Tôi có một cô bạn sang Anh sinh sống đến nay đã hơn 10 năm. Một lần đi công tác, tôi có dịp đến ở nhờ nhà bạn 4 ngày 3 đêm, khi đó con gái của bạn 9 tuổi. Không muốn cho con gái bị mất gốc, gia đình bạn tôi chủ trương dùng hoàn toàn tiếng Việt ở nhà. Vì thế, con gái bạn tôi nói sõi cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Để ‘kết giao’ với cô bé này, ngay tối đầu tiên khi đang uống trà ăn bánh ngọt, tôi chủ động hỏi chuyện trường lớp của cô bé bằng tiếng Anh. Cô bé trả lời tôi bằng một phong thái rất tự tin và lưu loát cũng bằng thứ tiếng này. Nhưng thật lạ, khi cô bé vừa trả lời xong thì bố cô bé (chồng bạn tôi) hắng giọng nhắc: “Hãy nói tiếng Việt, con yêu!”. Tôi thoáng chút bối rối, quay nhìn chồng của bạn thì đã nghe tiếng cô bé nói:
“But why do I have to speak Vietnamese? She speaks & understands Enlish very well. (Nhưng tại sao con phải nói tiếng Việt? Cô ấy nói và hiểu tiếng Anh rất tốt – Cô ấy ở đây là tôi).
“Vì chúng ta đã có 'luật' là phải nói tiếng Việt ở nhà”, ông bố hơi cao giọng và nhấn mạnh chữ 'luật'.
“Of course, I remember. But I am more comfortable with English. I am an England citizen anyway” (Tất nhiên là con nhớ. Nhưng con cảm thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Anh. Dù thế nào con cũng là một công dân Anh).
“Con đừng có cãi nữa. Chúng ta chấm dứt tranh luận ở đây”, chồng bạn tôi trừng mắt.
Thấy thái độ gắt gỏng của bố, cô bé không cãi nữa và chuyển qua nũng nịu: “Bố ơi, con vẫn thực hành tiếng Việt hàng ngày với mẹ và bà mà. Nhưng cô nói tiếng Anh thì con phải đáp tiếng Anh chứ”. Nghe cô bé nói, ông bố giãn dần cơ mặt, củng tay vào trán cô bé: “Là do cô chưa biết luật nhà ta. Lần sau bố nhắc cấm cãi nghe chưa?” – “Bố nói đúng, con sẽ không cãi!”, cô bé phụng phịu.
Để ‘lập lại hòa bình’ giữa 2 bố con, tôi ngậm ngùi đứng ra nhận lỗi: “Là do em muốn nói tiếng Anh với cháu. I need more practice (Em muốn thực hành thêm)”. Nghe thế, chồng bạn tôi xua xua tay: "Trẻ con ở Anh nói riêng và ở các nước phát triển nói chung, không phải bảo gì cũng gật đầu răm rắp. Muốn chúng nghe lời thì chính mình phải có lý và không áp đặt. Nhưng do tính bảo thủ cố hữu của người Việt còn trong máu nên anh mới quát con bé. Chứ nó biết bảo vệ quan điểm của mình thế, anh thấy rất mừng!"
Đừng vì con có quan điểm trái ngược với ý của cha mẹ mà phạt con (Ảnh minh họa).
Tôi có kể trải nghiệm thú vị trên cho một số người bạn ở Việt Nam (đều là những bà mẹ trẻ) nghe và hỏi sẽ làm gì khi rơi vào trường hợp đó... thì phần đa đều lắc đầu, nói rằng con họ mà dám cãi lại thế thì chắc chắn sẽ bị ăn đòn. Mới thấy trẻ con Việt nam ngoan thật! Người lớn nói gì là nghe và làm theo ngay, không dám đưa ra quan điểm hay bảo vệ chứng kiến của mình.
Nhưng tại sao ngoan thế mà vẫn có những vụ nữ sinh lột áo đánh nhau giữa đường, hay quay clip 'thác loạn' bị phanh phui. Liệu có phải tại bị người lớn ép nghe lời từ trong trứng nên mới sinh ra như vậy? Nếu đúng, tôi thà chấp nhận để con cãi lại khi mình chưa đúng... còn hơn cứ để con nghe lời trước mặt mà sau lưng lẳng lặng làm trò hư đốn thì thật nguy hiểm.
Một đứa trẻ chỉ biết 'dạ dạ, vâng vâng' luôn luôn làm theo yêu cầu của cha mẹ, bất kể đúng-sai liệu có thành tài?
Thiết nghĩ việc trang bị thói quen, trí thức và văn hóa 'cãi' - phản biện trước những gì mà đứa trẻ thấy không giống như chúng nghĩ, không giống như chúng ước mơ... để có một cách nghĩ khác, cách làm khác tốt hơn mới là cha mẹ khôn ngoan. Hãy bỏ đi cách giáo dục độc đoán đòi hỏi sự vâng phục tuyệt đối và thay thế bằng những phương pháp mới đặt căn bản trên nguyên tắc tự do và trách nhiệm. Như thế, con trẻ của chúng ta sẽ không còn bị ép buộc phải tuân phục, nhưng chúng sẽ được khuyến khích tự nguyện tuân giữ kỷ luật trong tinh thần trách nhiệm.