Tôi 40 tuổi, một mình nuôi 2 con nhỏ, một cháu 5 tuổi, một cháu 3 tuổi, vì chồng đã mất. Tôi sợ không điều chỉnh được cái tính bướng bỉnh và lì của con. Bé không có ba rất dễ hư. Tôi mong được tư vấn kinh nghiệm để dạy và uốn nắn hai trẻ từ bây giờ. (Vo Ngoc Thanh Phuong)
Ảnh minh họa: Rferl.org. |
Trả lời
Chào bạn!
Chúng tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh của bạn khi chồng mất sớm, một mình phải nuôi 2 con nhỏ khi ở độ tuổi trung niên.
Cháu nhỏ của bạn đang ở lứa tuổi mà các nhà tâm lý học gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Đây là độ tuổi trẻ đã nhận thức được vị trí của bản thân, muốn khẳng định mình và muốn gây ảnh hưởng của mình lên người khác. Vì vậy trẻ thường tỏ ra rất bướng bỉnh. Chẳng hạn khi bạn yêu cầu trẻ phải làm như thế này trẻ không thực hiện mà làm theo ý mình. Thậm chí trẻ tỏ ra chống đối bất hợp tác và lỳ ra.
Những biểu hiện của sự thay đổi tâm lý ở tuổi lên 3 thực sự làm cho cha mẹ đau đầu, thậm chí gây ra căng thẳng trong gia đình. Trong gia đình có trẻ ở lứa tuổi này thường rất ồn ào, vì nhiều cha mẹ lúc đó không giữ được bình tĩnh đã đánh mắng, la hét trẻ. Khi cha mẹ đánh hay mắng sẽ càng làm cho trẻ tỏ ra lỳ hơn. Có một số phương pháp, kỹ năng giúp dạy trẻ trong độ tuổi này:
Việc đầu tiên bạn cần làm là phải biết kiềm chế cảm xúc của mình khi dạy trẻ, đồng thời phải kiên trì. Nếu không việc giáo dục có thể gây ra tác dụng ngược.
Những việc trẻ thường hay thích tự làm mà cha mẹ không đủ kiên nhẫn để chờ trẻ hoàn thành là: mặc quần áo, tự đi giầy, dép, tự ăn, thu dọn đồ chơi, thích xem TV, đòi đồ chơi, không chịu đánh răng… Đối với các trường hợp này, bạn nên cho trẻ nhiều sự lựa chọn. Trẻ có thể lựa chọn sẽ mặc bộ đồ này hay bộ đồ kia. Hay bạn sẽ đưa ra những lựa chọn công bằng như con sẽ dọn đồ chơi luôn hay mẹ đếm đến 5 rồi con dọn. Thường trẻ sẽ lựa chọn việc mẹ đếm đến 5 rồi mới thu dọn.
Mặc dù cha mẹ thì thấy việc này, hay cái này sẽ tốt cho con nhưng trẻ thì chưa biết được tốt hay xấu, lại muốn thể hiện cái tôi bằng cách làm ngược lại hoặc chống đối. Cho nên, việc chọn lựa có ý nghĩa ở chỗ là trẻ đã được quyết định chọn cái mình thích. Làm được điều này bạn cho trẻ thấy mẹ tôn trọng sự lựa chọn của trẻ, tôn trọng cách suy nghĩ của trẻ.
Một cách khác nữa là bạn hãy làm giảm căng thẳng với trẻ. Thay vì phải năn nỉ, dụ dỗ thì bạn lờ đi trước những yêu cầu không hợp lý của trẻ, hướng trẻ chú ý sang nơi khác. Ví dụ, thay vì đáp ứng yêu cầu đòi mua bằng được món đồ chơi này, bạn lờ đi, hoặc kéo trẻ vào chơi một trò chơi khác như đá bóng chẳng hạn…
Có trường hợp, bạn phải để cho trẻ tự quyết định rồi sau đó sẽ hạ hồi phân tích cho trẻ biết hậu quả của việc lựa chọn đó. Đúng vì sao, sai vì sao. Đối với nhiều trường hợp bạn còn phải cho trẻ biết, khi trẻ quyết định thì phải chịu trách nhiệm về quyết định đó (tất nhiên đó là việc an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe). Như vậy sẽ giúp trẻ nhận thức từ từ rằng cha mẹ đúng khi yêu cầu trẻ làm theo.
Bạn cũng cần lưu ý xem con bạn có vấn đề gì về sức khỏe hay tâm lý như: bị bắt nạt, hay bị la mắng, bị mất đồ chơi… Những cái này tưởng nhỏ nhưng có thể làm trẻ bị sốc, và trẻ cũng khó hợp tác với người lớn hơn, bướng bỉnh hơn.
Với những chia sẻ này, hy vọng bạn sẽ không quá lo lắng và có thêm phương pháp giáo dục trẻ. Mong bạn vững vàng vượt khó khăn khi phải cùng một lúc gánh trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Minh Hoa
Chuyên gia tư vấn - trị liệu tâm lý 1088 TPHCM