Đọc cho con nghe, sau đó là đọc và học cùng với con là việc quan trọng nhất bố mẹ có thể và cần làm càng sớm càng tốt, thậm chí ngay từ ngày đầu tiên từ bệnh viện phụ sản về. Việc làm này nhằm giúp trẻ phát triển trí tuệ cũng như các khả năng khác trong tương lai.
Dưới đây là những bước đơn giản cha mẹ có thể áp dụng hàng ngày để giúp con học đọc cũng như phát triển khả năng văn học trong tương lai do chị Bích Hà chia sẻ.
1. Đọc cho trẻ nghe
Qúa trình dạy trẻ đọc thực sự phải bắt đầu từ khi trẻ còn ẵm ngửa. Việc này không chỉ làm tăng tình cảm của cha mẹ và con mà còn giúp cả mẹ và bé yêu đọc sách hơn.
Tôi bắt đầu đọc sách cho con gái nghe ngay từ ngày đầu tiên sau khi hai mẹ con từ bệnh viện sản khoa về nhà. Thường thì hai mẹ con nằm ngửa, tôi giơ sách lên cách mắt con quãng 20 cm, vừa đọc rõ ràng từng từ, vừa dùng ngón tay chỉ vào dưới từ mình đọc. Sách dành cho trẻ sơ sinh thường chỉ dày 2 – 4 trang, với nhiều hình vẽ to, mỗi trang chỉ có một vài chữ in to và rõ.
Đọc cho trẻ nghe bao nhiêu hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện của bạn và gia đình, nhưng hãy cố gắng đọc 3 đến 4 lần mỗi ngày (mỗi lần có thể chỉ kéo dài 5 phút), ngay cả khi trẻ còn rất nhỏ. Khi trẻ lớn hơn và có thể ngồi yên một lúc, hãy cố gắng đọc sách cùng nhau ít nhất 20 – 30 phút mỗi ngày.
Chị Bích Hà và con gái Minh Thu.
Trong tháng đầu, mỗi ngày ông ngoại và mẹ thay nhau đọc cho bé 4 – 5 lần, mỗi lần từ 5 đến 10 phút. Còn bà ngoại thì ngâm thơ mỗi khi ở bên cháu. Tôi nhận thấy là chỉ sau chừng hai tuần, khi nghe ông hoặc mẹ đọc, bé thường nhìn chằm chằm vào ngón tay mẹ chỉ trên trang sách. Khi con được quãng 4 tháng, tôi có cảm giác con bắt đầu mấp máy môi mỗi khi nghe ông và mẹ đọc sách.
Một số dạng sách mà cha nên đọc cho con:
Mới sinh – 1 tuổi: sách hát ru, sách bằng tranh ảnh (ảnh thật), sách bằng vải, sách bài hát
1 -3 tuổi: Sách bài hát, sách thơ, sách có những câu chuyện ngắn
3-5 tuổi: sách chữ cái, sách bài hát, sách tranh ảnh, sách thơ,
2. Đặt ra các câu hỏi
Khi bé trước 1 tuổi, chưa biết nói, hãy hỏi bé các câu hỏi trong khi đọc, điều này không chỉ giúp bé tương tác với sách tốt hơn và còn phát huy khả năng nhận thức một cách hiệu quả. Bạn có thể nhận thấy, nếu mục đích trong việc “đọc” chính là khi trẻ phát âm được các từ thì điều này chưa đủ. Nhiều đứa trẻ có thể nhận diện được chữ và “đọc” dõng dạc nhưng vẫn không hiểu chúng đang đọc những gì, nghĩa là bạn chưa thành công câu.
Khi trẻ còn nhỏ, hỏi con những câu như: “Con có nhìn thấy con mèo không?” khi chỉ vào bức tranh con mèo. Từ đó, bé không chỉ phát triển vốn từ vựng mà còn tương tác với cuốn sách đang đọc. Khi bé lớn hơn, hãy nói bé tự chỉ vào những gì bé thấy trong sách và làm tiếng kêu giống con vật bé thấy.
Ví dụ: trước khi con gái biết nói, tôi hay chỉ vào bất cứ hình nào trong sách, hoặc các vật xung quanh hai mẹ con, nói rất rõ ràng với bé đó là cái gì. Sau đó, tôi hay hỏi bé: con tìm con mèo hộ mẹ đi. Bé sẽ với tay chỉ vào quyển sách có hình con mèo. Tôi cũng bắt chước tiếng mèo kêu, chó sủa…, mỗi khi chỉ cho bé những con vật đó trong trang sách hoặc ngoài đường.
