đọc sách cùng con từ bé giúp trẻ hình thành một thói quen giải trí lành mạnh, giúp con phát triển ngôn ngữ - một loại hình thông minh, yêu thích học chữ và có công cụ để tự đọc, tự học sau này mà không cần bố mẹ.
Hãy thiết kế một góc đọc sách nhỏ ở nhà. Hãy chọn góc yên tĩnh và có ánh sáng tự nhiên nếu có thể. Giá sách cho bé chỉ giới hạn ở số lượng sách bạn có thể đọc cho con trong một tuần. Như thế bé sẽ dễ chọn và dễ quản lý số sách của mình hơn. Hãy chuẩn bị một cái bàn nhỏ và một cái ghế nhỏ cho bé vì với những quyển sách khổ to, bé cần đặt lên bàn để đọc.
Hãy biến những lần đi mua sách thành một trải nghiệm thú vị? Mỗi tháng bạn hãy cho bé một số tiền nhất định để mua sách. Mình sẽ đi đến hiệu sách nào? Mình sẽ mua sách gì? Tại sao? Con có bao nhiêu tiền để tiêu? Đủ mua bao nhiêu quyển? Nếu không đủ con sẽ chọn những quyển nào và để lại những quyển nào. Trong một hiệu sách, có các tầng, mỗi tầng lại có các khu để các loại sách khác nhau, hãy giúp con đọc để bé biết có những loại sách gì, được sắp xếp logic ra sao.
Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí, hãy tổ chức những nhóm trao đổi sách với các mẹ cùng khu phố và như thế chỉ vài gia đình là đã có một tủ sách kha khá cho con. Hoặc là hướng dẫn con mượn các bạn và cho các bạn mượn sách của mình.
Ảnh minh họa: Imaginationsoup.net. |
Vậy chọn những sách gì cho trẻ mầm non? Đó là các cuốn sách đúng độ tuổi. Bạn hãy đọc trước nội dung của sách không bạo lực, không sử dụng từ ngữ, minh họa phản cảm, không đúng sự thật. Hãy chọn sách có minh họa càng đúng với sự thật càng tốt, sách ảnh luôn là lựa chọn tốt nhất. Nếu con trong độ tuổi mầm non, các bé vẫn cần sách có tranh minh họa để giúp bé hình dung ra được, nhất là khi nội dung sách viết về những điều bé chưa biết hay không quen thuộc ở Việt Nam. Sách về các nhà bác học, các họa sĩ, các nhạc cụ, các đất nước trên thế giới, các môn thể thao, bách khoa động vật, khoa học, kỳ quan thiên nhiên, trẻ em trên thế giới ....
Đôi khi không có lựa chọn, bạn vẫn phải mua sách có sẵn ở thị trường về cho con, nhưng hãy dùng bút xóa đi những từ thô tục bạn không muốn bé lưu trong vốn từ của mình. Vì với trẻ mầm non, nếu nghe được bé sẽ sử dụng chúng.
Biến sách thành những món quà và ghi lời đề tặng để bé giữ làm kỉ niệm sau này. Bé cũng nên mua sách làm quà tặng bạn khi có thể. Những quyển sách hay có thể giữ đến vài thế hệ và trở thành kỷ vật của gia đình.
Đọc sách cho con khi nào? Từ khi mang thai, hãy đọc sách cho con, để chính mẹ cũng có thói quen đọc sách thư giãn. Khi con ra đời, hãy luôn đọc sách cho con trước khi đi ngủ buổi tối. Và sau này đọc sách cho con bất cứ lúc nào con muốn, khi đi chơi ở công viên, khi phải chờ xếp hàng đợi khám bác sĩ, khi đi du lịch chờ ở sân bay. Luôn luôn có một hai cuốn sách nhỏ trong ba lô của bé để bé có thể đọc sách bất cứ khi nào.
Đọc trong bao lâu? Tùy mỗi gia đình và vốn thời gian của bạn nhưng ít nhất là một câu chuyện từ đầu đến cuối. Có những ông bố bà mẹ đọc cho con đến khi con ngủ mới dừng lại. Đó thực sự là một cảm giác tuyệt vời cho đứa trẻ khi giọng đọc của bố mẹ và những câu chuyện đưa con vào giấc ngủ.
Đọc cho con như thế nào? Hãy để trẻ quyết định tất cả những gì bé muốn. Hôm nay con muốn nghe truyện gì? Để bé chọn. Rồi để bé ngồi lòng mình giúp bé nhìn được sách. Đọc cho bé nghe tên truyện, tên tác giả, giải thích cho bé hiểu. Tên họa sĩ vẽ tranh minh họa, vì với những câu chuyện nổi tiếng thế giới, họa sĩ vẽ tranh minh họa cho truyện quan trọng không kém tác giả. Tên dịch giả, nhà xuất bản... Và nói cho con hiểu, để một cuốn sách ra đời, bao nhiêu người đã phải làm việc cùng nhau để có được một cuốn sách đó. Và vì thế mình cần tôn trọng giữ gìn sách.
Hãy cố gắng mua cho bé sách đến từ nhiều nước khác nhau và chỉ cho bé biết trên bản đồ thế giới. Kể cho bé nghe một chút về đất nước, ngôn ngữ của đất nước đó. Nếu sách được dịch từ những ngôn ngữ bạn không biết hãy kiểm tra cách đọc tên nhân vật trước khi đọc cho con và thống nhất với tất cả mọi người đọc sách cho bé vì các em bé không bao giờ chấp nhận mỗi người phát âm một kiểu khác nhau.
Với các em bé mầm non, luôn để bé có thời gian xem tranh minh họa trước khi đọc. “Con nhìn thấy những gì? Mùa gì? Chuyện này xảy ra ở đâu? Theo con câu chuyện này là về cái gì?”... với sách mầm non chất lượng, chỉ một tranh minh họa của họa sĩ đã có thể giúp trẻ hình dung ra câu chuyện.
Hãy đọc truyền cảm cho con nghe, để bé có thể cảm nhận các sắc thái tình cảm của ngôn ngữ mẹ đẻ tốt hơn, giúp câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc hơn và lưu trong tâm trí bé lâu hơn.
Sau khi đọc xong hãy hỏi xem bé nghĩ gì về từng nhân vật, về câu chuyện, về hình minh họa, về cái kết... để bé được nói lên suy nghĩ và cảm nhận của mình. Bé từ ba tuổi trở lên hãy thử “Nếu con là bạn ý con sẽ làm thế nào?” và khi con bốn tuổi trở lên có nhiều kinh nghiệm, cảm xúc và cái tôi của mình hãy thử “Con thử kể lại câu chuyện xem sao nhé?” Và cuối cùng là “Giờ con hãy ngủ xem có mơ thấy các bạn trong câu chuyện đó không nhé! Có thể con sẽ gặp các bạn ý trong mơ đấy.”
Các bé thường hay muốn đọc đi đọc lại một câu chuyện, đó là điều rất bình thường và chứng tỏ bé rất thích câu chuyện đó. Bố mẹ có thể đọc và dần dần để bé tự “đọc” nốt cho mình nghe vì chắc chắn bé đã thuộc lòng rồi.
Và thế là chỉ một chút thời gian mỗi ngày, mỗi em bé đã lớn lên với số vốn tiếng Việt kha khá để có tiền đề học các ngôn ngữ khác trên thế giới.
Lê Mai Hương
Nhà giáo Montessori