Mấy tuần rồi, cô bạn tự nhiên thăm hỏi rối rít “Anh dạo này thế nào, có khỏe không, con cái học hành ra sao. Tóc bạc nhiều không, hàm răng giả ngày xưa em tặng nay còn dùng?...” Kinh nghiệm cho biết, nàng sẽ nhờ cái gì đó.
Nhân bảo như thần bảo, sau khi vòng vo, cô hỏi: “Anh ơi, em cho con gái sang Mỹ học đại học, nên chuẩn bị gì. Em muốn đi theo để nấu cơm, giặt giũ cho cháu. Nhà em có 30.000 đô la đủ cho cháu học không?”
Câu này nghe hàng trăm lần rồi, nhưng chẳng ai có câu trả lời cụ thể. Tôi nghĩ đây là đề tài hay nên xin mạn phép sẽ viết đôi dòng chia sẻ về những gì tôi biết. Mong bạn đọc góp ý, và câu chuyện của mình sẽ có ích cho những cha mẹ nào đang có ý định cho con sang Mỹ du học. Cũng không phải chỉ đi Mỹ thôi đâu, đi nước khác cũng vậy, cũng đều cần những kỹ năng này.
Kỹ năng sống độc lập – Bắt đầu là rửa bát, quét nhà
Nghe cô bạn hỏi dồn dập, mình trả lời đùa, cứ cho cháu sang, thế nào cháu cũng lớn mỗi năm một tuổi và quay về thăm bố mẹ vài lần. Chỉ nhớ một điều, “nhập gia tùy tục”, những thói quen bên nhà mang theo sang Mỹ đôi khi không hợp, thành xung đột văn hóa và có thể phạm luật.
Nền giáo dục và gia đình Việt nuôi con theo kiểu gà chọi, phần đông cha mẹ cơm bưng nước rót, con chẳng phải làm gì, chỉ ăn, học và ngủ, suốt 12 năm liền. Nếu thi vào đại học thành công coi như công ơn được đền đáp. Ra trường có công ăn việc làm, tiền của nhiều, nó sẽ phụng dưỡng mình khi về già. Nếu thất bại, bố mẹ nuôi báo cô. Vì thế, khi con rời tổ ấm, ra đi một mình, ai mà chẳng lo.
Muốn cho con đi du học, mẹ cần dạy trẻ biết tự lập ngay từ tấm bé (ảnh minh họa)
Cô bạn than “Con em chẳng biết luộc trứng, không biết nấu cơm, nhìn miếng thịt đông lạnh chẳng biết đập thế nào cho tan đá. Bây giờ mà sang Mỹ ăn uống thế nào”.
Giáo dục Mỹ dạy trẻ học để ra đời học tiếp phần đời còn lại. Làm công nhân cũng tốt, làm kỹ sư cũng được, nếu tiện, làm tổng thống cũng chẳng sao. Bọn trẻ Mỹ cũng “gà mờ” khi ra trường, nhưng khi cần, chúng tiếp cận cuộc sống mới nhanh hơn, bởi tất cả những kỹ năng đã được học và thực tập từ lúc còn bé do cha mẹ, nhà trường và xã hội hướng dẫn.
Tôi chỉ khuyên các bà mẹ đơn giản thế này: Trong lúc chờ đợi xin các trường thông báo nhận học, các bậc cha mẹ nên dạy các cháu biết rửa bát, quét nhà, biết tự giặt quần áo, biết nấu cơm, biết ăn bánh mỳ với bơ, học nấu súp, biết cách luộc trứng 3 phút, biết làm tan đá cho miếng thịt. Nếu cần, để cháu nấu vài bữa cho cả nhà, chịu khó ăn mặn, nuốt nhạt chút. Học nấu ăn sẽ biết cách sống tự lập khi không còn cha mẹ bên cạnh. Quan trọng nhất là không chết đói. “Người sống đống của”, các cụ nói cấm sai. Từ chuyện nhỏ sẽ học được chuyện lớn. Các cô các cậu 17-18 tuổi không phải là đứa trẻ nữa, phải biết độc lập và tự mình bắt đầu kiếm sống, tự biết làm gì để không đói khát, không ốm đau, không bị lừa đảo.
