Chuyên trang dành cho bà mẹ và trẻ em Pcbaby đã có bài viết lý thú về vấn đề tư duy nghịch hướng ở trẻ nhỏ.
Nhiều bậc phụ huynh có lối mòn suy nghĩ rằng khi nào trẻ gặp vấn đề mới dạy con cách đối mặt và giải quyết. Điều này mang lại thiệt thòi lớn cho trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, bạn nên rèn cho trẻ năng lực tư duy ngược chiều, nghĩa là trẻ có thể suy xét vấn đề từ góc độ tương phản với thực tế. Khả năng tư duy này giúp trẻ phát triển và trưởng thành một cách toàn diện nhất.
1. Tư duy ngược chiều là gì?
Tư duy ngược chiều (hay nghịch hướng) là khả năng thay đổi nhiều góc độ hoàn toàn khác nhau để phân tích và giải quyết vấn đề. Nên biết, tư duy của con người có tính phương hướng, tồn tại sự khác biệt giữa thuận và nghịch. Tư duy thuận là sự suy nghĩ vấn đề theo lối mòn vốn có, còn tư duy nghịch chính là suy nghĩ vấn đề theo cách đi ngược lại với nguyên tắc quen thuộc.
Ảnh: straitstimes. |
2. Tầm quan trọng của tư duy ngược chiều đối với sự phát triển và trưởng thành của trẻ
- Việc rèn luyện cho trẻ có được năng lực tư duy nghịch hướng chủ yếu là giúp trẻ bắt đầu từ lứa tuổi tiểu học sẽ học được cách suy nghĩ vấn đề bằng hai hướng thuận nghịch, đưa ra phán đoán để nâng cao khả năng ứng biến và ý thức sáng tạo về sau.
- Tư duy nghịch hướng khiến trẻ không sống theo lối mòn, có khả năng khám phá những điều mà người khác không thấy được và có những thành tựu đầy bất ngờ.
Giai đoạn 1: Trẻ từ 3 đến 4 tuổi
Tạo cho trẻ vài môi trường vui chơi nhẹ nhàng, thú vị và vui vẻ, giúp trẻ khám phá sở thích và hứng thú của mình, tự tay thao tác.
Trò chơi: Búp bê khóc cười
Mục đích: Trong yêu cầu phản ứng nhanh, phát triển tư duy nghịch hướng và tính trôi chảy.
Phương pháp: Cùng trẻ chơi trò oẳn tù tì, ai thắng phải làm động tác “khóc”, ai thua phải “cười” đồng thời cả hai phải phản ứng thật nhanh. Ai thực hiện ngược lại sẽ tiếp tục là người thua.
Trò chơi: Khẩu lệnh ngược
Mục đích: Theo khẩu lệnh thực hiện động tác ngược lại, giúp trẻ tư duy nghịch hướng nhanh và phản ứng linh hoạt.
Phương pháp: Bạn ra lệnh “đứng” thì trẻ phải ngồi yên; bạn ra lệnh “giơ tay trái” thì trẻ phải giơ tay phải; bạn ra lệnh “đi về trước” thì trẻ phải lùi lại sau… cứ thế tiếp tục trò chơi.
Giai đoạn 2: Trẻ từ 4 đến 5 tuổi
Đây là giai đoạn then chốt để phát triển hoạt động tư duy. Lúc trẻ, trẻ chủ yếu dựa vào hình tượng cụ thể của sự vật và sự liên tưởng của mình để bắt đầu tư duy, khái quát đặc trưng tính chất của mọi thứ mình nhìn thấy và tiếp xúc. Đối với đồ vật quen thuộc, trẻ có thể tư duy logic, trừu tượng, biết phân tích, so sánh và phán đoán. Thời điểm này để rèn tư duy nghịch hướng, chủ yếu là không ngừng làm cho lượng tri thức ở trẻ càng phong phú hơn, phát triển ngôn ngữ ở trẻ.
Trò chơi: Từ phản nghĩa
Mục đích: Tích lũy vốn từ vựng, phát triển khả năng ghi nhớ của tư duy.
Phương pháp: Bạn có thể cùng chơi với trẻ mọi lúc. Căn cứ tình huống thực tế yêu cầu trẻ liệt kê những từ phản nghĩa. Ví dụ trẻ đang cùng bạn phơi quần áo ngoài vườn, bạn có thể nói “mây trắng” và yêu cầu trẻ nói “mây đen”, bạn nói “cây to” thì trẻ nói “cây nhỏ”...
Trò chơi: Tìm mô hình
Mục đích: giúp trẻ dựa vào hình dạng, màu sắc, ký hiệu để liệt kê và phân tích theo hai hướng, phát triển tư duy nghịch hướng về lập thể.
Phương pháp: Bày nhiều mô hình với màu sắc khác nhau trên sàn, ví dụ hình vuông màu đỏ, hình tam giác màu xanh, hình cầu màu vàng… Bạn và trẻ thay nhau đưa ra yêu cầu người kia tìm đúng mô hình mình đọc ra, ai thua sẽ không có được mô hình đó.
Giai đoạn 3: Trẻ từ 5 đến 6 tuổi
Tư duy logic, trừu tượng của trẻ bắt đầu phát triển nhanh và hình thành cơ sở trí lực. Trẻ biết dùng khái niệm, phán đoán, suy lý để tiến hành hoạt động tư duy. Lúc này, chủ yếu bạn nên giúp trẻ nhìn nhận những quan điểm, sự vật sự việc vốn cố định bằng góc độ ngược lại, giúp trẻ biết tùy theo tình huống mà tư duy thuận hay nghịch để có được giải pháp tốt nhất.
Trò chơi: Thời gian kỳ lạ
Mục đích: Trên cơ sở nhận biết giờ, phát triển tư duy nghịch hướng và khả năng phán đoán mạnh mẽ.
Phương pháp: Cho trẻ nhìn vào gương, bạn đứng phía sau cầm chiếc đồng hồ và chỉnh kim giờ, kim phút, yêu cầu trẻ nhìn qua gương nói ra thời gian bạn điều chỉnh.
3. Những yếu tố có thể hỗ trợ khi rèn tư duy nghịch hướng cho trẻ
Khi muốn rèn cho trẻ có được năng lực tư duy nghịch hướng, tuổi tác và mức độ phát triển nhận thức là hai thứ then chốt.
Tiến hành tuần tự: Có thể là theo tuần tự không gian như “trên thành dưới”, “trước thành sau”, "trái thành phải” khi trẻ chơi trò tìm kiếm chú mèo chẳng hạn. Cũng có thể là tuần tự thời gian như “sớm thành muộn”, “nhanh thành chậm” khi trẻ lái ôtô nhựa chẳng hạn.
Nhìn ngoại hình: Sự vật trực quan là thứ hấp dẫn nhất với trẻ. Bạn có thể phát huy những món đồ thấy được, sờ được để khuyến khích trẻ tư duy, chẳng hạn đoán bóng của ai, bề mặt sần sùi này là của vật gì.
Xem đặc điểm: Cùng trẻ quan sát sự vật và tiến hành phân biệt nhiều đặc điểm thuộc tính khác nhau từ chúng.
Minh Thư