Khi bé biết nói, bạn có thể bắt đầu hỏi những câu hỏi trước và trong khi đang đọc, cũng như sau khi đã đọc xong từng mẩu chuyện.
Kinh nghiệm của tôi với con gái là:
- Trước khi đọc: cho bé xem bìa sách, nói bé đoán xem cuốn sách nói về cái gì – tất nhiên chỉ là dự đoán. Bé trả lời ra sao, tùy bé, vì đây là cách luyện cho bé trí tưởng tượng, cũng như logic đoán sự việc dựa trên hình ảnh. Không bao giờ được phê phán, hoặc tìm cách sửa dự đoán của bé. Thay vì vậy, hãy nói: “Mẹ con mình bắt đầu đọc để xem cón đoán có đúng không nhé”.
- Khi đang đọc, hãy hỏi bé xem các nhân vật định sẽ làm gì và vì sao các nhân vật lại hành động như vậy (phỏng đoán). Khi một nhân vật có đặc điểm cá tính nổi bật nào, hãy giải thích cho bé và hỏi về cảm giác của bé, đã khi nào bé cảm thấy như vậy chưa (kết nối).
- Đến cuối cuốn sách, hãy gợi ý để bé tự rút ra kết luận xem câu chuyện có đúng như bé dự đoán không. Sau đó, hãy hỏi bé các câu hỏi về nội dung cậu chuyện, cuối cùng nói bé kể lại cho bạn nghe câu chuyện đó. Hãy để bé kể, nếu bé quên, bạn có thể gợi ý để bé nhớ lại, không bao giờ được ngắt lời bé.
3. Hãy tự trở thành một ví dụ tốt đối với việc đọc sách
Ngay cả khi con bạn đã từng rất thích đọc sách từ khi còn nhỏ, thì sự hứng thú của bé cũng sẽ dần mất đi khi nhận ra đọc sách không phải là một thói quen hàng ngày trong gia đình. Nếu bạn quả thực không có hứng thú gì với sách thì hãy cố gắng để con của bạn nhìn thấy bạn đang đọc sách ít nhất vài phút mỗi ngày. Vì trẻ sẽ có thói quen làm theo bố mẹ.
Từ khi con gái tôi biết đọc, ngoài việc vẫn tiếp tục đọc cho con nghe ít nhất 2-3 lần/ngày, tôi dành khá nhiều thời gian tĩnh lặng ngồi cùng con trong một phòng, mẹ đọc sách của mẹ, con tự đọc sách của con. Dần dần, tôi nhận thấy, hễ tôi lấy sách ra đọc, thì con gái cũng vội vàng tìm sách rồi ngồi cạnh mẹ, ê a đọc sách của bé rất chăm chú.
4. Nhận diện chữ cái một cách tự nhiên
Trước khi con chào đời, bạn có thể viết và treo những chữ cái bằng gỗ tên của từng người trong nhà lên một cái giá để trang trí các phòng. Khoảng sau 2 tuổi, các bé bắt đầu hỏi những chữ cái để đánh vần tên bé, rồi các bé tự học cách đánh vần tên của mình, và tên của mọi người trong nhà. Phương pháp này, được gọi là “học từ môi trường xung quanh”, và xung quanh trẻ có rất nhiều thứ mà chúng có thể đọc được, từ biển hiệu cửa hàng, nhãn đồ ăn, biển giao thông, tạp chí….
Con gái chị Bích Hà được mẹ rèn luyện đọc từ rất sớm.
Hồi con gái còn nhỏ, trong phòng nào của nhà tôi cũng có một vài cái bảng thấp vừa tầm đứng hoặc ngồi của bé, cùng với bút đủ màu để bé có thể tự vẽ hoặc viết bất cứ cái gì bé thích. Cũng nhờ thế, bé chẳng bao giờ bôi vẽ bẩn lên tường nhà.
5. Kết hợp nhiều giác quan khi đang học
Trẻ em học tốt nhất khi sử dụng nhiều giác quan cùng lúc. Một khi trẻ bắt đầu tỏ ra thích thú với chữ cái, hãy lồng thêm các hoạt động, kết hợp nhiều giác quan nhất có thể. Hãy nhớ rằng, tên của chữ cái không quan trọng bằng chữ cái đó phát âm ra sao.
