Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên khi đến một giai đoạn, sữa mẹ không còn đủ dưỡng chất để cung cấp cho con nên việc cho con ăn dặm song song với bú sữa mẹ là vô cùng cần thiết. Chị Lưu (Trung Quốc) hiểu được điều này nên từ khi con được 6 tháng tuổi, chị luôn hướng con ăn dặm bổ sung nhiều hơn là bú mẹ.
Tuy nhiên đến tận 10 tháng tuổi, đứa trẻ vẫn không chịu ăn bất kỳ thực phẩm nào ngoài bú mẹ và sữa bột. Lo sợ con thiếu chất, chị Lưu đã phải quyết tâm cai ti mẹ cho con từ 10 tháng tuổi bằng cách gửi về cho mẹ chồng ở dưới quê một vài tháng.
Ảnh minh họa
Công cuộc cai ti mẹ kể từ đó cũng thành công và chị Lưu lại đón con lên thành phố để sống như bình thường. Tuy nhiên cách đây một thời gian, chị bận bịu phải đi công tác nên gửi con một lần nữa về với bà nội của bé. Trong khoảng thời gian đi công tác, cứ thỉnh thoảng nhớ con thì chị Lưu mở camera giám sát ra xem và cảnh tượng chị nhìn thấy vào một hôm đã khiến người mẹ vô cùng tức giận.
Theo đó, chị phát hiện con chị đang rất thèm được ti nên bà nội thản nhiên cho cháu ngậm ti của bà. Chị Lưu tức giận, ngay hôm sau đã về quê để đón con lên. Người mẹ bày tỏ, việc bà cho cháu ti là điều chị hoàn toàn không đồng ý. Thứ nhất khi chị đã cai ti cho con thành công và đứa trẻ đang quen dần với thức ăn rồi thì việc bà cho cháu ngậm ti lại khiến đứa trẻ dần trở nên "hư" và rất có thể bỏ ăn dặm để đòi ti.
Ảnh minh họa
Thứ hai, trước khi mỗi lần cho con bú sữa mẹ, chị Lưu đều phải lau sạch bầu ngực rồi mới dám cho con ti còn bà nội thì không. Điều này rất mất vệ sinh và có thể gây ảnh hưởng cho hệ tiêu hóa còn non nớt của cháu. Tuy nhiên mẹ chồng chị Lưu lại cho rằng con dâu... làm quá. Vì thực chất ở nông thôn nơi bà sinh sống, chuyện cháu ti bà là hoàn toàn bình thường.
Thực tế theo nhiều bác sĩ, chuyên gia, mặc dù hành vi của bà nội xuất phát từ tấm lòng yêu thương cháu, chiều cháu. Song, hành động của bà lại gây mất cảm tình, thậm chí còn nguy hiểm đến sức khỏe của em bé. Vì thứ nhất, bà cho cháu bú ti là không hợp thuần phong mĩ tục. Thứ hai, bà cũng không biết làm vệ sinh ngực sạch sẽ trước khi áp miệng cháu vào. Trong khi đó, sức đề kháng của trẻ rất yếu nên dễ dàng bị vius hay vi khuẩn xâm nhập và đánh gục.
Ngoài ra lập luận của chị Lưu là hoàn toàn hợp lý. Đứa trẻ đã hoàn toàn cai được ti mẹ bỗng dưng được tiếp xúc với bầu ngực có thể khiến trẻ quay trở về thói quen ti mẹ như trước kia và không chịu hợp tác trong việc ăn các thực phẩm ăn dặm nữa.
Ngoài ra, sau khi các mẹ đã cai sữa cho bé thành công thì cũng cần phải lưu ý cách chăm sóc:
Bổ sung lượng sữa công thức
Một việc quan trọng sau khi trẻ cai sữa, đó là phải bổ sung sữa công thức phù hợp để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Nếu bé trong giai đoạn ăn dặm (từ 6 tháng đến 2 tuổi) thì ngoài việc cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất thì sữa vẫn là nguồn cung cấp quan trọng nhất để bổ sung năng lượng và dinh dưỡng.
Bổ sung dinh dưỡng trong khẩu phần ăn
Hàng ngày, thực đơn của trẻ phải cân đối, đa dạng với nhiều loại thực phẩm dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu chất xơ, tăng cường hệ miễn dịch như: sữa, sữa chua, thịt, cá, trứng, rau củ quả (khoai lang, cà rốt, súp lơ, bí xanh…), trái cây (táo, chuối…)
Các mẹ nên cho trẻ ăn dặm khi bước vào giai đoạn 6 tháng tuổi. Có thể ăn loãng dần dần đến đặc hơn, ăn từ ít đến nhiều hơn và đa dạng các loại thực phẩm.
Theo dõi cân nặng, sự phát triển xương và răng của trẻ
Việc thường xuyên theo dõi cân nặng của con sẽ giúp các mẹ có thể xem xét thêm về chế độ ăn uống và khả năng hấp thụ của bé nếu trẻ chậm tăng cân.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ, các mẹ cần phải lưu ý nấu nhừ, chín kỹ hoặc xay nhuyễn. Vì chức năng tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện nên cách chế biến như vậy sẽ giúp bé không bị hóc, hấp thụ tốt và dễ tiêu hóa.
Không ép trẻ ăn
Không nên bắt ép trẻ ăn nhiều, dễ tạo cho bé có tâm lý sợ ăn, khó chịu, nôn trớ. Nếu muốn giúp bé ăn ngon miệng hơn, có thể cho bé ăn nhiều bữa trong ngày thay đổi thực đơn thường xuyên và chế biến theo khẩu vị của trẻ.