"Mỗi bận thấy những ông bố bà mẹ đèo cậu con to ịch ngồi sau xe máy, chen chúc trong dòng người, chân rê rê xuống đường chống vì con nặng quá, còn con thì cận nặng, mặt mũi lơ ngơ dí vào màn hình điện thoại hoặc tai đeo nghe mà phát ngán", chị Trinh, một biên tập viên ở Hà Nội, chia sẻ.
Cũng vì lý do này, nên dù gia đình không bí người đưa đón con, vợ chồng chị vẫn quyết định để cháu dần tự lập bằng cách tự đi học. "Ngày xưa bé hơn thế mình cũng tự đi rồi nên không có lý gì lại để cho con thụ động mãi được. Ngày nay đúng là đông đúc và không được an toàn bằng nhưng trẻ ở thời nào thì phải học cách thích nghi với thời ấy", chị Trinh bày tỏ.
Mặc dù vậy, chị thừa nhận, bản thân thân mẹ vẫn chưa đủ bản lĩnh để thả con ra đường vì lo sợ bao nguy hiểm rình rập. Hơn nữa, đoạn đường 5km con chị đi học là đường lớn, xe cộ khá đông đúc. Suốt một tháng đầu, khi con tự đạp xe đến lớp, bố mẹ hay ông ngoại vẫn đi bên cạnh để xem khả năng xử lý tình huống giao thông của con thế nào. Và mỗi khi thấy con xử lý chưa ổn, người lớn lại lên phân tích ngay để con rút kinh nghiệm. Sau tháng đó, cậu nhóc lớp 6 không đồng ý cho người nhà đi kèm nữa và muốn được tự đi hoàn toàn. Dù đã đồng ý với đề xuất này của con, nhưng vì vẫn lo lắng nên vợ chồng chị Trinh vẫn âm thầm "đi rình" phía sau.
"Có hôm hai vợ chồng lặng lẽ theo sau, thấy con sang đường nguy hiểm quá, chả ngoái lại quan sát phía sau mà rẽ vèo phát, mẹ sợ quá lại vọt lên góp ý luôn. Cu cậu ngạc nhiên lắm, tra hỏi mẹ theo dõi con từ lúc nào. Giờ cậu bắt bố mẹ tuyệt đối không theo dõi. Bố mẹ lại hứa, lại vẫn lén lút đi theo", chị Trinh chia sẻ trên trang cá nhân.
Chị kể, có hôm, thấy cậu nhóc thả cả 2 tay làm xiếc, mẹ định lao lên chỉnh đốn ngay nhưng nhớ ra "lời thề" với con, đành nén lại. "Con giai, thả con ra đường đời luôn là việc khó với mẹ. Việc khó mà không thể không làm", bà mẹ chia sẻ.
Hình ảnh con trai chị Trinh tự đạp xe trên đường về nhà buổi tối, được bố mẹ chụp khi lén "rình" phía sau. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Để con gái tự đi xe bus công cộng tới trường từ lúc bé học cuối lớp 5, lý do của chị Thanh (khu Giải Phóng, Hà Nội) lại là vì gia đình thiếu người đưa đón.
Rất tin tưởng cô con gái đầu vì bé tự lập sớm, lại ngoan, chu đáo, nên từ lúc cô bé học lớp 5, chị để con tự đi xe bus. "Những ngày đầu, lòng mẹ nóng như lửa đốt, chỉ canh giờ xem con đã đến nơi chưa để gọi, biết con đến được trường mới yên tâm", chị kể.
Chị Thanh cho biết, suốt hơn một năm qua, con gái chị tự túc hoàn toàn trong việc đi học, từ đến trường tới đến lớp học thêm, bằng xe bus. Trong những lần đó, có những lần cô bé cũng gặp sự cố. Chẳng hạn, có lần, thấy con bị trầy xước chân tay, chị hỏi thì cháu kể là con bị ngã từ vài hôm trước, do xe bus quá đông, nhiều người xô đẩy. Về nhà cháu không nói gì vì sợ bố mẹ lo lắng. Rồi lần khác, cô bé lên xe rồi ngủ quên, đi quá bến mới tỉnh nên phải quay lại đi bộ tới trường và muộn học.
