Nhiều khi mẹ bực quá đánh, cháu biết lỗi, biết rằng mình lì nên bị mẹ đánh. Cháu cũng biết xin lỗi khi làm sai, biết cảm ơn khi được ai giúp đỡ.
Tuy nhiên, tôi vẫn lo về cách sống và thái độ của con mình. Xin nhờ chuyên gia cho tôi lời khuyên, làm cách nào để con tôi thay đổi những thói quen, cách sống của cháu. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Trung)
Ảnh minh họa: wordpress.com. |
Trả lời:
Anh Trung thân mến,
Anh là người cha rất quan tâm đến con cái, tôi tin anh sẽ nuôi dạy con nên người dù cho sẽ còn nhiều khó khăn cần vượt qua. Cháu có một số đức tính tốt như biết xin lỗi khi sai, biết cảm ơn khi được giúp. Khả năng ghi nhớ của cháu tốt. Cháu hiếu động, thông minh. Anh có thể tự hào về những điểm tốt của cháu. Tuy nhiên bệnh lười, chậm, biết không chịu làm, hay nhờ người khác làm hộ của cháu rất cần được điều chỉnh sớm. Ông bà ta có câu “dạy con từ thuở còn thơ”, “bé không vin cả gãy cành”, các nhà khoa học tâm lý – giáo dục cũng khuyên 0-6 tuổi là giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ, rất cần cha mẹ quan tâm dạy dỗ.
Tôi không rõ cháu là trai hay gái, vì thế hơi khó để chia sẻ cụ thể với anh nên giúp cháu như thế nào. Tôi chỉ xin có vài gợi ý nhỏ với anh:
1. Anh kiểm tra lại mọi sinh hoạt của cháu có được cha mẹ, ông bà hay người giúp việc làm thay nhiều không? Trẻ hiếu động thường ít khi chậm chạp, vì vậy có thể do ít được làm nên cháu chưa thành thạo trong các thao tác nên làm chậm. Nếu cháu thường xuyên được làm hộ, làm thay mà không được tập khả năng tự lập thì anh và gia đình cần thay đổi càng sớm càng tốt. Trẻ được tập làm, làm nhiều lần mới thành kỹ năng, mới trở nên nhanh nhẹn được.
2. Cha mẹ nên khen ngợi cháu nhiều hơn để phát huy những ưu điểm sẵn có của cháu, để cháu thêm tự tin nỗ lực làm những việc mới tập như tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, dọn dẹp đồ chơi… Cha mẹ cho cháu biết lợi ích, niềm vui khi làm việc cũng là cách tạo động lực cho cháu.
3. Không đánh, mắng khi cháu mắc lỗi. Thay cho việc đánh mắng, anh chị có thể phân tích đúng sai cho cháu hiểu và quy định rõ hình thức thưởng phạt. Khi cháu mắc lỗi cần áp dụng nghiêm những nguyên tắc đã thỏa thuận với cháu trước đó. Ví dụ phạt không cho đi chơi nơi cháu thích, phạt không được xem tivi chương trình quen thuộc… Đòn roi chỉ làm cháu tổn thương chứ không có tác dụng sửa lỗi.
4. Về vấn đề thiếu tập trung của cháu, anh chị nên kiên nhẫn tập dần dần, từ tập trung trong khoảng thời gian ngắn đến khoảng thời gian dài hơn. Giao việc cho cháu làm, có quy định thời gian. Ví dụ giao tô màu, đố chữ trong vòng 15 phút. Xong sớm được thưởng. Ngoài ra anh nên đi khám bác sĩ xem cháu có được cung cấp đủ chất dinh dưỡng qua bữa ăn hàng ngày không. Có thể do nguyên nhân thiếu chất, ví dụ thiếu sắt, cháu sẽ khó tập trung.
5. Cha mẹ và người lớn trong nhà cần làm gương trong tác phong làm việc. Người lớn thường hay nhờ trẻ con làm thay nhiều việc không cần thiết, điều đó cũng có thể khiến trẻ bắt chước.
Chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy
Giảng viên học viện Hành chính quốc gia - TP HCM