Hiện tượng bạo lực học đường ở Việt Nam đang ngày càng diễn ra phổ biến và ở mọi cấp độ. Không chỉ ở các cấp tiểu học, trung học mà hay cả khối mẫu giáo cũng đã xuất hiện tình trạng trẻ bị bạn đánh, cắn, giành đồ chơi…khiến nhiều cha mẹ vô cùng đau đầu.
Một số phụ huynh hả hê chia sẻ trên facebook rằng họ dặn con nếu ai đánh thì…đánh lại, một số phụ huynh lại nhắc nhở bé nên “đi mách cô” nhưng lòng luôn lo lắng, liệu một đứa trẻ hay mách cô có bị bạn bè chê cười là hèn nhát, yếu thế? Nên để con tự giải quyết, hay đứng ra giải quyết cho con? Cách dạy bé ứng xử như thế nào với trường hợp bị bạn đánh mới là thông minh nhất?
Xuất hiện trong buổi chia sẻ “Báo động bất bình đẳng và bạo lực học đường” mới được tổ chức sáng 13/3//2017 vừa qua, TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã có những lời khuyên vô cùng hữu ích cho cha mẹ.
Để con tự giải quyết hay đến trường giải quyết thay con?
Cha mẹ Việt khi biết việc con em mình bị bạo hành, bắt nạt ở lớp thường có xu hướng trực tiếp đến trường gặp giáo viên để xử lý thay con. Tuy nhiên, cách làm này chưa chắc mang lại nhiều hiệu quả, lại khiến trẻ kém đi các kỹ năng giao tiếp, xã hội cần thiết.
Theo TS Khắc Hiếu, cách ứng xử hợp lý nhất của phụ huynh trong hoàn cảnh này, đó là dạy con và hỗ trợ con khéo léo từ xa:
- Khi có va chạm với bạn bè trong lớp, con nên chủ động nói lời xin lỗi. Lời nói hòa nhã của con sẽ thay đổi phản ứng của bạn đối với con.
- Không nên khuyến khích con đánh lại bạn. Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực sẽ chỉ khiến con bị tổn thương cơ thể và đồng thời cùng mắc lỗi giống hệt bạn.
- Con nên chủ động tìm gặp bạn đang bắt nạt mình để lựa chọn nói chuyện thẳng thắn, tìm ra nguyên nhân và hóa giải nó.
- Song song với việc khuyến khích con tự giải quyết mâu thuẫn ở lớp bằng cách đối thoại, cha mẹ nên hỗ trợ con bằng cách khéo léo gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, thông báo về rắc rối cũng như tâm lý hiện tại của trẻ để cô kịp thời có biện pháp xử lý.
Dạy con bị đánh “đi mách cô” có khiến trẻ bị chế nhạo là hèn nhát, yếu đuối
Nếu không thể giải quyết bằng đối thoại với bạn, lời khuyên được TS Khắc Hiếu đưa ra là trẻ nên thông báo ngay việc bị “bạo lực học đường” cho thầy cô và gia đình. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu việc một đứa trẻ cứ bị bạn đánh là chạy đi mách cô có sợ bị bạn bè chế nhạo là hèn nhát, yếu thế, TS Khắc Hiếu cho biết:
“Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu, việc không đánh lại bạn khi bị bắt nạt không đồng nghĩa lời việc nói con nhịn. Trẻ không đánh lại bạn ngay khi bị bắt nạt có thể khiến con có một chút bức xúc nhỏ và nó sẽ nhanh chóng được giải quyết khi cô giáo biết và bạn bị phạt. Nếu trẻ đánh lại, bức xúc không những không thể giải quyết mà hậu quả sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Tương tự, việc chạy đi “mách cô” cũng không có nghĩa là nhu nhược mà con cần hiểu được đây là một cách xử lý mâu thuẫn thông minh. Một đứa trẻ khi bị bạn bắt nạt nhưng biết giải quyết bằng đối thoại, biết đi mách thầy cô sẽ được đánh giá là một đứa trẻ trưởng thành, biết kiềm chế bản thân, có cách cư xử văn minh. Trẻ đánh bạn, bắt nạt bạn mới là người có hình ảnh không tốt trong mắt bạn bè."
TS Khắc Hiếu trả lời các câu hỏi của học sinh về bạo lực học đường.
Quy tắc trao – nhận để biết được con có đang bị bạo hành
Xã hội “Tiên kiếm tiền, hậu dạy con” như hiện nay khiến nhiều cha mẹ hầu như không hề phát hiện được ra con mình đang bị bạo hành, hoặc khi biết thì đã quá muộn. Giải pháp cho tình huống này, TS Khắc Hiếu thẳng thắn cho biết, không cách gì có thể giúp cha mẹ giáo dục con và hiểu con tốt hơn là bằng cách làm bạn với trẻ. “Tiền có thể bớt kiếm đi một chút, thời gian dành cho con sẽ nhiều hơn”.
Một phương pháp giúp cha mẹ làm bạn được với con, khơi gợi và khiến con muốn tâm sự mọi điều với cha mẹ, đó là nhờ quy tắc trao nhận: “Cha mẹ nên lấy một số bí mật của mình và kể với con, khi đó, như một sự đổi chác tin tưởng, thấy cha mẹ chia sẻ bí mật của cha mẹ, trẻ cũng sẽ đáp lại tương tự bằng cách chia sẻ bí mật của trẻ .”, TS Khắc Hiếu mách nước.