Theo Telegraph, một ông bố người Nhật Bản đã đâm chết cậu con trai 12 tuổi của mình sau khi phát hiện ra đứa con nhỏ không chịu làm bài tập và dẫn đến kết quả thi trượt vào kỳ thi trung học cấp 2. Sự việc gây xôn xao dư luận vừa xảy ra sáng 24/8 này đã khiến nhiều người có cái nhìn khác hẳn về giáo dục Nhật Bản.
Theo quan niệm phương Tây, ngày 1/9 hàng năm là ngày bình thường, hài hòa như mọi ngày trong năm. Thế nhưng, tại Nhật Bản, đây dường như là một ngày “cực xấu”. Bó là ngày mà nhiều trường học của Nhật Bản mở lại sau kỳ nghỉ hè và cũng là ngày khả năng cao trẻ em Nhật Bản có thể tự sát.
Trong một báo cáo nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy trong những năm gần đây có sự gia tăng mạnh mẽ về số vụ tự tử của trẻ dưới 18 tuổi trong hai giai đoạn của năm - vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 và đầu tháng 4. Hai giai đoạn này trùng với thời điểm kết thúc năm học và bắt đầu năm học mới.
Học sinh Nhật Bản ngày càng sợ tới trường. Ảnh minh họa
Để tìm hiểu nguyên nhân của sự trùng khớp này, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện những cuộc khảo sát.
Một nghiên cứu được đăng bởi Văn phòng Nội các Nhật Bản đã kiểm tra hơn 18.000 vụ tự tử ở trẻ vị thành niên từ năm 1972 - 2013 và thấy rằng 131 vụ tự tử xảy ra vào ngày 01/ 09, 32 vụ tự tử khác xảy ra vào các ngày tiếp theo đó.
Những con số rõ ràng cho thấy tỷ lệ tự sát tổng thể của Nhật Bản là cao hơn mức trung bình toàn cầu khoảng 60%, một báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới 2014 ghi nhận. Chỉ tính riêng trong năm 2014, 25.000 người Nhật tự đánh mất cuộc sống của mình - khoảng 70 vụ tự tử mỗi ngày. Năm ngoái, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em Nhật trong độ tuổi từ 10 và 19. Trong số các thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi từ 10-24, có khoảng 4.600 trường hợp tử vong tự sát mỗi năm, và 157.000 trường hợp khác nhập viện do tự chấn thương gây ra.
Theo tờ Japan Times, trường học và tất cả mọi thứ liên quan tới học hành có thể đẩy một số em học sinh đến gần với tình trạng trầm cảm, từ đó có thể dẫn tới mong muốn tự tử. Tình trạng này có thể giảm trong kỳ nghỉ, nhưng lại gia tăng khi chúng sắp phải bước vào năm học mới.
Tờ The Wilson Quarterly phân tích, đối với một số em học sinh hay bị bắt nạt, trở lại trường sau kỳ nghỉ dài có thể là một áp lực tâm lý cực kỳ lớn đối với chúng. Và việc không nhận được sự hỗ trợ từ cha mẹ, thầy cô có thể là nguyên nhân khiến các em chọn con đường tự kết liễu bản thân mình.
Học sinh Nhật Bản thường tìm đến cái chết khi không đáp ứng được nguyện vọng học hành của cha mẹ. Ảnh minh họa
Nanae Munemasa, một nữ sinh thường xuyên trốn học và từng có ý định tìm đến cái chết, cho biết: "Kỳ nghỉ hè giúp chúng tôi được ở nhà khá lâu. Khoảng thời gian đó thực sự là những ngày tuyệt vời nhất đối với các học sinh hay bị ức hiếp. Khi hết hè, mọi người đều phải trở lại giảng đường. Lúc nghĩ đến chuyện lại bị bắt nạt, bạn hoàn toàn có thể nghĩ tự tử là một giải pháp thoát khỏi tình cảnh này".
Một nguyên nhân tiếp theo được đưa ra đó là áp lực học hành. Tại Nhật Bản, ngoài các giờ học trên lớp, cha mẹ thường gửi con cái đến lớp học thêm tư nhân, hoặc "trường luyện thi" - nơi mà các em phải dành nhiều giờ để nghiên cứu và chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học. Mới đây, khi chính phủ Nhật Bản mới đây đề nghị giảm bớt chương trình học cho học sinh đã vướng phải sự phản đối mạnh mẽ từ các bậc cha mẹ.
Áp lực học hành và sự kỳ vọng quá lớn của các bậc cha mẹ chính là “con dao hai lưỡi” đẩy những đứa trẻ đáng thương này tới việc tự kết liễu cuộc đời.
Một trường hợp đáng tiếc nhất mới xảy ra tại Nhật khiến nhiều người ngày càng lo sợ về tình trạng gánh nặng học hành đối với các em học sinh tại đây đó là vụ việc một em học sinh bị chính bố đẻ của mình sát hại. Theo Reuter, nguyên nhân dẫn tới cái chết thương tâm được chính ông bố 48 tuổi khai với cảnh sát rằng ông đã "cãi nhau với con trai vì không chịu học bài". Cậu bé đang chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh vào một trường trung học tư thục danh tiếng, theo đài NHK.
Những năm gần đây, nhiều người còn nghe đến một hội chứng có tên Hikikomori ở Nhật Bản. Hikikomori là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình hoặc tệ hơn, sống tách biệt hoàn toàn với mọi người
Theo Bộ Sức khoẻ, Lao động và Trợ cấp Nhật Bản thì khoảng 1,2 triệu người đã trở thành nạn nhân của dịch bệnh này.
Tất cả những con số đó đều bắt nguồn từ hệ thống giáo dục quá nặng nề. Tại Nhật Bản, ngay từ những năm bắt đầu đến trường (mẫu giáo), trẻ em Nhật Bản đã phải chịu một sức ép rất nặng nề. Để thực hiện tốt kỳ thi dự tuyển vào một trường học tốt nhất tại địa phương, nhiều em đã phải tham gia một lớp học dự bị vào lớp một.
Và bắt đầu từ đó chúng sẽ phải thực hiện tốt các kỳ thi trong một trình độ giáo dục cao từ tiểu học đến đại học và phải thi đỗ vào một trường có uy tín. Để đạt được điều này, trẻ em Nhật Bản phải học 8 tiếng một ngày, và 5,6 ngày /1tuần, học cả vào thứ7.