Giai đoạn con ăn dặm luôn là nỗi háo hức, chờ mong xen lẫn hồi hộp và lo lắng của tất cả các chị em lần đầu làm mẹ. Giữa vô vàn những thông tin tràn lan trên mạng và cả những lời mách mẹo của bà, của mẹ, của các chị em đi trước…làm thế nào để chọn lọc và nấu ra được cho con một bát cháo đầy đủ dinh dưỡng và ngon miệng vẫn khiến nhiều bà mẹ băn khoăn.
Không cần phải sang Nhật, sang Mỹ…ở ngay tại Việt Nam cũng có những lớp dạy nấu ăn dặm cho trẻ hoàn toàn miễn phí dành cho các bà mẹ trẻ. Cùng “zoom” cận cảnh một lớp học nấu ăn dặm cho trẻ tại Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I Tp.HCM.
"Đi học mới biết mình nấu cháo sai bét"
Đều đặn mỗi 9 giờ sáng trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, tại Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I Tp.HCM luôn tấp nập các chị em đến đăng ký học lớp dạy nấu ăn dặm cho trẻ miễn phí tại đây. Thậm chí, những bà mẹ có con bị mắc các vấn đề về tiêu hoá, suy dinh dưỡng hay béo phì thừa cân, sau khi cho con khám xong cũng được các bác sỹ mời vào tham dự luôn lớp học một cách thoải mái. Chị Lan, 25 tuổi ở q. Gò Vấp Tp.HCM cho biết “Con tôi đang được 7 tháng. Tôi cho con ăn dặm từ tháng thứ 6 nhưng mới chỉ là quấy bột ăn liền. Sắp tới dự định cho bé chuyển sang ăn cháo nên tôi đến đây để đăng ký học. Bản thân tôi thấy đây là một lớp hướng dẫn rất vui và bổ ích.”.
Cùng tham dự lớp học này với chị Lan nhưng mục đích và hoàn cảnh của chị Trang (23 tuổi) lại hoàn toàn khác. Hai vợ chồng chị đưa con đến khám dinh dưỡng vì bé quá thấp còi, nhẹ cân. Tại đây sau khi khám xong, chị được các bác sĩ tận tình gợi ý nên nán lại vài phút để xem hướng dẫn nấu cho con một bát cháo hoàn chỉnh và đầy đủ dinh dưỡng “Bé nhà mình đã được 9 tháng nhưng còi quá, con có ăn nhưng không lên cân. Học lớp nấu ăn dặm này, mình mới phát hiện ra cách nấu của các giáo viên hướng dẫn khác xa so với mẹ nấu ở nhà. Trước đây do nghe mọi người mách trẻ con không ăn được dầu ăn người lớn nên mình nấu cháo cho con không bao giờ bỏ dầu ăn. Bây giờ mới thấy bản thân nấu cháo cho con 'sai bét'”, (cười)
Chị Trang (áo đỏ) đang bế con xem giáo viên hướng dẫn nấu cháo ăn dặm.
Bắt đầu buổi học, bà mẹ nào cũng được phát cho một quyển tài liệu hướng dẫn cách cho con ăn, lượng dinh dưỡng cần thiết và chuẩn cân nặng, chiều cao theo từng tháng tuổi. Sau đó, giáo viên sẽ hướng dẫn các bà mẹ những nguyên tắc cơ bản khi cho con ăn dặm.
Tại khoa dinh dưỡng luôn có các tấm bảng và tài liệu cụ thể hướng dẫn các bà mẹ chế độ ăn cho trẻ.
4 nguyên tắc cơ bản khi cho con ăn dặm
1. Việc ăn uống của trẻ phải diễn ra dần dần, từ từ theo nguyên tắc từ ít đến nhiều. Nên hãy để cho trẻ làm quen từ từ, không ép con ăn.
2. Độ thô trong mỗi bát cháo con ăn cũng cần có trình tự từ lỏng đến sệt, từ sệt đến đặc.
3. Đảm bảo phối hợp đủ 4 nhóm dinh dưỡng bao gồm chất bột đường, chất béo, chất đạm và nhóm rau củ, trái cây. Mỗi nhóm chất có một vai trò riêng đối với sự phát triển của trẻ.
