Tôi 30 tuổi, hiện vẫn còn là gái độc thân. Cách đây 2 năm tình cờ trong một dịp gặp gỡ đối tác của công ty tôi bắt đầu quen anh, người đàn ông hơn tổi 40 tuổi, đã 1 lần đò. Trước giờ quan niệm của tôi vẫn là không lấy người đã từng có gia đình lại hơn quá nhiều tuổi như vậy. Do đó tôi cũng không để ý đến anh nhiều.
Tuy nhiên anh lại chính là người để mắt đến tôi và chủ động kết bạn, làm quen với tôi sau buổi gặp gỡ. Nói về anh thì anh hơn tôi mọi mặt, có điều kiện kinh tế, đã có nhà, có xe, có đất và bố mẹ anh cũng là người kinh tế cơ bản. Rào cản lớn nhất của anh chỉ là đã từng có gia đình và hiện có cô con gái đã 6 tuổi. Thực ra cũng có nhiều cô gái "nguyện chết" vì anh nhưng anh không muốn tiến tới còn anh gọi tôi là "tình yêu sét đánh".
Ảnh minh họa
Chúng tôi quen nhau được vài tháng thì nhận lời yêu, anh về nhà tôi ra mắt gia đình trước và được sự chấp thuận của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi quan niệm miễn là tôi hạnh phúc thì ông bà cũng đồng ý và ngược lại khi về ra mắt gia đình anh, tôi cũng được bố mẹ anh đồng ý vì tôi là người đầu tiên anh dẫn về ra mắt sau biến cố hôn nhân của anh với người vợ cũ. Thấy con trai muốn có hạnh phúc mới, ông bà vui mừng ra mặt và cũng đồng ý, muốn xúc tiến hôn sự. Điều khiến anh lăn tăn nhất chính là cô con gái 6 tuổi của anh.
Anh và vợ cũ có 1 cô con gái, cả hai đã từng sống hạnh phúc nhiều năm sau đó mới sinh con gái. Tuy nhiên ngày con gái chào đời cũng chính là ngày mà vợ anh qua đời. Chị bị mất máu quá nhiều. Suốt khoảng thời gian đó anh sống một mình chăm sóc cho con dưới sự hỗ trợ của bố mẹ đẻ. Anh nói, đứa trẻ khá trầm tính, dù chưa từng được gặp mẹ một lần nào nhưng nó cũng không có nhu cầu có mẹ và rất ghét có mẹ. Dù anh đã nhiều lần dạm trước với con về chuyện sẽ có mẹ trong gia đình như nó luôn phản đối điều đó. Những điều anh kể khiến tôi lại càng tò mò về cô bé hơn và cũng rất thương bé. Tôi nói anh hãy cho tôi thời gian để làm quen và tiếp xúc dần với bé, chỉ khi nhận được sự đồng ý của bé tôi mới tự tin bước vào cuộc sống của gia đình anh.
Ngày đầu tôi gặp cô bé là ở tại nhà anh, anh dẫn tôi về cùng nhau chuẩn bị bữa tối là những món ăn mà bé thích. Cô bé đi học về cúi đầu chào rất ngoan nhưng sau đó khi được bố và ông bà nội giới thiệu tôi là bạn gái của bố, đứa trẻ đã không nói gì và bỏ lên phòng. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi cũng khá sốc và buồn, tôi nói với người yêu:
- Con bé không cười với em, thậm chí còn không nói với em một lời nào khiến em rất buồn.
- À quên mất, anh quên không nói với em điều quan trọng là con bé không thể nói, từ lúc sinh ra đến giờ con bé đã không thể nói. Bác sĩ nói đó là bẩm sinh và anh cũng chạy chữa cho con rất nhiều nhưng không thể làm gì.
Ảnh minh họa
Lời anh nói lại càng khiến tôi thương con hơn tuy nhiên nhiều ý tưởng lóe lên trong đầu tôi về cách tiếp cận con bé.
Sau đó tôi đã dùng nhiều cách để đến gần con bé hơn, tôi học một vài kí hiệu để nói chuyện với bé nhưng cũng nhiều lần hơi bẽ mặt khi cô bé ra kí hiệu lại "Cô làm kí hiệu sai rồi". Thế nhưng đó cũng là một tín hiệu mừng đó chứ.
Tôi bắt đầu đến nhà anh nhiều hơn để nấu những món bé thích, đón bé tan học hay cùng bé đi chơi công viên. Ban đầu cô bé không hợp tác nhưng sau nhờ sự hỗ trợ của người yêu và bố mẹ người yêu, cô bé đã đồng ý nhận sự giúp đỡ từ tôi.
Trong một lần đang giúp cô bé học bài, đứa trẻ bất ngờ quay ra nói chuyện với tôi bằng ký hiệu:
- Cô có thực sự yêu bố cháu không.
