Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ như không nói lời nào, lặp lại lời nói, đảo ngược câu, nói không đúng ngữ cảnh, không tiếp xúc mắt, gọi không quay lại, không biểu lộ tình cảm, không tự khởi xướng lời nói, thường có biểu hiện rập khuôn, xoay vòng, nhón gót, nhìn cận, bịt tai, chơi một mình…
Trẻ tự kỷ cần được hỗ trợ, tập luyện nhiều về ngôn ngữ, giao tiếp. Ảnh: Lê Phương. |
Theo chuyên viên âm ngữ Nguyễn Thị Hòa, để giúp trẻ có thể giao tiếp, phụ huynh cần kiên trì luyện tập:
- Học cách nghe
Sử dụng phòng yên tĩnh, giảm các tác động môi trường.
Dùng các dấu hiệu gia tăng sự chú ý của trẻ như chạm vào tai để nghe, chạm vào má để nhìn.
Sử dụng tên trẻ để mở đầu, ví dụ "An nghe nào".
Cho trẻ nghe các âm thanh, cường độ khác nhau.
Dùng âm nhạc và các tác động để tương tác với trẻ.
Giúp trẻ ngồi yên, nghe, nhìn trong khoảng thời gian ngắn có thể bằng cách sử dụng đồ chơi, trò chơi trẻ thích.
Sử dụng băng đĩa nhạc kích thích âm thanh nơi trẻ.
Cho trẻ nghe tiếng kêu các con vật, khuyến khích trẻ bắt chước.
- Nhìn mặt đối mặt
Ngồi ngang tầm.
Đồ chơi có màu sắc hấp dẫn, hoặc chơi thổi bóng kích thích trẻ nhìn, sờ.
Tạo sự khác biệt cho trẻ chú ý như đội mũ chú hề, mỉm cười với trẻ khi trẻ nhìn.
Chơi ú òa, chơi đuổi bắt khuyến khích trẻ nhìn.
Cần vỗ nhẹ vào trẻ để thu hút sự chú ý của trẻ.
Nếu trẻ đang nhìn vật gì đó ta đưa ngang tầm trẻ để thu hút trẻ nhìn.
- Thu hút sự chú ý
Hãy làm cho trẻ thích thú và hưởng ứng sự thích thú của trẻ.
Chỉ cho trẻ những vật đặc biệt, nói về những gì bạn đang nói tới.
Giúp trẻ hiểu cử chỉ, hành động.
Hãy chia sẻ với trẻ. Khi trẻ có món đồ chơi muốn khoe với bạn thì cầm lấy đồ vật đó và nói: “Ồ, máy bay đẹp quá” trước khi trả lại trẻ.
- Bắt chước tạo ra các âm thanh
Hãy sử dụng đồ chơi phát ra âm thanh hoặc ta có thể tạo ra âm được để chơi với trẻ, khuyến khích trẻ bắt chước thốt ra âm thanh.
Tập vận động môi bằng các trò chơi như phun mưa, xe chạy.
Để khuyến khích trẻ sử dụng giọng nói, hãy sử dụng các trò chơi hành động, âm thanh như con vẹt biết nói.
Hãy hát thường xuyên, có dừng lại chờ trẻ đệm từ vào.
Hãy sử dụng giọng nói linh hoạt: cao thấp, mạnh mẽ, êm ái, kích thích trẻ.
- Thể hiện bằng mọi cách
Bắt đầu trò chơi với tính chất lời nói thân thiện và nụ cười.
Biểu hiện vui thích hay giận của bạn phù hợp giọng nói.
Cùng nhìn vào sách tranh.
Cùng nhìn vào gương.
Mọi lúc mọi nơi.
- Hiểu ngôn ngữ
Ghi nhận những tình huống nào trẻ có phản ứng được khi nghe nói, ví dụ “mẹ về”, trẻ quay đầu lại thì lần sau hãy nói như vậy.
Trò chơi có lời.
Hát có động tác minh họa.
Cung cấp từ đúng tình huống, lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Sử dụng từ ngữ nhiều hơn
Khi trẻ gọi tên đồ vật hãy phản ứng như trẻ đang nói với bạn, ví dụ trẻ nói “bay”, bạn nói “đúng máy bay màu đỏ”.
Chơi trò đưa - lấy.
Tập xin - cho.
Khuyến khích trẻ nói từ thay vì dấu hiệu.
Bắt đầu nói với một số hành động quen thuộc.
- Dạy các từ có ý nghĩa gắn với tình huống
Bắt đầu từ những gì trẻ quan tâm.
Tận dụng những tình huống trong ngày.
Lặp lại từ đúng khi trẻ chưa nói đúng.
Nói “không” khi không muốn.
Biết cách yêu cầu và đặt câu hỏi.
- Sử dụng nhiều hơn một từ
Cùng chung phản ứng với trẻ. Trẻ nói “nước”, bạn nói “uống nước”.
Khuyến khích trẻ nói.
Các từ chỉ hành động.
- Thêm công cụ hỗ trợ kèm lời nói
Sử dụng hệ thống giao tiếp bằng hình ảnh kèm chữ viết PECS.
Học từ, câu.
Thời khóa biểu.
Câu chuyện xã hội.
Tăng cường sử dụng hệ thống giao tiếp bằng hình ảnh.
Lê Phương