Chọn mua quần áo cho hai con gái tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi, Quận 5, TP HCM, chị Hiền cho biết trước kia khi mua đồ chị chỉ để ý đến kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc, thấy vừa mắt là được chứ ít khi để ý đến nhãn hiệu. Dạo gần đây, trước các thông tin về quần áo kém chất lượng, chứa chất độc hại, chị đã để ý đến chất liệu, nhãn hiệu quần áo để lựa chọn. Chị thường chọn mua quần áo được sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có ghi chi tiết thành phần nguyên liệu để yên tâm.
"Mình không ham quần áo in hoa văn, có đính cườm lấp lánh nữa mà chỉ chọn đồ đơn giản, chủ yếu để ý chất liệu thoáng mát, dễ thấm mồ hôi. Những hoa văn, hạt cườm có độc hay không thì chưa nói đến, vấn đề dễ thấy là nhiều lúc bé rứt ra để ngậm, nuốt rất nguy hiểm", chị Hiền chia sẻ.
Chọn quần áo xinh xắn, an toàn cho con là điều mà các bà mẹ quan tâm. Ảnh: Lê Phương |
"Trước đây mua quần áo về, mình vẫn để nguyên phần nhãn mác cho bé mặc nên vùng da gần nơi gắn nhãn hay bị mẩn đỏ, dị ứng, bé khó chịu", chị Thu Nguyên, phó phòng của một hiệp hội tại quận 2, TP HCM cho biết. Vì thế, chị phải cắt bỏ hết phần nhãn mác phía sau cổ hoặc bên hông để con mặc đồ thoải mái hơn, không bị mẩn ngứa, xây xát da.
Ngoài ra chị Nguyên cũng chọn cho con những quần áo có vải mềm mịn, nhẹ nhàng, có độ thoáng tốt, dễ thấm mồ hôi như vải cotton hoặc sợi thiên nhiên. Chị không mua loại quần áo cứng, vải sợi vì mặc vào có thể khiến bé ngứa ngáy, khó chịu. Khi mua những quần áo bằng vải dạ, chị chọn loại có lớp lót phía trong êm ái để bé không bị ngứa.
Một kinh nghiệm nữa của chị Nguyên là chọn quần áo cho con có màu trắng hoặc màu nhạt. Quần áo sặc sỡ thì trẻ con thích, nhìn đáng yêu hơn nhưng chị lo ngại những hóa chất, màu nhuộm ảnh hưởng không tốt đến da của bé. Quần áo bốc mùi nhiều hoặc ghi nhãn lưu ý "phải giặt riêng" chị cũng không chọn mua.
Về vấn đề phẩm nhuộm trong quần áo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho biết, trong công nghiệp, các sản phẩm may mặc, da giày hay các vật liệu có màu sắc thường sử dụng phẩm màu azo. Các phẩm màu này có khả năng chuyển hóa thành những hợp chất thơm, có nồng độ pH cao.
"Khi nhuộm các sản phẩm dệt may, lượng amin thơm được thải ra khá lớn. Nếu khâu xử lý kém thì các hợp chất amin thơm sẽ tồn tại trong sản phẩm sau khi nhuộm. Việc tiếp xúc với các amin thơm thường gây ra triệu chứng đau đầu, thiếu máu, giảm thị lực. Nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ gây ung thư bàng quang, gan, vú, hệ thống tiết niệu", tiến sĩ Mai nhấn mạnh.
Ảnh hưởng thường thấy của quần áo có nồng độ pH cao đối với người mặc là dễ dàng gây kích ứng da, đặc biệt là ở trẻ em. Tiến sĩ Mai khuyến cáo, để giảm thiểu sự tiếp xúc với các amin thơm trong quần áo không được xử lý thuốc nhuộm tốt, không nên mặc đồ mới mua về mà phải đem giặt nhiều lần cho đến khi hết ra màu thuốc nhuộm. Như vậy mới có thể đảm bảo an toàn cho da khi tiếp xúc.
Theo một số quy định trong ngành dệt may, các sản phẩm dành cho trẻ em và sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da cần có độ pH trong khoảng 4 đến 7,5 để đảm bảo không gây kích ứng da hoặc làm giảm khả năng bảo vệ da trước vi khuẩn, virus gây bệnh khi sử dụng.
Lê Phương