- Cô rất yêu bố cháu và cô yêu cả cháu nữa.
- Nhưng cháu sẽ không cho cô trở thành mẹ cháu đâu. Cháu có mẹ rồi, mẹ cháu sẽ trở về.
- Ồ vậy ư, thế cháu có biết mẹ giờ đang ở đâu không?
- Mẹ cháu đang ở trên kia (con bé chỉ lên bầu trời), các bạn học cháu đều nói sẽ có một ngày mẹ cháu trở về.
Ảnh minh họa
Sau khi nói chuyện lại với người yêu, anh thừa nhận vì lo sợ con gái quá đau buồn và mang nỗi ám ảnh vì sinh mình nên mẹ mới qua đời, anh chưa bao giờ dám thú nhận với con về cái chết của vợ. Có lẽ vì thế mà con bé luôn nghĩ rằng sẽ có một ngày mẹ quay trở về và nó không đồng ý cho bất kì ai bước vào ngôi nhà này để làm mẹ của nó. Lúc này tôi mới nói với anh:
- Những điều anh đang làm không phải là tốt cho con mà là đang khiến con mãi chìm đắm vào những điều không đúng sự thật. Rồi một ngày nếu con hiểu ra được điều đó mà không phải do anh tiết lộ, đứa trẻ sẽ rất thất vọng về anh. Chưa nói đến, đó cũng là rào cản khiến em không thể bước tới gần bố con anh hơn.
Và không biết anh đã nói những điều gì với con bé mà vào một buổi tối khác, khi đang đứng nấu ăn trong bếp, cô bé đã tiến lại gần tôi và nhét vào tay tôi một mẩu giấy ghi dòng chữ:
- Cô làm mẹ của cháu nhé!
Tôi đã bật khóc khi sự chờ đợi và cố gắng của mình không còn là vô ích. Con bé chủ động ôm tôi và cười, từ giây phút đó, tôi cũng tự hứa với lòng mình sẽ yêu thương con nhiều hơn.
Tâm sự từ độc giả tonhuchau...
Sự mất mát trong cuộc sống là một trong những trải nghiệm đau khổ, và khó khăn nhất. Đối với người lớn, việc đối diện với những nỗi đau, sự mất mát vốn dĩ đã khó, với trẻ em thì trải nghiệm này càng khó khăn hơn. Khi trẻ đối diện với những đau buồn, mất mát lần đầu tiên trong cuộc đời, trẻ có thể không định nghĩa được cảm giác của mình.
Điều này có thể gây ra những tác động mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt từ phía người lớn. Trong suốt quá trình này, việc giúp trẻ hiểu và chấp nhận sự thật về nỗi đau, sự mất mát là rất quan trọng để trẻ có thể vượt qua giai đoạn đau buồn, và hồi phục sau sự mất mát.
Cách mà trẻ phản ứng trước những nỗi đau, sự mất mát sẽ khác nhau tùy vào từng độ tuổi và kinh nghiệm cuộc sống mà trẻ đã trải qua. Việc hiểu rõ những khác biệt này sẽ giúp người lớn có thể đưa ra những hành động, phương pháp hỗ trợ và chăm sóc phù hợp. Như vậy, mới không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ, ngược lại còn có thể khiến nhận thức và quá trình phát triển tính cách, tâm lý của trẻ đạt được hiệu quả lành mạnh nhất.
Trước vấn đề này, có 3 bước chung trong vấn đề này để bố mẹ có thể giúp con vượt qua được những cú sốc, nỗi đau mất mát trong cuộc sống. Bước đầu tiên được gọi là bước chấp nhận, nghĩa là bố mẹ cùng ngồi xuống với con, để quan sát và trò chuyện cùng con, từ đó đánh giá xem con đã chấp nhận được sự thật về một mất mát nào đó hay chưa.
Sau bước này sẽ đến bước tìm kiếm, nghĩa là khơi dậy, kích thích những cảm xúc thật của trẻ, thay vì để con kìm nén hay lãng tránh nó. Có thể tại thời điểm đó, trẻ sẽ cảm thấy kinh hoàng, hoảng sợ không biết cần làm gì để đối diện với nỗi mất mát, nhưng bố mẹ hãy giúp con hình dung về hoàn cảnh đã xảy ra để con hiểu và cảm nhận.
Cuối cùng là bước thấu hiểu, nghĩa là bố mẹ lắng nghe con, chia sẻ, an ủi, động viên con để giúp con hiểu và chiêm nghiệm ra được những thông điệp tích cực từ trong những mất mát của cuộc sống. Ngoài những nỗi buồn, con sẽ nhận được niềm vui hay ý nghĩa, bài học gì cho bản thân từ sự mất mát này.