Tôi có một cậu con trai năm nay mới vào lớp 5. Cháu hiện đang theo học ở một trường quốc tế Sing tại Hà Nội (tôi xin không nói tên vì nhiều người bảo tôi thích khoe mẽ mới đầu tư cho con học trường quốc tế). Vậy nhưng tôi thấy học trường quốc tế rất có lợi. Không chỉ con trai tôi nhận được những phương pháp giáo dục hiện đại nhất, mà tôi cũng “học lỏm” được ở các phụ huynh người Tây của con mình những cách dạy con tuyệt vời.
Ben, con trai tôi chơi rất thân với Justin, một cậu bé có bố mẹ đều là người Singapore sang đây làm việc cho một ngân hàng lớn. Vì vậy, hai gia đình chúng tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi. Justin là một cậu bé học rất giỏi trong lớp và điều đó khiến tôi càng “hâm mộ” mẹ cháu. Tôi đã nhiều lần đưa Ben đến thăm nhà Justin và học hỏi được ối điều hay, nhất là cách mẹ Justin dạy cậu bé làm bài tập về nhà mà không “nổi điên” quát tháo, lăm lăm cây roi…như những ông bố bà mẹ Việt tôi từng được biết.
Thứ 1:
Tôi không bao giờ thấy mẹ Justin bảo với con là “Đến giờ làm bài tập về nhà rồi” như mẹ Việt. Trong “từ điển” của mẹ Justin, cô ấy không cho tồn tại chữ “homework” (bài tập về nhà) mà thay vào đó là chữ “study” (học). Thay đổi từ như vậy thì có gì khác nhau? Rất khác! Thay vì nói con “Đi làm bài tập về nhà đi con”, mẹ Justin sẽ nói “Đến giờ học rồi con”. Như vậy, cô ấy không bao giờ phải tốn thời gian để tranh luận với con những câu lý sự đại loại như “Nhưng hôm nay con không có bài tập về nhà.”
Cách kèm cặp, dạy con làm bài tập ở nhà của mẹ cậu bé người Sing học giỏi nhất lớp con tôi khiến tôi vô cùng “hâm mộ” (ảnh minh họa)
Thứ 2:
Học nhiều không bằng học đều. Mỗi ngày, mẹ Justin cho cậu bé 2 tiếng tự học ở nhà. Vậy nhưng học lúc nào, học trong bao nhiêu lâu thì là quyền quyết định của Justin. Cậu bé có thể học liền mạch 2 tiếng đồng hồ, nhưng cũng có thể xin mẹ học 1 tiếng buổi chiều sau giờ ăn bánh và uống sữa và 1 tiếng buổi tối trước khi đi ngủ. Học như vậy, Justin sẽ đạt hiệu quả tốt hơn vì trẻ con thường rất kém tập trung. Nếu bắt bé phải tự giác tập trung 2 tiếng liên tục sẽ vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, mẹ Justin cũng còn rất nhiều việc gia đình và việc công ty phải làm. Chia ra mỗi buổi 1 tiếng có thể giúp mẹ bé sắp xếp thời gian tốt hơn mà ngồi kèm cặp bé. Tránh trường hợp như mẹ Việt: 1 là bỏ công bỏ việc ngồi với con 2 tiếng liền, hoặc không, lại mặc kệ con tự xuay sở rồi thỉnh thoảng chỉ đảo mắt qua kiểm tra bé vì quá bận bịu.
Thêm một mẹo nhỏ nữa từ việc sắp xếp thời gian học cho con mà mẹ Justin “bật mí” cho tôi, đó là luôn nhắc nhở con 5 phút trước khi thực sự đến giờ học bài. Như vậy, Justin sẽ có thời gian chuẩn bị và không “cà kê, lần lữa” khi đồng hồ đã điểm giờ học.
