Trẻ nhỏ không giống như người lớn, nhận thức, tư duy và tâm lý còn khá non nớt nên trong giao tiếp và ứng xử hàng ngày, bố mẹ phải cực kỳ cẩn thận. Nếu không sẽ vô tình gây nên những hiểu lầm, thậm chí là ảnh hưởng đến suy nghĩ và tâm lý của con.
Tôi làm bố khi còn khá trẻ, vừa ra trường và đi làm được 2 năm thì quyết định lập gia đình. Vợ chồng đón cậu con trai đầu lòng sau khi kết hôn được vài tháng và hiện tại nhóc tỳ đã bước vào tiểu học.
Nhiều người nói, con trai quấn mẹ con gái quấn bố, nhưng với gia đình tôi thì con trai có vẻ thân với bố hơn mẹ. Trong nhà, tôi cũng là người được gọi là có quyền lực hơn đối với thằng bé. Vợ tôi thương con nên có xu hướng chiều chuộng đứa trẻ hơn, còn tôi thì lại có phần nghiêm khắc.
Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên không hiểu sao con trai vẫn thích gần bố. Chắc có lẽ là vì bố dành nhiều thời gian chơi với thằng bé hơn chăng. Nói chung dù là lý do gì đi chăng nữa thì người bố nào mà không thích con gắn bó với mình cơ chứ. Dĩ nhiên tôi cũng không ngoại lệ.
Hai bố con bên cạnh nhau lúc nào cũng vui vẻ, nhưng hôm qua một sự việc xảy ra đã khiến tôi vô cùng hối hận vì hành vi của mình đối với con trai trước đây. Những tưởng chỉ là lời nói đùa thôi nhưng với một đứa trẻ 7 tuổi, nó luôn tin đó là thật.
Chuyện là tối hôm qua tôi có rủ một vài người bạn đồng nghiệp về nhà chơi. Trong lúc buổi tiệc nhỏ diễn ra, một cô bạn đã dành lời khen cho con trai tôi rằng:
- Thằng bé càng lớn càng giống bố!
Ai nấy nghe lời này cũng gật gù đồng ý. Nào ngờ ngay sau đó con trai tôi đã nhanh nhảu, đáp lời với một vẻ mặt ngây thơ:
- Không, con không giống bố đâu ạ! Con giống chú hàng xóm cơ!
Tôi điếng người khi thấy phản ứng của con trai. Trước sự ngơ ngác của những người đồng nghiệp, thằng bé tiếp tục nói:
- Bố cháu hay bảo cháu, sao con không giống bố chút nào cả, chắc giống ông hàng xóm nào rồi!
Nghe xong lời nói non nớt của con trai, tôi vừa buồn cười nhưng cũng vừa cảm thấy hối hận vì những lần trêu đùa quá trớn của mình. Mỗi khi con làm sai hoặc không đúng với ý tôi, tôi thường hay nói câu như thế và bây giờ tôi chợt nhận ra nó thực sự là một tai hại lớn.
Ảnh minh hoạ.
Con còn quá nhỏ để nhận thức được rằng đó chỉ là một lời nói đùa vui, con hoàn toàn không phân biệt được đâu là lời nói thật và đâu là lời nói mang tính chất trêu chọc. Tôi cứ nghĩ con sẽ không để ý nhưng nào ngờ đứa trẻ lại ghi nhớ rất rõ từng cử chỉ, lời nói của bố.
Có thể ở độ tuổi này con chưa có sự nhận thức và độ nhạy cảm mạnh mẽ, nhưng nếu lớn thêm chút nữa có lẽ sự đùa giỡn này của tôi có thể sẽ tác động sâu sắc đến tâm lý của con. Là một người bố, tôi thực sự quá vô trách nhiệm. Tôi sẽ không xảo biện rằng vì mình còn trẻ nên tính cách có phần vô tư, tuy nhiên chính sự vô tư đó có thể khiến cho tôi phải hối hận trong tương lai.
Tôi thực sự không muốn điều đó xảy ra, tôi chỉ muốn bản thân là một người bố hoàn hảo trong mắt con trai thôi...
Tâm sự từ độc giả manhhung...@gmail.com
Trong cuốn "Toxic Parents", nhà tâm lý học Tiến sĩ Susan Forward đã nói thế này: "Trẻ em không thể phân biệt sự thật với những trò đùa, và chúng lấy những gì người lớn nói với chúng để biến nó thành của riêng mình". Thực chất những lời trêu đùa đối với người lớn có thể nó mang lại niềm vui, tiếng cười và sự hài hước.
Nhưng ở độ tuổi khả năng nhận thức còn hạn chế, trẻ em không thể phân biệt được đâu là trò đùa và đâu là sự thật. Vậy nên so với người lớn, trẻ nhỏ dễ chịu nhiều tổn thương về tâm lý hơn trong vấn đề này.
Trong cuộc sống, có nhiều bố mẹ thường dùng câu này để giáo dục con theo thói quen: "Nếu con còn tái phạm lần nữa, bố mẹ sẽ bỏ con!" Nghe câu này, những đứa trẻ ngỗ nghịch có thể lập tức bình tĩnh lại, tác dụng giáo dục là tức thì nhưng thông thường tác động tâm lý lại đặc biệt xấu.
Trong suy nghĩ của người lớn, sự ép buộc hay đe dọa đó chỉ là một trò đùa và tin rằng đứa trẻ sẽ nhanh chóng quên đi. Nhưng trẻ em thường coi trọng điều đó, theo thời gian trẻ sẽ hình thành tâm lý lo lắng, sợ hãi và cảm thấy không an toàn.
Thậm chí điều này đã để lại nỗi ám ảnh trong tâm hồn của những đứa trẻ, và đó là lý do mà một số bố mẹ sẽ nghe thấy đứa trẻ của mình khóc và nói "đừng bỏ con, đừng bỏ con" nhiều lần khi đứa trẻ đang ngủ vào ban đêm vì mơ thấy ác mộng.
Đó là trường hợp những đứa trẻ có tính cách nhạy cảm và tin vào những trò đùa của bố mẹ sẽ thành sự thật. Tuy nhiên theo thời gian, bởi vì mỗi lần đùa giỡn quá nhiều, dọa nạt không thành hiện thực, giai đoạn đầu sẽ có tác dụng thế nhưng càng về lâu về dài, đứa trẻ sẽ không còn tin vào lời người lớn nói. Cuối cùng, uy tín của bố mẹ trong lòng con cái không còn vững vàng nữa.
Thực tế thì trẻ con rất mỏng manh, người lớn không thể đùa giỡn quá trớn, một câu đùa tùy tiện có thể sẽ kích thích mạnh đến tâm hồn chưa trưởng thành của trẻ, và chắc chắn nó sẽ làm tổn thương trái tim non nớt của trẻ. Nhà triết học người Anh - Locke đã nói: "Trí óc của một đứa trẻ là một tờ giấy trắng, trên đó bạn có thể khắc bất cứ thứ gì bạn muốn".
Đó là lý do mà khi đối xử với trẻ em, người lớn phải nghiêm túc và đừng tùy tiện. Đặc biệt là bố mẹ thì lại càng không nên đùa với con khi trẻ không thể biết đó là một trò đùa hay sự thật. Những trò đùa vô ý thức của người lớn có thể khiến trẻ sợ hãi và lo lắng sâu sắc, trải nghiệm tồi tệ này sẽ ảnh hưởng đến trẻ suốt đời, thậm chí dẫn đến bi kịch gia đình trong tương lai.