Gia đình tôi mới vừa chuyển nhà từ thành phố về quê sống, một phần để tiết kiệm chi phí trong thời buổi kinh tế khó khăn, một phần vì tôi đang mang thai đứa con thứ hai nên không khí yên bình ở quê sẽ rất thích hợp cho bà bầu tĩnh dưỡng.
Vì mới chuyển về nên vợ chồng cũng chưa thân thiết với ai trong xóm cả. Thay đổi môi trường mới khiến tôi khá lo lắng cho cô con gái của mình, sợ đứa trẻ khó hoà nhập. Nhưng nào ngờ chỉ mới một tuần mà con gái đã có bạn chơi cùng. May mắn cậu bé nhà hàng xóm sát bên cũng trạc tuổi tiểu học nên cả 2 nhanh chóng kết bạn, làm thân với nhau.
Ảnh minh hoạ.
Ban đầu thằng bé có chút ngại nên chỉ rủ con gái chơi đùa ở trước ngõ nhà, thấy đứa trẻ ngoan ngoãn dễ thương nên tôi đã mở lời mời thằng bé đến nhà chơi, bất kỳ lúc nào nó muốn. Chắc có lẽ vì được phụ huynh cho phép nên thằng bé không còn lo lắng hay sợ hãi nữa, hầu như sau đó ngày nào cu cậu cũng ghé nhà tôi để chơi hoặc làm bài tập với con gái.
Tuy nhiên một khoảng thời gian dài tôi quan sát thấy, đứa trẻ thường tìm cớ ở lại nhà tôi đến tận khuya mà không chịu về. Đôi lần tôi có nhắc cậu bé lo về nhà sớm kẻo bố mẹ trông, nhưng dường như lúc nào đứa trẻ cũng cố tình lơ đi, không quan tâm đến lời nói của tôi.
Tôi thì chỉ nghĩ đơn giản là cu cậu còn bé nên ham chơi, tuy nhiên ngày nào 2 đứa nhóc cũng líu lo đến tận đêm muộn khiến tôi đau hết cả đầu. Tôi đang còn là bà bầu nên khá nhạy cảm, dễ cáu giận, cần một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Thế là một lần tôi nhắc các con ai về nhà nấy, không chơi đùa nữa. Con gái hiểu ý, sợ mẹ sẽ tức giận nên cũng bảo cậu bạn đi về. Tuy nhiên đứa trẻ vẫn cứng đầu không thoả hiệp, thậm chí thằng bé còn nói một câu khiến tôi giật mình ngơ ngác.
- Cô ơi, hôm nay con muốn được ở lại ngủ với bạn Sóc có được không ạ!
- Không được, con phải về nhà ngủ với bố mẹ chứ! Bố mẹ sẽ lo lắng lắm đấy! Cô biết con là một đứa trẻ ngoan nên con hãy nghe lời cô và đi về đi, ngày mai con có thể tiếp tục qua chơi với Sóc.
Ảnh minh hoạ.
Không nhận được sự đồng ý của tôi, thằng bé cúi gằm mặt xuống, nước mắt bắt đầu chảy dài, van nài với giọng vô cùng đáng thương.
- Con không muốn về nhà, bố thì suốt ngày nhậu nhẹt, còn mẹ cũng đi mãi ít khi ở nhà, không ai chơi với con cả, không ai quan tâm đến con. Con nghĩ bố mẹ không thích con đâu ạ!
Tự nhiên nghe đứa nhỏ nói ra những lời này, là một người mẹ, tim tôi đau thắt lại. Không biết cậu bé đã trải qua những gì mà có thể có những suy nghĩ như thế. Nhìn gương mặt buồn bã, tủi thân của thằng bé, tôi thực sự không kiềm lòng.
- Con trai à, cô xin lỗi vì đã nặng lời với con. Cô cũng không biết con đã có những trải nghiệm buồn như thế. Con có thể ở lại đây, nhưng cô sẽ đưa con về nhà xin phép bố mẹ có được không? Dù sao đi nữa họ vẫn là bố mẹ của con, con cần phải thể hiện sự tôn trọng của mình.
Dứt lời, tôi vỗ về an ủi đứa nhỏ rồi đưa thằng bé về nhà. Tôi không biết phải làm gì trong trường hợp này, tôi thương thằng bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện, thế nhưng tôi cũng biết là việc của gia đình người khác mình không có quyền được can thiệp. Tôi phải làm như thế nào để giúp thằng bé đây, nếu các mẹ cũng ở trong hoàn cảnh như tôi, mọi người sẽ làm gì?
Tâm sự từ độc giả anhthupham...@gmail.com
Gia đình là môi trường đầu tiên, quan trọng nhất mà trẻ tiếp xúc và trải nghiệm. Nó có vai trò quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách, tâm lý, cũng như kỹ năng xã hội của trẻ. Gia đình hạnh phúc nuôi dưỡng những đứa trẻ hạnh phúc, gia đình bất hạnh nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh, đó là quy luật bất di bất dịch của cuộc sống.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều có quyền hạnh phúc và có một gia đình ấm áp, yêu thương. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng biết cách làm bố, làm mẹ, biết nuôi dạy con đúng cách. Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ trưởng thành trong gia đình bố mẹ độc hại sẽ có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, so với những đứa trẻ trưởng thành trong gia đình bố mẹ tích cực.
Ảnh minh hoạ
Gia đình bố mẹ độc hại thường có những tình huống căng thẳng, xung đột gia đình, bạo lực, thiếu sự quan tâm và chăm sóc, hoặc lạm dụng tình dục, tinh thần. Những tác động tiêu cực này có thể gây ra những hệ quả đáng kể đến sự phát triển của trẻ.
Trẻ có thể hình thành trạng thái căng thẳng, lo lắng, tự ti, và khó khăn trong việc xây dựng lòng tự tin hay hòa nhập với xã hội. Trẻ còn có thể phát triển các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoặc rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, môi trường gia đình độc hại cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ, gây khó khăn trong việc tập trung, tự điều chỉnh hành vi, nhận thức đối với các vấn đề liên quan đến học hành.
Ngược lại, một gia đình bố mẹ tích cực sẽ tạo ra một môi trường ủng hộ và an toàn cho trẻ. Trẻ được nhận tình yêu thương, sự quan tâm và hỗ trợ từ bố mẹ, từ đó hình thành một cảm giác an toàn, tự tin và hạnh phúc.
Trong gia đình tích cực, trẻ có thể khám phá và phát triển khả năng sáng tạo, tư duy độc lập và khả năng giải quyết vấn đề. Trẻ được khuyến khích thể hiện cảm xúc, tìm hiểu kiến thức mới và xây dựng mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Tất cả những ưu điểm này đều là cơ hội, lợi thế lớn mà đứa trẻ được nuôi dạy trong gia đình bố mẹ tích cực có được trên hành trình phát triển. Nhờ vậy mà tương lai, trẻ dễ thành công và trở thành người hạnh phúc. Thay vào đó, đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ độc hại thì không may mắn được như vậy.