Đến tuần thứ 3, mỗi lần đến lớp thấy cô giáo là bé vừa khóc vừa trốn. Khi ở nhà, đêm bé ngủ cũng khóc và la rồi giận, đánh đá lung tung. Tình trạng này ngày càng trầm trọng. Trước đây, bé chưa bao giờ như thế. Bé khóc đến viêm họng, miệng có dấu hiệu lở vì bé nói ở trường cô không cho uống nước, nếu con nói thì cô bảo tự rót uống. Bé nói rất rành và biết dùng từ chính xác, rất hiểu chuyện. Bé hơi nhát nhưng từ khi đi học thì tỏ ra bướng bỉnh.
Ngoài ra, lớp bé có 30 bạn trong đó chỉ có 6 bé gái thôi, như vậy có ảnh hưởng đến giới tính không. Lớp có 2 cô nhưng có vẻ bé chỉ thích một cô, còn cô kia thì bé sợ. Trong lớp chỉ có một bạn khác và con em là khóc nhiều. Trường con em học là trường đạt chuẩn quốc gia cấp một. Em có nên tiếp tục cho con học ở đây nữa không? (Kim Thanh)
Ảnh minh họa: Ttocherish.blogspot.com. |
Trả lời
Chị Thanh thân mến!
Tôi rất hiểu cho hoàn cảnh của chị lúc này. Chúng tôi xin chia sẻ với chị về từng vấn đề chị đang lo lắng như sau:
Thứ nhất, vấn đề cho trẻ lần đầu tiên đi học luôn là khó khăn với trẻ và các bậc cha mẹ. Các trẻ đang ở nhà, trong vòng tay của mẹ của bà, giờ phải đi nhà trẻ đến gặp cô và các bạn hoàn toàn mới. Trẻ phải làm quen với nề nếp thói quen sinh hoạt khác xa với ở nhà. Để cho trẻ thích nghi được là cả một chặng đường gian khổ của cả mẹ và trẻ.
Hầu như trẻ nào khi đi học trong những lần đầu đều có những biểu hiện tương tự như nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp sẽ biểu hiện ở những mức độ khác nhau như quấy khóc, chán ăn, thay đổi thói quen, e dè hơn, bám mẹ hơn, dễ bị cảm sốt, đêm ngủ giật mình... Mẹ không nên thấy vậy mà lo lắng quá, hãy tiếp tục theo dõi biểu hiện của trẻ. Có những trẻ chỉ mất một tuần, có trẻ mất 2 tuần hoặc cả tháng để thích nghi và làm quen với môi trường mới. Nếu mẹ thực sự tin tưởng vào ngôi trường và giáo viên mình đã lựa chọn cho con thì hãy kiên trì và cương quyết, đừng vì thấy trẻ khóc nhiều mà cha mẹ cũng mủi lòng theo.
Mẹ cần cố gắng cho trẻ đi học đều, để trẻ hiểu rằng việc đi học là một điều bắt buộc chứ không phải là lựa chọn. Việc đi học trở lại sau một kỳ nghỉ dài sẽ vất vả cho cả cô và mẹ như lần đầu đến trường. Nếu trẻ ốm sốt thì mẹ hoàn toàn có thể gửi thuốc đến nhờ cô cho uống vì đi học sẽ giúp trẻ ăn uống và sinh hoạt điều độ hơn ở nhà. Những biểu hiện đó không đáng lo ngại và có thể được giảm đến mức tối đa nếu như cha mẹ giúp trẻ vượt qua giai đoạn căng thẳng này.
Như chị chia sẻ trẻ có khả năng ngôn ngữ phát triển tốt, đây là điều kiện thuận lợi để chị giúp trẻ chuẩn bị tâm lý khi đến trường. Chị hãy trò chuyện với trẻ về việc đến trường, nói với trẻ những điều tốt đẹp về trường lớp, cô giáo, bạn bè, những đồ chơi hấp dẫn, giúp trẻ biết rằng những thứ tốt đẹp và những thứ trẻ yêu thích ở nhà thì ở trường lớp cũng có. Hỏi trẻ về thông tin lớp học, trong lớp có bạn nào ngoan, bạn nào được cô giáo khen, cô kể cho các bạn nghe chuyện gì, đọc bài thơ gì… Khi trẻ thực sự quan tâm đến những thông tin tích cực trong lớp học để kể cho mẹ có nghĩa trẻ cũng đang dần yêu môi trường lớp học mới của trẻ.
Thứ hai, ở lớp con thích một cô và sợ một cô là do cháu hợp với cô kia hơn. Mặt khác, ở lớp khi con mắc lỗi sẽ có một cô đứng ra để phạt trẻ, sau đó cô còn lại sẽ đến dỗ dành, ôm ấp trẻ, chỉ cho trẻ thấy vì sao bị mắng. Vì thế, chị có thể trao đổi với cô mà trẻ thích ra đón bé vào buổi sáng để con không khóc. Mẹ nên giúp trẻ xây dựng tình cảm tốt đẹp với cô giáo, thường xuyên nhắc đến cô như một người thân. Lúc ở nhà mẹ không nên dọa dẫm con về trường lớp, cô giáo.
Việc con không được cô cho uống nước mà để con đi lấy, có thể là cách cô dạy con hình thành ý thức tự giác. Nếu như con chưa thể lấy được nước, mẹ có thể trao đổi với cô để cô hướng dẫn con cách uống nước. Có như vậy, con mới hình thành được khả năng tự phục vụ cho nhu cầu cá nhân của mình.
Thứ ba, trong lớp của trẻ chỉ có 6 bạn gái, sự chênh lệch giới tính trong lớp học là một hiện tượng khá phổ biến trong các lớp học mầm non hiện nay. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến giới tính của trẻ. Vì ở trường, trẻ sẽ được giáo dục theo chương trình của chương trình mầm non, phát triển các kỹ năng của con gái và con trai. Hơn nữa, ở trường mầm non các cô cũng phát triển các kỹ năng sống hòa thuận, đoàn kết, có các trò chơi giữa nhóm trẻ trai và trẻ gái. Vì vậy, chị không nên quá lo lắng.
Chúc chị và con thành công
Th.s tâm lý học Tạ Thị Thu Huế
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC