Câu hỏi:
Con em được 6 tháng, bắt đầu thời kỳ ăn dặm. Vì vậy, mẹ chồng luôn thúc mua những loại những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng bổ sung vào chế độ ăn của bé. Đặc biệt, bà bắt em phải cho cháu ăn trứng ngỗng để được thông minh và nhanh nhẹn. Em đã cố gắng cho cháu ăn vài lần nhưng trứng ngỗng đắt, mà bé nhà em lại không thích vị trứng ngỗng bằng trứng gà. Thưa chuyên gia, trứng ngỗng có bổ hơn các loại trứng khác như trứng gà, vịt,… hay không?
Ngoài ra, trẻ bao nhiêu tuổi có thể bắt đầu ăn trứng lộn? Liệu hiện tại em có thể cho con ăn trứng vịt lộn hoặc trứng cút lộn được hay không? Em xin cảm ơn.
Độc giả Ngọc Hoa (Đống Đa-Hà Nội)
Trả lời:
Trứng là một loại thực phẩm bổ dưỡng cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao với tỉ lệ hấp thu chất đạm là 100%. Ngoài ra, lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin, kẽm,… cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ nên ăn loại trứng nào là tốt, với liều lượng ra sao thì rất ít ông bố bà mẹ biết.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế - Viện dinh dưỡng Quốc gia sẽ đưa ra lời tư vấn giúp các ông bố bà mẹ biết đâu là loại trứng cần thiết cho trẻ, liều lượng và cách chế biến sao phù hợp với độ tuổi.
“Trứng gà là tốt nhất”
Thông thường, giá trị dinh dưỡng của trứng gà, trứng vịt và trứng ngỗng không khác nhau. Nhưng, thành phần các vi chất dinh dưỡng trong trứng gà tốt hơn các loại trứng khác. “Hàm lượng kẽm, vitamin A của trứng gà cao hơn so với trứng vịt, trứng ngỗng,…Ngoài ra, trứng gà còn có các vitamin D-một loại vitamin có ít trong thực phẩm. Vì vậy, cho trẻ ăn trứng gà là tốt nhất”, bác sĩ Hưng đưa ra lời khuyên.
Trứng gà chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt cho trẻ
Bên cạnh đó, hàm lượng chất béo và cholesterol trong trứng gà thấp hơn so với trứng vịt, trứng ngỗng nên ít gây đầy bụng, khó tiêu ở trẻ.
“Dùng 1 quả trứng ngỗng trong thực đơn bữa ăn là quá nhiều đối với trẻ nhỏ. Hơn nữa, giá để mua 1 quả trứng ngỗng không phải là rẻ, mùi vị có thể không ngon và hấp dẫn trẻ nhỏ bằng trứng gà. Do vậy, các mẹ hãy bổ sung trứng gà, có nhiều giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ”, bác sĩ Hưng cho hay.
Chế độ ăn dành cho trẻ
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, khi trẻ bắt đầu ăn dặm có thể bổ trứng gà vào thực đơn hàng ngày nhưng với lượng vừa đủ. Tuy nhiên, tùy độ tuổi mà có chế độ ăn khác nhau:
- Trẻ 6-7 tháng tuổi: Chỉ nên ăn ½ lòng đỏ trứng gà/bữa, 2-3 lần/tuần.
- Trẻ 8-12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3 – 4 bữa trong 1 tuần.
- Trẻ 1-2 tuổi trẻ có thể ăn được cả lòng trắng, khoảng 3-4 quả/tuần.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên, có thể cho ăn một quả mỗi ngày.
“Đối với trẻ biếng ăn, bố mẹ có thể cho bé ăn nhiều hơn nữa. Ngoài ra, khi trẻ được hơn 1 tuổi, các mẹ có thể thay đổi các loại trứng để đa dạng khẩu phần ăn như trứng cút lộn và vịt lộn 1 lần/tuần. Nhưng, chỉ nên cho trẻ ăn phần đỏ của trứng”, bác sĩ Hưng cho biết.
Chế biến trứng tùy theo lứa tuổi
Dựa vào từng tháng tuổi lớn của trẻ , các mẹ có thể lựa chọn cách chế biến trứng kết hợp với các loại thực phẩm như rau xanh, củ quả,…
- Trẻ 6-12 tháng: kết hợp bột với lòng đỏ của trứng.
Cách nấu: Nấu chín bột. Sau đó, đập lòng đỏ trứng vào bát đã có rau củ băm nhỏ và đánh đều. Khi nồi bột sôi, đổ hỗn hợp trứng rau vào quấy đều, không nên đun kỹ.
Chế biến trứng kết hợp với các loại thực phẩm như rau xanh, củ quả,…
- Trẻ 1-2 tuổi: Có thể cho trẻ ăn cháo trứng. Cách nấu như với nấu bột trứng. Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên: cho ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán,…ăn kèm với cơm.
Những lưu ý khi cho trẻ ăn trứng đúng cách
- Hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm nên các mẹ tuyệt đối không được cho con ăn trứng sống hoặc đánh tan trong cháo nóng. Bởi, vi khuẩn có thể qua vỏ trứng xâm nhập vào bên trong khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella - yếu tố gây ngộ độc thức ăn.
- Khi rán hoặc ốp la trứng, các mẹ sử dụng lửa vừa để món ăn chín đều và không bị cháy. Khi cháy, lòng trắng trứng sẽ khó hấp thu và tiêu hủy các vitamin tan trong nước như B1, B2.
- Trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa hoặc thận, cần lưu ý sử dụng trứng dựa trên tổng lượng đạm được cho phép.
- Hàm lượng calo trong trứng cao, thường làm tăng thân nhiệt sử dụng. Vì vậy, khi trẻ bị sốt không nên cho trẻ ăn.