Ý nghĩa nguyên sơ của phong tục lì xì Tết là để cầu mong cho người nhận gặp được nhiều may mắn, bình an trong năm mới. Thế nhưng ngày nay, dường như việc trao cho nhau những phong bì đỏ đã bị biến tướng đi, bởi không ít người chỉ quan tâm nhiều hơn đến giá trị vật chất, số tiền nhận được.
Đặc biệt với những ái nữ, quý tử nhà sao Việt nổi tiếng, có gia cảnh giàu có thì việc nhận được số tiền bao nhiêu trong mỗi dịp Tết đến cũng sẽ trở thành tâm điểm chú ý, soi mói của nhiều người. Đơn cử như trong các cái Tết gần đây, con trai Hồ Ngọc Hà và Cường Đôla liên tục bị tung tin đồn về số tiền lì xì "khủng" lên đến hàng trăm triệu đồng.
Subeo bị một trang tin đồn về số tiền lì xì nhận được trong Tết Giáp Thìn năm nay.
Năm ngoái, Cường Đôla và Hồ Ngọc Hà đã lên tiếng đính chính và bày tỏ sự không hài lòng trước việc cậu quý tử Subeo của mình bị một số trang tin đưa thông tin về vấn đề này nhưng chưa được xác minh từ chính người trong cuộc, và điều đó cũng không đúng sự thật.
Tết Giáp Thìn năm nay, con trai Hồ Ngọc Hà và Cường Đôla lại tiếp tục bị đồn đoán vô căn cứ về số tiền lì xì mà cậu nhóc nhận được. Theo đó một trang tin đã câu view, giật tít với nội dung "Buồn: Con trai Cường Đô La ủ rũ vì tiền lì xì năm nay được có 170 triệu, trong khi năm ngoái thì 250 triệu".
Tết năm ngoái, Cường Đôla và Hồ Ngọc Hà đã lên tiếng, bày tỏ sự bức xúc khi con trai bị soi mói, bịa đặt thông tin không đúng sự thật.
Sau khi bài viết được đăng tải đã nhận về rất nhiều bình luận từ đông đảo cộng đồng mạng, vô số những ý kiến, phản ứng trái chiều được đưa ra. Trên thực tế, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến gia đình, và đặc biệt là cậu quý tử của nam đại gia BĐS Cường Đôla và "nữ hoàng giải trí" Hồ Ngọc Hà. Bởi đây hoàn toàn là tin đồn, không phải sự thật được chính người trong cuộc tiết lộ hay công khai trước truyền thông.
Rất nhiều bình luận trái chiều, tương tác "khủng" của cộng đồng mạng sau khi trang tin này đăng tải bài viết nói về số tiền lì xì của con trai Cường Đôla và Hồ Ngọc Hà.
Đối với những tin đồn vô căn cứ, những trang tin đưa các bài viết mang tính chất bịa đặt, công kích làm ảnh hưởng đến người khác, nhất là trẻ nhỏ như thế này cần được lên án, loại bỏ càng sớm càng tốt. Quan trọng là chính những người tham gia mạng xã hội của phải có một cái đầu thật tỉnh táo, để biết đâu là những thông tin hữu ích nên được tiếp thu, và đâu là những thông tin tiêu cực phải loại bỏ.
Trẻ nhỏ, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì như con trai Cường Đô La và Hồ Ngọc Hà thường sẽ rất dễ nhạy cảm, ảnh hưởng tâm lý nếu rơi vào hoàn cảnh là đối tượng bị cộng đồng mạng soi mói, bịa đặt chuyện riêng tư. Không chỉ người trong cuộc chịu tác động xấu, mà ngay cả những trẻ em khi tham gia mạng xã hội cũng sẽ dễ hình thành nhận thức sai lệch về ý nghĩa của phong tục nhận lì xì truyền thống của dân tộc ta vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Vậy trên thực tế, trẻ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong tình huống bị người khác bịa đặt thông tin sai sự thật trên mạng xã hội?
- Tác động tâm lý: Trẻ có thể cảm thấy bối rối, hoang mang và mất lòng tin vào thông tin mà con đọc được trên mạng về mình. Tâm lý trẻ phần lớn sẽ trở nên lo lắng, tự ti và không biết phải đối phó với thông tin sai lệch này như thế nào.