Thứ 3:
Nếu muốn con học hành có hệ thống, hãy xây dựng hệ thống cho con. Đây là một cách giáo dục con được tôi chú ý nhất của mẹ Justin. Phương pháp học tập của trẻ em “Tây” có lẽ khác nhất ở điểm này. Các bé học hành rất có hệ thống, bài bản và luôn biết cách sử dụng những công cụ hỗ trợ việc học. Nhiều bé không biết tóm tắt ý chính của bài học, ý nào quan trọng hơn ý nào. Nhiều bé thích viết tất cả những gì thầy cô giáo đã dạy trên lớp. Vì thế, thông tin về bài học có thể lan man, không rõ ràng. Mẹ Justin không cho con học lan man mà luôn có một quyển vở để yêu cầu con ghi ra những ý chính của bài và chỉ bám theo những ý đó. Giấy đánh dấu, bút khác mực cũng được mẹ Justin khuyến khích con sử dụng khi cậu bé thấy trong sách có ý gì hay cần ghi nhớ hoặc tham khảo.
Nhưng “Gạch đầu dòng” mới chính là thứ mà Justin và mẹ hay sử dụng nhất. Hầu như tất cả các bài tập, toán hay văn, sử hay địa, mẹ Justin đều yêu cầu cậu bé “gạch đầu dòng”. Việc viết bài dưới dạng gạch đầu dòng những ý chính không những giúp bé dễ học hơn mà còn giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy. Một bài sử dài 1 trang giấy sẽ “dễ thở” hơn nhiều đối với học sinh tiểu học nếu nó được biến thành 5 “gạch đầu dòng”.
Thứ 4:
Không làm bài tập cho con, chỉ giảng cho con cách làm. Khi Justin nỉ non, ỉ ôi với mẹ rằng cậu bé không biết làm bài. Mẹ Justin thường đặt ra từng câu hỏi ngắn để Justin trả lời, từ đó đi dần đến kết quả. Những câu tôi hay thấy cô ấy nói với con, thường là “Con gạch đầu dòng những thứ bài toán này cho”; “Con không hiểu ở đoạn nào?”, “Con có thể cho mẹ ví dụ tương tự như ngoài đời không?”; “Muốn tìm số gà trong chuồng thì con cần biết gì mới tìm được”…từ đó hai mẹ con sẽ khám phá dần cách làm.
Thứ 5:
Thái độ của mẹ đóng vai trò quan trọng. Tôi thấy nhiều mẹ Việt “máu nóng” lắm. Giảng cho con hai ba lần không hiểu là quát loạn lên. Mẹ đã cố gắng hướng dẫn con cách xem đồng hồ đến 5 lần liền hay dạy con cách cộng trừ phân số. Vậy nhưng con vẫn tỏ ra lóng ngóng. Mẹ sốt ruột nói “Con không hiểu à?”. Đương nhiên, nếu con “hiểu” thì đã không như vậy. Câu hỏi trên của mẹ không hề đơn giản đối với bé. Nó giống một lời trách cứ, một lời cằn nhằn hơn. Bé sẽ cảm thấy tự ti và không muốn tiếp tục cố gắng. Giải pháp cho mẹ trong tình huống trên là nên thoải mái, bỏ qua những rắc rối với “bài học” này và chỉ quay trở lại dạy con khi cả hai đã cảm thấy thoải mái hơn. Đó là cách tôi hay thấy mẹ Justin làm.
Thái độ khi khen thưởng con cũng phải khác, đó là sự chân thành, tán thưởng tự nhiên chứ không mang hàm ý tâng bốc bé, cho bé ảo tưởng. Cũng không nên lấy bánh kẹo đồ chơi làm phần thưởng liên tục cho con. Chúng không có tác dụng lâu dài. Mẹ Justin hay khen cậu bé ”Bài này con làm 10 phút đã xong rồi cơ à” hay “Mẹ thấy hôm nay con ngồi học đúng giờ đấy chứ”… rất có tác dụng khuyến khích bé “lập kỷ lục mới” cho lần sau.
Trẻ con không thích làm bài tập về nhà và ta cũng không thể bắt con làm. Tuy nhiên ta có thể định hướng cho bé và kèm cặp để bé làm bài tập với một thái độ tích cực nhất. Đó là điều tôi đã học được ở một người bạn, một người mẹ Singapore có con học giỏi nhất lớp.
Theo chia sẻ của độc giả có địa chỉ mail thuhuong.........@.............