4. Sự cân đối tỷ lệ giữa 4 nhóm chất này cũng phải hợp lý. Có như vậy mới giúp trẻ không bị suy dinh dưỡng vì thiếu chất cũng như kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
Và bây giờ là cách chế biến cơ bản
Một bát cháo của trẻ ở giai đoạn 6-9 tháng bắt đầu tập ăn dặm sẽ bao gồm chất bột (gạo, bột gạo, mỳ, mỳ nui…), thức ăn (cá, tôm, thịt hao, bò, gà), rau củ tùy mùa và dầu ăn. Tỷ lệ vàng cho 4 nhóm chất này thường được khuyên là: 1 chén cháo + 1 muỗng thịt bằm 25-30g + 1 nắm tay rau xanh + 1 thìa phở dầu ăn 10g
Lớp học dinh dưỡng ăn dặm cho trẻ diễn ra lúc 9 giờ mỗi sáng nhưng ngày nào cũng có rất đông chị em đăng ký học.
Một bát cháo của trẻ ở giai đoạn 6-9 tháng bắt đầu tập ăn dặm sẽ đủ 4 nhóm chất bao gồm: chất bột (gạo, bột gạo, mỳ, mỳ nui…), thức ăn (cá, tôm, thịt hao, bò, gà), rau củ tùy mùa và dầu ăn.
Cháo nấu cho trẻ
Rau cho trẻ có độ to nhỏ khác nhau tùy vào hình dạng rau nên qui ước 1 chén cháo người mẹ nên lấy 1 nắm tay rau. Ban đầu con mới ăn dặm thì nên lọc bỏ cọng, cuống và chỉ lấy lá.
Hiện nay các mẹ Việt vẫn nấu cháo cho con theo cách ray hay xay nát rau, thịt cá và hầm xương lấy nước cho trẻ. Tuy nhiên cách làm này không hiệu quả vì ninh xương vừa mất thời gian và chất đạm không hề tan trong nước. Xay nát hay thậm chí lọc rau, thịt qua rây cũng không lấy được hết phần xác cho trẻ. Giải pháp tốt nhất mà các bác sỹ Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I vẫn hay khuyên dùng là nên băm nhỏ thực phẩm cho con. “Việc nấu một bát cháo đầy đủ rau thịt rồi cho vào máy xay xay nát thậm chí còn khiến bát cháo trở nên mất vị, mất ngon, khiến trẻ chán ăn” cô Lê Thị Hải Yến, chuyên viên dinh dưỡng hướng dẫn lớp nấu ăn dặm cho biết.
Ở khoa dinh dưỡng, các chuyên viên hướng dẫn chị em nên băm nhỏ thực phẩm cho trẻ chứ không nên xay nát, lẫn lộn.
Giáo viên hướng dẫn chị em cách băm nhỏ rau, thịt.
“Việc nấu một bát cháo đầy đủ rau thịt rồi cho vào máy xay xay nát thậm chí còn khiến bát cháo trở nên mất vị, mất ngon, khiến trẻ chán ăn” cô Lê Thị Hải Yến, chuyên viên dinh dưỡng hướng dẫn lớp nấu ăn dặm cho biết.
Với thịt, để tránh cho thịt bị vón cục to, gây khó ăn, hóc nghẹn….các bác sỹ ở đây hướng dẫn các chị em làm theo qui trình: Băm nhỏ thịt – hòa 1 muỗng thịt bằm vào 1/3 bát nước lọc cho tan ra rồi mới cho vào quấy cùng nồi cháo của con.
Nếu cho thịt băm trực tiếp vào cháo sẽ khiến thịt vón cục. Giải pháp là người mẹ nên hòa thịt bằm ra nước trước khi cho vào quấy.
Sau khi cho thịt hòa tan trong nước vào cháo, thịt sẽ rất nhỏ, mịn và phù hợp cho các em bé bắt đầu tập nhai.
