Vợ chồng tôi năm nay đều mới 31 tuổi, còn trẻ và kinh tế cũng dư dả, mới có 1 cậu con trai 5 tuổi. Vì sợ để lâu dài lỡ dở chuyện con cái nên chúng tôi cũng có ý định sẽ sinh thêm một bé nữa trong năm sau. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, chúng tôi đã bắt đầu sửa sang lại nhà cửa, sửa lại phòng ngủ gia đình để dụ cậu con trai 5 tuổi sang phòng kia để ngủ riêng.
Vì thực ra đến tuổi này bạn bè của nó cũng ngủ riêng phòng riêng giường với bố mẹ hết rồi, cô giáo ở lớp cũng khuyên vợ chồng tôi thế vì như thế sẽ tốt cho sự phát triển của con hơn. Tuy nhiên vì thằng bé từ nhỏ chỉ có bố mẹ, bám bố mẹ quá nên kế hoạch cho con ngủ riêng mãi không thực hiện được.
Ảnh minh họa
Bất đắc dĩ chúng tôi đành phải để con tiếp tục ngủ chung phòng với bố mẹ như trước kia. Thế nhưng một tình huống xảy ra cách đây ít hôm đã khiến tôi ngượng chín mặt và quyết định nghiêm khắc trong việc cho con ra ngủ riêng phòng.
Vào bữa trưa hôm đó khi đang ăn cơm, có mặt cả hai vợ chồng tôi và có mặt cả bố mẹ chồng sang chơi, khi bị bố mẹ cằn nhằn chuyện mải chơi không lo học hành, cậu con trai tôi mặt phụng phịu không chịu ăn cơm mà cứ ngồi thừ mặt ra. Thấy cháu nội như thế, mẹ chồng tôi mới trách ngược vợ chồng tôi:
- Các con hay thật, cứ đến bữa ăn cơm thì lại nói nặng nói nhẹ với thằng bé. Thế thì sao nó ăn cơm ngon được. Tốt hơn hết là không nên dùng những từ ngữ sát thương với đứa nhỏ, thương lắm.
Lúc này thằng bé mới quay sang hỏi bà nội:
- Từ ngữ sát thương là gì hả bà?
- Ý là những lời nói vô tình nhưng lại như vết dao cứa vào cơ thể người khác, gây bị thương, bị đau đó cháu.
- Thế "thằng mặt lợn" thì có nghĩa là gì hả bà?
Cả nhà đứng hình với câu hỏi của thằng bé, riêng vợ chồng tôi thì sửng sốt hơn vì cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Ảnh minh họa
Lúc này mẹ chồng tôi mới ngơ ngác hỏi cháu:
- Thằng mặt lợn là sao, sao cháu lại hỏi thế, ai gọi cháu là thằng mặt lợn sao?
- Chính bố cháu đó ạ. Bình thường thì cứ gọi cháu là con trai yêu, con trai cưng ơi nhưng đêm qua nhân lúc cháu ngủ, bố mẹ cháu còn thức đã gọi cháu thế.
Và rồi nó đã đứng lên để diễn tả cho cả nhà nghe:
- Mẹ cháu bảo "nhẹ thôi không con nó biết" xong bố cháu bảo "Thằng mặt lợn đó ngủ say lắm rồi, không biết đâu".
Ôi nghe xong tôi xấu hổ vô cùng chui vào nhà vệ sinh vì không biết nói gì nữa. Thì ra đêm qua vợ chồng tôi có âu yếm nhau một chút và bị thằng bé nghe thấy tất cả.
Sau hôm đó tôi đã trách chồng tôi vì không quyết đoán trong việc cho nó ra ngủ riêng để có những tình huống oái oăm như vậy. Đó là còn chưa nói đến việc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc cũng sự trưởng thành của nó. Sau hôm đó, chúng tôi quyết tâm cho con ra ngủ phòng khác bằng mọi cách.
Tâm sự từ độc giả tochau...
Dù yêu con và muốn chăm sóc con từng li từng tí thì cũng đến lúc, các mẹ phải cho con ra phòng riêng. Nhưng làm thế nào để các bé chịu ngủ một mình khi đã quen được ôm ấp và gần mẹ?
