Ăn dặm kiểu Nhật hay kiểu truyền thống luôn là câu hỏi khiến nhiều bà mẹ băn khoăn khi nuôi con bắt đầu bước sang giai đoạn 4-6 tháng. Để mẹ có cái nhìn cụ thể hơn về những khác biệt và lợi thế của Ăn dặm kiểu Nhật so với Ăn dặm truyền thống, mẹ Miko - một bà mẹ Việt đang nuôi con ở Nhật sẽ chia sẻ với chị em những nhận định của bản thân
Về chế độ ăn
Theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật Bản, bé ăn dặm giai đoạn đầu mỗi ngày ăn 5 bữa (4 bữa sữa 1 bữa mặn), mỗi bữa cách nhau 4 tiếng. Sang giai đoạn sau, mỗi ngày bé ăn 2-3 bữa mặn cùng thời gian với người lớn và 2 bữa sữa phụ xen kẽ 3 bữa chính.
Trong khi đó, theo phương pháp ăn dặm truyền thống thì bé từ 6 đến 24 tháng mỗi ngày ăn từ 7 đến 9 bữa bao gồm cả sữa và ăn mặn. Như vậy, nếu chia đều khoảng cách giữa các bữa thì mỗi bữa cách nhau khoảng 2 tiếng hoặc chưa đến 2 tiếng. Như vậy, dễ hiểu vì sao các bé ở độ tuổi này thường bị coi là biếng ăn. Vì bé chưa kịp tiêu hóa thức ăn bữa trước đã phải ăn tiếp bữa sau, nên bé luôn trong tình trạng không biết đói bụng. Chính vì vậy, dù bé ăn nhưng không biết ngon. Dần dần, bé không còn hứng thú với chuyện ăn uống.
Ăn dặm kiểu truyền thống khiến trẻ dễ chán ăn vì ăn quá nhiều, dồn dập. (ảnh minh hoạ)
Ở Việt Nam, bé mới ăn dặm đã ăn một bữa những 100-150 ml bột. Trong khi đó, ở Nhật Bản, bé mới ăn dặm chỉ ăn 50-70 g cả cháo nghiền lẫn thức ăn mỗi bữa. Như vậy, nếu bé được chăm theo phương pháp truyền thống thì chắc chắn hệ tiêu hóa của bé sẽ bị làm việc quá sức.
Hơn nữa, ăn theo cách truyền thống thì bé ăn bột và cháo suốt 18 tháng ròng rã trong khi đó người Nhật chỉ cho con họ ăn cháo trong vòng 7 tháng và sau đó là bé có thể ăn cơm. Bé được tập ăn theo một tiến độ hợp lý, khoa học. Bé tập ăn từ loãng đến đặc dần, từ mịn đến thô dần. Mỗi giai đoạn tập ăn không quá dài và thức ăn được thay đổi phù hợp với độ tuổi của bé nên bé không bị ngán khi phải ăn một chế độ ăn quá lâu.
Như vậy, dễ hiểu vì sao hiện nay ở Việt Nam tình trạng bé biếng ăn vẫn chưa được cải thiện. Để có thể nhét hết một lượng thức ăn nhiều như vậy vào bụng, bé phải bị ép uổng là chuyện khó tránh khỏi. Lâu dần, bé phản ứng lại bằng cách không muốn ăn nữa. Cuối cùng, bài ca “con lười ăn” vẫn muôn thuở không ngừng. Trường hợp bé nào đáp ứng tốt, chịu đựng được sức nhồi nhét tốt thì tương lai sẽ dễ béo phì.
Bảng so sánh chế độ ăn giữa phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và truyền thồng
Về kỹ năng ăn
Kỹ năng ăn của trẻ ăn dặm kiểu Nhật cũng tốt hơn trẻ ăn dặm truyền thống (ảnh minh hoạ)
Người Nhật cho rằng, vào 7 tháng tuổi là bé bắt đầu có phản xạ nhai. Do đó, thức ăn cho bé cần được làm thô hơn. Chính vì vậy mà khi được 7 tháng, bé sẽ được tập ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7. Cháo nguyên hạt lợn cợn sẽ giúp phát triển kỹ năng nhai và nuốt thô hơn. Sang 9 tháng bé chuyển sang cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:5. Lúc này, dù bé chưa đủ răng nhưng bé nhai tốt bằng lợi. Vì vậy, thức ăn theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật dù to nhưng nếu làm mềm thì bé vẫn nhai được. Và đến 1 tuổi là bé có thể nhai cơm và ăn cơm dù chưa đủ răng.
Trong khi đó, ở Việt Nam các bà và các mẹ vẫn cho rằng 12 tháng tuổi có thể bé đã có 8 răng, nhưng là răng cửa nên bé vẫn chưa nhai kỹ được thức ăn, vì vậy đồ ăn của bé vẫn phải mềm, băm nhỏ, tán nhuyễn. Do đó, bé phải ăn cháo đến 24 tháng (2 tuổi). Như vậy, vô tình các mẹ đã làm mất phản xạ nhai của bé vào lúc bé được 7 tháng tuổi. Và thời gian trôi qua, bé chỉ biết nuốt thức ăn nhuyễn, đến khi tập ăn thức ăn thô thì bé khó nhai, không biết nhai, nên bé chỉ nuốt. Và vì nuốt thô nên bé ọe. Vì vậy, không ít bé thường xuyên bị ọe khi ăn cháo lợn cợn và những bé như thế sẽ luôn được chăm sóc đặc biệt vì “bệnh” ọe khi ăn.
Biết và hiểu rõ các phương pháp thì sau này mẹ sẽ có thể đỡ vất vả hơn trong việc cho con ăn dặm. Dù là phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hay truyền thống thì mẹ cũng chỉ mong con mẹ sẽ ngoan ngoãn và mau lớn.