Có rất nhiều cách để bé nhận ra các chữ cái từ khi còn nhỏ. Các trò chơi xếp chữ cái giúp trẻ nhận diện được hình dáng của chữ, dùng chúng để học phát âm, kết hợp với các trò dán, cắt,… Và đừng quên rằng trẻ em rất thích thơ, nhạc. Bạn hãy tìm hiểu xem bé thích hoạt động kiểu nào và chơi bé để bé phát huy nhiều khả năng khác nhau.
Khi tôi còn bé, suốt ngày nghe mẹ ngâm thơ, nên tôi cũng thuộc lòng rất nhiều bài. Để rồi có lẽ những bài thơ mẹ hay đọc góp phần rất lớn giúp tôi phát triển ngôn ngữ, cũng như khả năng văn học từ khá sớm. Đến khi có con, thì tôi rất có ý thức trong việc đọc sách cũng như ngâm thơ, hát các bài hát ru cho con gái nghe.
Khi mới được độ 6 -7 tuổi, con gái tôi đã bắt đầu tưởng tượng và viết những mẩu chuyện ngắn dài chừng nửa trang. Chắc đó cũng là nền tảng quan trọng với con gái trong việc định hình khả năng văn học khi nàng lớn hơn.
6. Phân loại
Khi trẻ khoảng 5 tuổi và đã có thể nhận ra sự “giống nhau, – khác nhau”, hãy bắt đầu dạy cho bé hiểu về các loại sách khác nhau khi bạn đọc sách cùng bé. Điều này nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra khá đơn giản. Đây là 5 loại sách thông dụng cho trẻ em :
- Sách không có yếu tố tưởng tượng (câu truyện thật về động vật, con người, nơi chốn,..)
- Sách có yếu tố tưởng tượng (câu truyện không có thật, có phép thuật, động vật biết nói,…)
- Sách vừa có yếu tố tưởng tượng vừa có yếu tố hiện thực (một câu truyện không có thật nhưng có thể xảy ra trong cuộc sống)
- Sách chữ cái
- Sách bài hát
Khi trẻ biết tự biết phân loại sách, nó sẽ có thể tóm tắt cuốn sách trong đầu và nhớ lại các tình tiết. Sau đó, chúng phải dùng các thông tin đó để quyết định sẽ cho cuốn sách vào đâu. Cuối cùng, trẻ sẽ nhớ đến nội dụng của các cuốn sách cùng một loại, tìm cách kết nối chúng lại.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải cuốn sách nào cũng có thể phân loại theo 5 loại này và mục tiêu cuối cùng là giúp bé hiểu thấu đáo những gì đã đọc.
Không những tự lập ở nước ngoài mà Minh Thu còn học rất tốt.
7. Học cấu tạo từ
Đây là một hoạt động quan trọng vì nó cho phép trẻ bắt đầu “đọc” bằng cách ghép các nhóm chữ trong một từ lại. Hãy cùng bé tìm ra những từ có phần phụ âm giữ nguyên, nguyên âm thay đổi. Ví dụ như khi trẻ biết từ “cái chổi”, bé sẽ cố gắng tìm được từ quả ổi, lá phổi,..... Thêm vào đó, nhận ra các chữ có phát âm gần giống nhau là một kĩ năng ngôn ngữ tốt.
8. Ghép vần
Kĩ năng này đóng vai trò rất quan trọng khi dạy bé đọc, nhưng không phải là quan trọng nhất. Khi trẻ đã biết cách phát âm, ghép vần (qua các ví dụ thực tiễn) thì trẻ sẽ bắt đầu đặt các chữ cái cạnh nhau. Khi thấy những từ ngắn như “voi”, hãy cho bé đọc thành từng chữ v – o – i, sau đó ghép lại thành “voi". Khi trẻ đã hiểu, nhận diện và ghép vần được nhanh hơn, bé sẽ hứng thú hơn với con chữ.
Tôi hay dùng tên người trong nhà, tên các con vật hoặc các vật trong nhà, để cùng con gái tập ghép vần. Ví dụ: hôm đó ăn món cháo cá, tôi nói với con: hôm nay nhà mình ăn “a “o “ao”, chờ ao chao sắc cháo... Chỉ sau độ vài tháng, bé đánh vần ngon lành hầu hết các từ quen thuộc.
Ngưỡng mộ cách mẹ Việt ở Anh dạy con 2 tuổi đọc sách