Chị Thanh bồn chồn nhất là những lần quá giờ tan trường quá lâu mà chưa thấy con về. "Có hôm, đáng lẽ 6h con về tới nhà nhưng gần 8h tối vẫn chưa thấy cháu. Cả nhà tá hỏa, gọi điện thì con không nghe. Đến 8h tối, thấy số lạ gọi tới, tôi vội vàng nghe thì thấy giọng con. Cháu nói đường tắc, xe buýt đi vòng nên bỏ bến. Cháu bị thả quá nhà hơn 3 cây số và chẳng biết làm thế nào. Mãi mới chiến thắng nỗi buồn và sợ hãi, cháu mượn điện thoại người đi đường để gọi cho mẹ. Tôi lập tức đi đón con và tới nơi chỉ muốn ôm con thật chặt vào lòng", chị Thanh chia sẻ.
Bà mẹ hai con này kể, nhiều khi chị thực sự thấy xót xa khi để con gái tự xoay sở việc đi lại. Nhưng sau một thời gian, chị thấy con cũng tự tin hơn và tháo vát khi xử lý các các tình huống bất ngờ xảy ra. Giờ con có thể đi mọi điểm bằng xe bus, thậm chí đưa em đi chơi, đi học bằng phương tiện này.
Con trai chị Loan (Tây Hồ, Hà Nội) tự đạp xe đến trường khi đang học lớp 5. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Đưa đón con đến trường là nỗi đau đầu của nhiều bố mẹ nhưng thả cho con đi một mình cũng là một cuộc giằng co lớn trong lòng nhiều phụ huynh.
Nhà anh Thắng (Đỗ Quang, Hà Nội) cũng để con trai đi xe đạp tới trường khi con bắt đầu vào cấp 3 để cậu bé rèn luyện sức khỏe, chủ động đi lại, tự lo cho bản thân và ứng phó với các tình huống giao thông.
Từ hồi con học lớp 6, anh đã kèm con đạp xe vào nhà bà ngoại (khoảng 7km), và tới năm nay mới dám cho con đi một mình tới trường. Dù vậy, anh vẫn lo nơm nớp và bắt con phải đội mũ bảo hiểm và chú ý an toàn. "Bạn ấy cũng cẩn thận và tính có trách nhiệm, đi đâu làm gì là xin phép hoặc báo trước nên bố mẹ yên tâm, tin tưởng", anh Thắng nói.
Dù quãng đường từ nhà tới trường chưa đầy một km nhưng để cậu con lớp 5 tự đạp xe đạp đến, chị Loan (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cũng thấp thỏm nhiều ngày và phải mất một tuần lặng lẽ theo sau khi con đi học.
Từ khi con học lớp 4, chị đã để con tự đạp xe đi học thêm và có mẹ đi bên cạnh. Lên lớp 5, Hiếu hoàn toàn tự đến trường, sáng đi chiều về. "Buổi đầu, bạn còn xin mẹ cái khóa dây để đến trường thì khóa xe vào. Dù quãng đường ngắn nhưng lại rất đông vì trên trục đó có tới 4-5 trường ở sát nhau nên mẹ cũng vẫn 'run', dặn con đi sớm hơn một chút để đường đỡ đông", chị Loan kể. Chị cho biết, Hiếu rất hào hứng đạp xe đi học và cuối tuần còn xung phong đi chợ chở đồ cho mẹ nữa.
Chuyên gia tâm lý học đường Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ, để quyết định có cho trẻ tự đi đến trường hay không, phụ huynh cần lưu ý tới các yếu tố:
- Quãng đường từ nhà tới trường: Ngắn hay dài, tình trạng giao thông và an ninh ra sao, con có được đảm bảo an toàn không...
- Tính cách của trẻ: Nếu trẻ bạo dạn, tự tin, có khả năng xử lý các tình huống tốt thì có thể yên tâm hơn. Dù vậy, bố mẹ cũng cần dự phòng các tình huống có thể xảy ra để tư vấn cho con cách xử trí như khi xe hỏng, lúc sang đường, đường tắc... và nếu cần giúp đỡ thì làm thế nào, gọi cho ai. Nếu tính con rụt rè, dễ bị bắt nạt, dụ dỗ thì nên cân nhắc thêm về việc này.
- Về lứa tuổi: Nhìn chung, nên đợi khi trẻ khoảng lớp 8-9 mới cho tự đi xe đến trường. Ở lứa tuổi này trẻ đã biết lường trước các nguy hiểm và những tình huống không hay để xử trí.
Theo bà, nếu yên tâm với các vấn đề trên, để trẻ tự đi đến trường là điều rất tốt, giúp các em tự lập, tự tin hơn, rèn khả năng xử trí các tình huống.
Vương Linh