Một bà mẹ tâm sự trên báo về những lo lắng trước thông tin dùng viên đặt hậu môn để hạ sốt cho trẻ là không tốt:
"Khi bé được 14 tháng tuổi, vợ chồng em có đi du lịch Sài Gòn và cho bé đi cùng - đây là lần đầu tiên bé được đi xa. Suốt chuyến đi gần 1 tuần lễ, bé rất khỏe mạnh nhưng ngay đêm về đến nhà thì bé nóng đầu, sốt cao - đỉnh điểm lên tới gần 40 độ.
Để hạ sốt, em có pha paracetamol cho bé uống nhưng cứ uống là bé khóc ngằn ngặt, nôn ói hết ra ngoài. Con không thể uống được hạ sốt nên em đành dùng thuốc đặt hậu môn. Từ đó, cứ mỗi lần con sốt là em lại áp dụng 'chiêu' này. Thông thường chỉ cần đặt 1 - 2 lần là khỏi. Tuy nhiên, 2 lần sốt cao gần đây nhất, em đã phải dùng thuốc hàm lượng cao đặt cho con nhưng con vẫn sốt kéo dài kèm theo đi ngoài ra máu tận 3-4 ngày mới khỏi. Thấy tình hình thế, mẹ chồng em có ra chỉ định 'CẤM' không sử dụng thuốc nữa nếu không sẽ hại con".
Trao đổi với chúng tôi, PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, viên đặt hậu môn có tác dụng hạ sốt cho trẻ và người lớn, nếu đặt đúng vị trí và đúng liều lượng quy định. Đây là cách được dùng cho trẻ hay bị nôn, trớ khi uống thuốc hay người lớn hay bị nôn. Trước đây, một số quan niệm cho rằng, cách dùng viên đặt hạ sốt ở hậu môn sẽ qua gan ít hơn. Tuy nhiên, thực tế là viên đặt hậu môn vẫn thấm vào máu như đường uống nên có nghĩa vẫn qua gan. Cho nên, trẻ hay người lớn bị bệnh gan cũng không được dùng viên này.
"Khi đặt vào hậu môn, viên hạ sốt chỉ có liều cố định. Một viên chỉ đặt cho 1 lần, do vậy không được đặt 2 viên/lần hay chia đôi viên thuốc. Mỗi viên với liều lượng quy định phù hợp với cân nặng nhất định của trẻ. Cho nên có những đứa trẻ không đặt được vì cân nặng chênh nhiều so với liều lượng thuốc. Có khi đặt với viên có liều lượng này thì thấp quá không có khả năng hạ nhiệt, nhưng nếu đặt viên có liều cao hơn thì sẽ quá liều", bác sĩ Dũng chỉ rõ.
Mặt khác, theo PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng, uống thuốc chia theo gói cho trẻ em đã có liều lượng quy định sẵn. Tuy nhiên, việc hạ sốt cũng nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ dẫn. Khi phụ huynh dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần được chỉ định.
Khi phụ huynh dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần được chỉ định (ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Dũng chỉ rõ: "Cũng giống như uống, viên hạ sốt đặt hậu môn có thể ngấm vào máu nên cũng sẽ có trường hợp bị ngộ độc nếu quá liều, hoặc dùng nhiều quá có thể dẫn đến nhờn thuốc. Dùng nhiều quá trong một số trường hợp có thể dẫn đến viêm trực tràng. Nếu các liều trước đặt mà không có tác dụng hạ sốt thì nên chuyển sang uống".
Viên hạ sốt đặt hậu môn không dùng trong trường hợp trẻ viêm hậu môn, bệnh lỵ, bệnh tiêu chảy, trẻ bị gan, bị bệnh về thận...Động tác đặt vào khó khăn, đặt phải làm sao không vỡ viên thuốc.
PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng cũng nói thêm, các phụ huynh lưu ý trẻ bị sốt đơn thuần và sốt có kèm các triệu chứng khác. Nếu khi sốt có kèm các triệu chứng như xuất hiện nốt ban đỏ, chảy nước mũi, nước mắt đó là do virus. Khi sốt kèm nôn, đau đầu, co giật có nguy cơ mặc bệnh liên quan đến não. Khi sốt có kèm ho, khó thở có thể là bệnh liên quan đến phổi. Sốt kèm đau bụng, tiêu chảy có thể bệnh liên quan đường tiêu hóa.
Khi trẻ bị sốt cần chú ý nhiệt độ vừa phải, không không quấn kỹ, ăn kết hợp uống nhiều nước và có thể ăn thêm hoa quả. Phụ huynh chăm sóc và theo dõi trẻ cẩn thận. Nếu trẻ bị sốt kèm triệu chứng khác cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám. Còn với trường hợp sốt đơn thuần cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định, nếu sốt không có kèm triệu chứng khác nhưng không hết sau 3 ngày cũng cần đi khám.
Về việc chườm khăn ướt khi trẻ bị sốt, PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ: "Tôi không đồng ý với việc chườm khăn ướt hay chườm đá cho trẻ... Đó là các biện pháp vật lý chỉ có tác dụng hạ sốt trong 1 tiếng đầu mà thôi. Hiện nay, các nước châu Âu không áp dụng hạ sốt cho trẻ bằng dùng những biện pháp vật lý như vậy. Bởi vì, những cách đó thường làm cho trẻ mệt hơn, quấy hơn, thậm chí còn dẫn đến biến chứng nặng hơn".