Dưới tiết trời hè nóng bức, trẻ nhỏ có thể mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp, thủy đậu, sởi, rôm sảy,… Trong đó, rôm sảy là bệnh trẻ dễ mắc phải. Thông thường, điều trị và phòng tránh rôm sảy không khó nhưng để bệnh nặng, phát triển thành mụn nhọt thì việc điều trị rất phức tạp. Vì vậy, bố mẹ cần nắm rõ kiến thức liên quan tới bệnh lý này.
Sau đây, bác sĩ CK II Phi Nga (Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc) sẽ chỉ ra những triệu chứng, nguyên nhân, hậu quả của bệnh rôm sảy ở trẻ; bố mẹ cần làm gì khi phát hiện trẻ bị rôm sảy và cách điều trị, phòng tránh.
Triệu chứng, nguyên nhân và hậu quả
Rôm sảy là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì các tuyến mồ hôi của trẻ chưa hoàn thiện và thường bị tắc nghẽn, vỡ ra dẫn đến mồ hôi rò rỉ vào mô xung quanh, gây ra phản ủng viêm.
Triệu chứng
Bác sĩ Phi Nga cho biết: “Ở trẻ em, rôm sảy thường mọc thành từng đám và tập trung ở những vùng da có nhiều mồ hôi như sau đầu, cổ, vai, ngực, trán và lưng. Khi mắc rôm sảy, dưới da trẻ thường xuất hiện các mụn nước. Sau đó, nổi mẩn đỏ và gây ngứa cho trẻ. Thậm chí, khi trẻ gãi nhiều , những nốt mẩn đó biến thành mụn mủ và nhọt”.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Nó xảy ra khi thời tiết nắng nóng, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng không thoát được hết và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da trẻ. Trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi hay chất cặn bã bịt kín khiến da trẻ nổi lên nhiều mẩn nhỏ lấm tấm màu hồng.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng làm giãn các mao mạch, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập và gây lên hiện tượng rôm sảy ở trẻ.
Hậu quả
Theo bác sĩ Phi Nga, rôm sảy thường tự khỏi nhưng có thể xảy ra một số biến trứng như:
- Nhiễm trùng da: Các sang thương của rôm sảy có thể bội nhiễm vi trùng tạo ra mụn mủ khiến trẻ đau và ngứa nhiều.
- Rôm sảy sẽ khiến trẻ ngủ không yên giấc.
Cần làm gì khi trẻ mắc rôm sảy
Bác sĩ Phi Nga cho hay, khi phát hiện trẻ có triệu trứng rôm sảy, bố mẹ cần phải:
- Giải nhiệt cho trẻ bằng chế độ ăn uống hợp lý
- “Trẻ mắc rôm sảy cần được uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây như cam, quýt,.. Và các món chè đậu xanh, đậu đỏ ít đường hoặc bột sắn dây chín, uống nước rau má”, bác sĩ Phi Nga khuyến cáo.
Trẻ mắc rôm sảy cần được uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây như cam, quýt,..(ảnh minh họa)
- Thường xuyên lau mồ hôi cho trẻ, mặc quần áo vải có chất liệu cotton mềm, thoáng mát, rộng và nhạt màu.
- Tắm cho trẻ 1 ngày 1 lần. Có thể tắm bằng mướp đắng, lá sài đất, chè xanh hoặc sữa tắm diệt khuẩn. Sau đó, lau khô da của trẻ bằng vải mềm.
- Không dùng phấn rôm bôi lên vùng da của trẻ.
- Quần áo của trẻ phải được giặt sạch và phơi khô, tránh chỗ bụi khói.
- Cắt móng tay để tránh việc trẻ gãi nhiều làm nhiễm khuẩn da.
- “Bố mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám khi bệnh rôm sảy kéo dài hay có dấu hiệu của bội nhiễm như da sưng, nóng, đỏ và đau”, bác sĩ Phi Nga khuyến cáo.
Ngoài ra, mẹ đang trong tình trạng cho con bú cần ăn uống điều độ, tránh ăn đồ nóng và uống nhiều nước.
Cách phòng chứng rôm sảy cho trẻ
- Không nên ủ trẻ quá kĩ hay mặc nhiều quần áo cho trẻ.
- Hạn chế đưa trẻ chạy chơi và ra nắng, năng tắm nước mát và uống đủ nước.
- Không để trẻ gãi làm trầy xước các vết rôm sẩy vì dễ gây nhiễm trùng da.
- Nên chọn các loại quần áo thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt, tạo không gian thoáng mát cho trẻ nghỉ ngơi và vui chơi.
- Luôn giữ cho da trẻ được khô ráo và thoáng mát.