Trẻ con đều sẽ phải ngủ riêng để phát triển sự tự tin, tự chủ. Nhưng nếu tách trẻ sớm quá sẽ gây ra sự tổn hại trong sự phát triển của não bộ, dẫn đến hành vi xấu khi trẻ lớn lên. Các nhà nghiên cứu cho rằng, 3 – 4 tuổi là thời gian thích hợp nhất để bắt đầu cho bé ngủ trong phòng riêng. Tuy nhiên, không có mấy bé “cứ thế nghe lời” bao giờ, các mẹ cũng phải “dụng công” khá nhiều để dạy con ngủ một mình.
“Căn phòng này là của con”
Đầu tiên, khi có ý định cho con “ra riêng”, cha mẹ nên hỏi ý kiến con thích loại giường như thế nào, loại sách mà con muốn bạn đọc cho nghe trước khi đi ngủ. Chú ý chọn cho bé giường thật thoải mái; chăn, nệm, gối với các màu tươi sáng nhưng nhẹ nhàng. Ngoài ra, các mẹ nên cho bé cùng tham gia trang trí căn phòng để bé thấy và ý thức nó là “của mình”.
Phòng của bé không được sáng quá, không tối quá, không được có tiếng ồn của ti vi, máy tính…. Âm thanh, ánh sáng không phù hợp khiến cho bé khó ngủ và dễ giật mình. Tuy nhiên, một chút nhạc nhẹ nhàng và đèn ngủ vừa phải lại cần thiết và hữu dụng. Các mẹ nên để bình nước gần giường vì có nhiều bé thường khát lúc đêm. Tóm lại, căn phòng ấy phải thuận tiện và khiến bé thấy thoải mái.
Tạo lập những thói quen khi ngủ cho con
Nhưng không nên ngay lập tức cho con sang phòng khác mà cha mẹ nên kê giường của con ở gần giường mình để con tập quen dần với chiếc giường và việc ngủ một mình. Trong thời gian đó, mẹ chịu khó cùng con đi chọn thú bông thật xinh xắn đáng yêu, cho con bế ẵm và ngủ cùng. “Em” thú bông này sẽ là nhân vật quan trọng, khiến bé cảm thấy an toàn, yên tâm khi “ra riêng”.
Những thói quen trước khi đi ngủ như đánh răng, rửa mặt, thay đồ ngủ, chải đầu, đọc truyện cho con vào một giờ và theo tuần tự nhất định là cần thiết. Việc này khiến các bé được chuẩn bị tâm lý trước và góp phần hạn chế sự xuất hiện ác mộng khi bé ngủ.
Cho con cảm giác an toàn khi ngủ một mình
Nhiều mẹ hay nằm cạnh, vỗ về, vuốt tóc cho đến khi bé ngủ say mới quay về giường của mình. Hành động này vô tình khiến con phụ thuộc nhiều vào mẹ khi ngủ. Hãy rời xa con khi bé còn thức. Cha mẹ cũng có thể chuyển giường của con xa dần giường của mình để giảm sự phụ thuộc.
Không có bố mẹ ở bên, bé thường tưởng tượng ra khủng long, ông kẹ hay ác quỷ lởn vởn khiến cho bé bị hoảng sợ và có thể không ngủ được. (Đây là lý do vì sao mình khuyên các mẹ đừng bao giờ dọa con kiểu: nín khóc đi, không ông kẹ bắt giờ.) Khi ấy, trấn an con mình bằng những vật thân thiết như thú bông, chăn hay bể cá vàng gần giường. Tóm lại, cho con thấy là bé không hề đơn độc và nếu có gì đó làm hại bé, mẹ sẽ có mặt ngay.
Các mẹ phải “cương” lên
Việc bé đang đêm quay lại phòng mẹ là điều bình thường trong giai đoạn đầu, khi đó, hãy dẫn bé về phòng của bé, không nói nhiều, chỉ đơn giản nhắc lại: “Đáng lẽ con phải ngủ rồi chứ.” Điều quan trọng là phải cứng rắn mỗi lần đưa con quay trở lại giường, nếu bạn nhân nhượng, thì việc cho con “ra riêng” sẽ ngày càng trở nên khó khăn.
Hãy “ngó lơ” những hành vi không mong muốn như khóc lóc của con, ở bên con một chút để bé yên tâm nhưng nhất quyết không ngủ cùng bé nữa. Sau một đêm bé ngủ ngoan, hãy để con tự chọn quần áo hay món ăn yêu thích vào sáng hôm sau. Cổ vũ và nói cho chúng biết bạn tự hào như thế nào khi chúng tự ngủ được một mình. Điều này giúp bé nâng cao tinh thần “hợp tác” hơn.