Dầu ăn rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Do cấu trúc dạ dày em bé vẫn còn rất nhỏ nên cùng một lúc không thể hấp thụ được quá nhiêu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên nhu cầu vi chất của con lại cao hơn người lớn 3-5 lần. Chính vì vậy để giải quyết vấn đề này, cho dầu ăn sẽ là cách giúp con bù năng lượng và phần dinh dưỡng này. Thêm vào đó, dầu ăn còn là chất dung môi giúp hòa tan một số vitamin có trong thức ăn. Trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng cũng phần lớn do mẹ đã không cho con ăn dầu ăn.
Lượng dầu ăn đầy một muỗng canh như trong hình là khoảng 10g.
Cháo nấu xong sẽ được chia vào từng cốc nhỏ để tặng lại cho các bà mẹ mang về.
Trả lời các thắc mắc của cha mẹ về xoay quanh vấn đề dinh dưỡng khi nấu cháo ăn dặm cho trẻ.
Theo cô Đỗ Thị Thu Cẩm, Điều dưỡng trưởng, khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I sai lầm chủ yếu trong việc khiến trẻ bị suy dinh dưỡng không phải ở người mẹ mà là người nuôi dưỡng. Đôi khi còn do rất nhiều nguyên nhân khác như kiến thức hiểu không đúng, thực hành không chuẩn, bị chi phối bởi nhiều thông tin nhiễu loạn xung quanh như mẹ chồng, mẹ đẻ hay hàng xóm…”Ở đây, chúng tôi có khái niệm ‘người nuôi dưỡng’ mới chính là người khiến trẻ gặp các vấn đề về phát triển, hấp thụ.” Cô Cẩm cho biết.
- Chuyện nêm mắm, muối vào bát cháo của con là không cần thiết vì theo nghiên cứu, trong rau, gạo và các thực phẩm nói chung đều đã có sẵn muối. Nếu thích, mẹ có thể chỉ cần nêm thêm cho trẻ từ 1-2 giọt mắm nhỏ là đủ.
- Trẻ nhỏ cũng cần ăn mỡ. Nhiều chị em nghĩ dầu ăn dễ tiêu còn mỡ thì khó tiêu, mỡ lại có nhiều cholesterol. Tuy nhiên, cholesterol cũng rất cần thiết cho cơ thể. Mặt khác, trong mỡ còn có rất nhiều vitamin A, D mà trong dầu ăn không có. Chính vì vậy nguyên tắc là nên cho trẻ ăn dầu, mỡ theo tỷ lệ 50:50. Không cần thiết loại trừ hết mỡ ra khỏi thịt cho trẻ.
- Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, người ta thường có xu hướng cho trẻ ăn cơm sớm vì dân gian quan niệm “ăn cơm sớm cho cứng cáp”. Con chỉ vừa tròn 1 tuổi là nhiều gia đình đã vội vàng chuyển sang cho trẻ ăn cơm. Điều này là không hợp lý. Muốn cho trẻ ăn cơm hoàn toàn như người lớn thì các bé cần phải đủ răng hàm để nhai. Số răng hàm này thường chỉ mọc hoàn thiện khi bé được 24 tháng tuổi. Ăn cơm sớm sẽ khiến con nuốt chậm, lâu tiêu và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Nguyên tắc vẫn phải là theo trình tự lỏng – sệt – đặc.
- Không cần quá lo lắng khi cho trẻ mới ăn dặm đã làm quen với thịt. Ở một số nước tiên tiến như Singapore, các bác sỹ đều khuyến khích cha mẹ cho con ăn thịt ngay từ lúc bắt đầu ăn dặm vì theo những nghiên cứu tại đây, trẻ càng tiếp xúc với thức ăn sớm sẽ càng ít có khả năng dị ứng sau này. Người mẹ nên dựa vào con để quyết định có nên cho bé ăn thịt sớm hay không.
- Khi băm nhỏ thực phẩm để nấu cháo cho bé, một số trẻ sẽ có hiện tượng “sản phẩm đầu ra” xuất hiện nguyên miếng. Tuy nhiên không cần lo lắng vì hiện tượng này chỉ bởi hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh nên chưa thể tiêu hóa hết. Nó xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ và sẽ hết dần khi con lớn.