Sách vở thế là đủ rồi, các cháu Việt Nam sang hầu hết là học giỏi, có kiến thức cơ bản vững, sang Mỹ đều học khá và giỏi. Nhưng học sống để tồn tại thì nhiều điều phải bàn.
Kỹ năng Ngoại ngữ và IT
Tổng dân số thế giới vào tháng 6-2012 khoảng hơn 7 tỷ người. Năm 2000 có 360 triệu người dùng internet, vào cuối năm 2012 con số này lên tới 2,4 tỷ, tăng tới 566% so với năm 2000.
Việt Nam với dân số 91 triệu, ba năm sau khi chính phủ cho phép mở internet từ năm 1997, năm 2000 mới có vẻn vẹn 200.000 biết mùi vị net. Tháng 6-2012, con số này đã là 31 triệu, chiếm 1/3 dân số, hầu hết là giới trẻ. Riêng facebook đã có hơn 10 triệu tài khoản đang hoạt động.
Nói thế để biết, PC, iPhone, iPad, IT, internet, facebook, blog, twitter… là hành trang của tuổi trẻ bước vào đời. Nếu không biết về internet, thạo dùng các công cụ IT, khó mà du học.
Trên thế giới ảo, tiếng Anh là thông dụng nhất, tiếp theo là tiếng Trung, Tây Ban Nha, Nhật, và Bồ Đào Nha. Đối với người Việt, muốn hội nhập, ngoài chuyện trình độ phải có, chấp nhận văn hóa khác biệt hiểu quan niệm đa chiều, thì còn cần phải thông thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, không còn cách nào khác
Cần tìm hiểu kỹ trường học trước khi quyết định
Tìm hiểu kỹ về trường học trước khi nộp hồ sơ là vô cùng quan trọng (ảnh minh họa)
Nếu được trường nào hứa xem xét, phải nghiên cứu kỹ về trường đó. Khi phỏng vấn visa hoặc nhà trường hỏi thêm thì cũng phải biết khuôn viên của trường to bé ra sao, thành lập từ năm nào, ở bang nào, đứng thứ mấy ở Mỹ. Vào trang web của trường là ra tất, hoặc google cũng đủ thông tin. Trường nào không có trang web thì đừng xin cho con học. Đơn giản, gửi con vào những trường học không có nổi trang web thì ngang bằng gửi trứng cho ác, dù đó là nước Mỹ.
Không thể có chuyện nghe bạn bảo thế này, chị họ nói thế kia, mà phải có thông tin cụ thể, tự mình đọc, tự mình nhớ. Kiểu nhờ chung chung, anh ơi xem bên Mỹ có trường nào học tốt, giới thiệu cho con em với, khó mà nên cơm cháo.
Kỹ năng phỏng vấn
Đi phỏng vấn xin visa, hay qua video, dù chẳng yêu cầu ăn mặc comple cavat, diêm dúa như dự dạ hội, cũng phải sạch sẽ, gọn gàng, bắt mắt chút. Lôi thôi lếch thếch dễ bị trừ điểm. Bên Mỹ ăn mặc đa dạng, từ cao cấp đến bụi đời, đang comple nhưng lại đi giầy thể thao, váy mốt đi với giày bệt vì đi bộ cho dễ, nhưng tới nơi làm việc lại nghiêm túc.
Tưởng tượng, một ngày, người phỏng vấn gặp mấy chục người với vài câu, nhắc đi nhắc lại. Cấp visa nhiều khi do cảm tính, mà cảm tính hay hướng tới cái đẹp, khổ thế!
Khi phỏng vấn xin visa, mắt nhìn thẳng vào mắt người đối thoại và phải thật lòng. Kiểu vừa nói vừa cúi mặt xuống, tránh ánh mắt như dân Việt ta hay làm, dân Mỹ tưởng mình che giấu gì đó, mà họ thì chúa ghét nói dối.
Ngoài chuyện cha mẹ và các em nên tự tìm hiểu thông tin cho về nơi định xin du học, trước khi đến những công ty tư vấn hỏi thêm, cũng đừng nên lo quá tiền nhiều hay ít, đừng phó mặc cho ai đó lo hộ, mà nên giúp con có kiến thức cuộc sống và tự bươn chải. Chuẩn bị tốt rồi thì chẳng phải lo như người mẹ trẻ đã kể ở trên.