã không được gần hơi mẹ nhưng tôi cũng đành nghe lời bà.
Mẹ chồng tôi chăm cháu rất kỹ và theo “kỷ luật thép”. Bà lạnh lùng tuyên bố “cứ một tiếng sẽ cho ăn một lần”. Vậy là, dù chưa muốn ăn nhưng cứ cách một giờ, bà lại lật đật pha sữa rồi nhồi nhét, bắt con tôi phải ngậm, uống cho bằng hết. Uống không hết thì bà đút thìa, bà bóp bình cho sữa phun thẳng vào họng cháu. Nhìn con khóc lòng tôi quặn thắt, tôi đã cố nói với mẹ hãy để cho con ăn theo nhu cầu, một tiếng một lần bé sẽ không thể tiêu hóa được hết nhưng cũng chẳng ăn thua. Bà chê tôi cổ hủ lạc hậu. Gọi điện tâm sự với chồng, anh cũng khuyên tôi hãy nghe theo mẹ bởi dù sao “mẹ cũng có kinh nghiệm hơn em”.
Nhìn đứa con mới được 2 ngày tuổi nôn khóc ngằn ngặt mà lòng tôi quặn thắt (ảnh minh họa)
Sau hơn một ngày nhồi nhét, đến nửa đêm thì con tôi có dấu hiệu khó chịu, miệng cứ ú ớ không rõ rồi bỗng nhiên ộc phun hết ra bao nhiêu là sữa. Vì đau vết mổ chẳng thể đi lại, tôi chỉ biết nằm trên giường mà bật khóc, nước mắt tuôn như mưa khi chứng kiến đứa bé mới 2 ngày tuổi mà bị sữa trào ngược phun ra cả mũi cả miệng, mặt tím ngắt đi vì khó thở rồi khóc ré lên đau đớn. Mẹ chồng tôi cuống quýt dí miệng vào hút sữa trớ trong miệng, trong mũi cháu để cấp cứu. Khi cơn nôn qua đi, con tôi mệt mỏi ngủ lịm. Tuy hoảng sợ nhưng để tránh xấu hổ, bà giả vờ vui vẻ nói “Đấy, sinh được 2 ngày rồi mà bây giờ mới trớ hết nước ối ra. Đấy là nước ối đấy. Thấy không, thoát hết nước ối là thoải mái ngủ ngay”. Tôi và chị y tá ở viện lúc đó ngỡ ngàng vì “kiến thức y học” của bà...
Thấm thoắt từ ngày đó đến nay cũng đã gần một tháng, sức khỏe tôi có khá lên, đã có thể đứng vịn đi lại nhưng con thì ngày một gầy đi. Nhìn cháu đã sắp làm tiệc đầy tháng mà lại gầy rộc còn hơn lúc mới sinh, mẹ chồng tôi suốt ruột lắm. Lúc này thì bà bắt đầu lấy “kinh nghiệm dân gian” được các bà bạn hàng xóm mách để chăm cháu.
Nói là làm, mẹ chồng tôi ra chợ mua nào xương ống, nào thịt mỡ về hầm cùng cháo loãng chắt lấy nước rồi pha sữa cho thằng bé. Tôi phản đối kịch liệt thì bà bảo “trước tao toàn nuôi chồng mày thế nó mới lớn được như bây giờ đấy”. Và rồi mặc tôi ngăn cản, bà quyết tâm cho cháu ăn theo kiểu đó. Lần này thì hậu quả không còn nhẹ nhàng như trước. Con tôi đau bụng từng cơn, khóc ngất lên ngằn ngặt, cứ nửa tiếng lại xì xoẹt toàn nước. Không thể chịu đựng được hơn nữa, tôi gắt lên “Mẹ trả lại con cho con”. Rồi trước sự ngỡ ngàng của mẹ chồng và cả gia đình nhà chồng, bỏ mặc cơn đau đớn đến đứt ruột ở vết mổ tôi một mình bế con vào viện.
Giờ đây, nhìn em bé mỏng manh đáng yêu đã qua cơn nguy kịch đang nằm ngủ ngoan trong lòng mà tôi trào dâng một nỗi xót xa. Tôi luôn muốn mỗi bữa ăn đối với con là một niềm vui chứ không phải là một cơn ác mộng như bây giờ. Tôi băn khoăn chẳng biết nói sao với người chồng đang nơi phương xa của mình. Liệu tôi đã làm đúng hay sai? Chưa bao giờ tôi cảm thấy thất vọng về bản thân mình như bây giờ. Tôi thật có lỗi với con
Tâm sự của chị Vũ Hồng Hạnh (Hà Đông, Hà Nội)