- Ảnh hưởng tới quá trình nhận thức: Mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng xấu đến quá trình nhận thức của trẻ. Thông tin sai lệch có thể tạo ra một hình ảnh không chính xác về bản thân hoặc người khác, khiến trẻ mất đi sự tự tin và nhận thức sai lệch về thế giới xung quanh.
- Tăng nguy cơ bị bắt nạt: Thông tin sai lệch có thể trở thành phương tiện cho các hành vi bắt nạt trực tuyến. Trẻ có thể trở thành đối tượng của những lời phỉ báng, xúc phạm hoặc bịa đặt, xuyên tạc thông tin. Điều này có thể gây tổn thương tâm lý và ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.
- Thiếu kiến thức phản biện: Trẻ còn đang phát triển khả năng phân biệt thông tin đúng và sai. Thông tin sai lệch trên mạng có thể làm cho trẻ khó xác định được sự thật, và đánh giá mọi chuyện một cách khách quan. Điều này gây khó khăn trong việc phát triển khả năng phản biện và tư duy logic của trẻ.
- Ảnh hưởng đến quan hệ xã hội: Thông tin sai lệch có thể tạo ra những hiểu lầm, và xung đột trong các mối quan hệ xã hội của trẻ. Trẻ có thể trở nên thu mình lại, mất lòng tin vào người khác do bị hoang mang, sợ hãi việc bản thân trở thành đối tượng bị soi mói, bịa đặt trên mạng xã hội.
Bố mẹ có thể sử dụng những phương pháp nào để giúp con trẻ đối phó với thông tin sai lệch?
- Trao đổi và thảo luận: Tạo ra một môi trường mở, nơi trẻ có thể chia sẻ những thông tin mà con đọc được trên mạng về mình. Bố mẹ hãy lắng nghe và thảo luận với trẻ để hiểu quan điểm và suy nghĩ của con, sau đó cung cấp cho con các hướng dẫn để xử lý vấn đề này một cách đúng đắn.
- Giáo dục về phản biện: Hướng dẫn trẻ về khả năng phân biệt thông tin đúng và sai, khuyến khích con đặt câu hỏi, kiểm tra nguồn tin và tìm hiểu thêm trước khi tin tưởng vào thông tin nào đó. Dạy trẻ cách áp dụng tư duy logic, và phản biện để đánh giá thông tin một cách khách quan.
- Xác định nguồn tin đáng tin cậy: Hướng dẫn trẻ cách xác định nguồn tin đáng tin cậy trên mạng, chẳng hạn như trang web của các tổ chức tin cậy, nguồn tin có uy tín, hoặc tài liệu chính thống. Giúp trẻ hiểu rõ rằng không phải tất cả thông tin trên mạng đều đáng tin cậy và mang tính chính xác cao.
- Phát triển khả năng đánh giá thông tin đa phương tiện: Hỗ trợ trẻ phát triển khả năng đọc hiểu, xem xét và phân tích các nội dung đa phương tiện, chẳng hạn như hình ảnh, video và âm thanh. Hướng dẫn trẻ nhận biết được sự biến tấu và chỉnh sửa thông tin để tránh bị lừa.
- Thực hành an toàn trực tuyến: Đảm bảo rằng trẻ hiểu về quy tắc cơ bản của an toàn trực tuyến, bao gồm không chia sẻ thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ từ mạng xã hội và không truy cập vào các trang web độc hại. Điều này giúp trẻ tránh được nhiều thông tin sai lệch, và rủi ro trong quá trình tham gia trực tuyến.
- Kiểm soát thời gian trực tuyến: Đặt các quy định về thời gian sử dụng mạng, và giới hạn trẻ tránh việc tiếp xúc với thông tin sai lệch. Tạo ra một môi trường gia đình cân bằng với nhiều hoạt động ngoại khóa, giao tiếp trực tiếp để trẻ có thể tránh bị quá tải thông tin trên mạng.
- Làm gương: Là người lớn, bố mẹ hãy làm gương cho trẻ bằng cách thể hiện việc đánh giá thông tin một cách cẩn thận, tìm hiểu và kiểm tra nguồn tin trước khi tiếp nhận hoặc chia sẻ nó. Hãy truyền đạt tư duy phản biện và khả năng đánh giá thông tin chính xác cho trẻ.
Tất cả những phương pháp trên cần được áp dụng theo độ tuổi và nhận thức của trẻ. Quan trọng nhất là bố mẹ tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ, nơi con luôn cảm thấy tự tin để có thể đối phó với thông tin sai lệch trên mạng một cách hiệu quả.