Mới 2 tuổi nhưng mỗi khi có khách đến nhà, bé Nhật Minh đều biết tự ra chào rất lễ phép và rõ ràng: "Con chào ông, con chào bà, chào cô chú,..." Rồi khi mọi người trò chuyện, bé hồn nhiên "đối đáp" một cách rành rọt khiến ai nấy hết sức ngạc nhiên. Không ngờ một cậu bé nhỏ xíu mà có thể trò chuyện với mọi người bằng những câu rất dài như vậy, đặc biệt là khả năng phát âm cực "chuẩn".
7 tháng đã bập bẹ gọi bà
Chị Nguyệt (mẹ bé Nhật Minh) cho biết, từ khi 7 tháng là bé đã có thể gọi bà, gọi bố và bi bô rất nhiều từ khác, tuy chưa được "tròn vành rõ chữ" cho lắm. Lúc ấy, vợ chồng chị bảo nhau "giao tiếp" với con nhiều hơn, và kết quả là vài tháng sau con đã có thể hát líu lo rồi. Giờ thì bé đã có thể diễn đạt những gì mình muốn một cách rành mạch, rõ ràng.
Nhờ có mẹ chăm dạy con nói mà bé Nhật Minh đã biết bập bẹ khi mới 7 tháng.
Để con nói được nhiều như vậy, một phần là nhờ chị Nguyệt chăm chỉ trò chuyện với con từ khi... có bầu. Chị cho biết: "Hồi mang thai mình rất hay "tâm sự" với con. Nhiều người còn bảo bé đã biết gì đâu mà nói, nhưng mình vẫn tin là con sẽ cảm nhận được. Rồi khi sinh xong, vợ chồng mình vẫn giữ thói quen trò chuyện với con như thế. Lúc bé đói, mình nhìn con và bảo: "Von uống sữa nhé!", sau đó mới cho bé bú. Lúc thay tã cho con mình cũng "tỉ tê": "Von giơ chân lên nào, mẹ lau nhé! Mặc quần cho con này,..." Thực ra, những lúc ấy mình chỉ muốn được nói chuyện với con thôi, chứ mình cũng nghĩ bé như vậy thì con đâu có hiểu gì. Thế nhưng dường như con lại cảm nhận được, nên mới vài tháng mà bé đã biết thể hiện tình cảm với mẹ rồi. Thích nhất là những lúc 2 mẹ con nhìn nhau, xong bé bỗng nhoẻn cười và quơ tay níu lấy mẹ, miệng ê a như muốn nói gì đó.
Rồi lúc gần 7 tháng, mình thấy con bật ra tiếng "ba" đầu tiên. 2 vợ chồng hạnh phúc muốn khóc luôn! Mình tin rằng những lần bố mẹ trò chuyện với con, bé nghe và cảm nhận được nên mới sớm biết nói như vậy".
Chị Nguyệt cho biết bí quyết để dạy con biết nói sớm là nhờ 2 mẹ con lúc nào cũng "tâm sự" với nhau
Từ đó, anh chị càng thích nói với con nhiều hơn. Đặc biệt là anh rất hay hát cho bé nghe, thế nên mới 2 tuổi mà Nhật Minh đã thuộc rất nhiều bài rồi, cả bài "Happy birthday" bằng tiếng Anh nữa. Mỗi lần bé có dịp "khoe giọng" là ai nấy trầm trồ vì ngạc nhiên.
Bé nhanh biết nói nhờ gần gũi với bố mẹ
"Gần gũi" ở đây không có nghĩa là bố mẹ "kè kè" bên con cả ngày cả đêm. Bởi không phải ai cũng có nhiều thời gian đến thế. Hơn nữa, nếu bố mẹ chỉ có ôm ấp con như vậy thì chẳng giải quyết được gì. Nếu muốn nhanh được nghe thấy bé ê a gọi bố, gọi mẹ một cách vô cùng đáng yêu, thì bố mẹ phải chăm thể hiện tình cảm với con, chăm trò chuyện, thủ thỉ với bé mỗi ngày. Chị Nguyệt cho biết: “Ở nhà mình, cả 2 vợ chồng đều rất thích “tâm sự” với con, từ khi bé còn nhỏ xíu. Vì cho dù con không hiểu được những gì bố mẹ nói, nhưng con sẽ dần dần “tích tụ” được vốn từ cần thiết. Và đến một lúc nào đó, con sẽ nói thật nhiều khiến bố mẹ ngạc nhiên và vui vô cùng”.
Gia đình hạnh phúc của chị Nguyệt.
Chị chia sẻ thêm: "Thực ra trẻ con có bé thì nhanh nói, có bé lại chậm hơn một chút. Nhưng mình nghĩ để nói được, bé phải có một vốn từ cần thiết, và phần nào hiểu được những từ đó để thể hiện ý muốn của mình. Vậy nên khi bố mẹ cho rằng con chưa hiểu gì, mà "bơ" con, thì chắc chắn sẽ rất lâu con mới có thể nói được. Ngược lại, nếu mẹ thường xuyên trò chuyện với con trong mọi tình huống, thường xuyên thể hiện tình cảm với bé, con sẽ "ngấm" dần và khi muốn thể hiện, con sẽ nói ra được điều mình muốn".
Muốn con nói "sõi" thì bố mẹ không được ngọng!
Chị Nguyệt bảo rằng, nhiều bố mẹ cứ thắc mắc là vì sao con mình nói được nhiều nhưng lại bị ngọng. Đó là vì bố mẹ cứ hay nói "lái" đi để bé bắt chước. Chẳng hạn thay vì phải nói "con chó", nhiều mẹ lại nói "con tó" để bé học theo. Làm như thế, bố mẹ đã vô tình khiến bé bị ngọng mà không hay.
Từ khi con bắt đầu biết nói, vợ chồng chị luôn trò chuyện với con một cách chậm rãi, rõ ràng nhất để bé nghe và học dần. Vì thế nên bé Nhật Minh nói "chữ nào ra chữ đó" chứ không hề ngọng nghịu chút nào.
Nhật Minh hăng hái chơi cùng mọi người
Chị cũng chia sẻ thêm, để bé nhanh nói và nói nhiều như vậy thì ngoài việc dành nhiều thời gian trò chuyện với con, vợ chồng chị còn hạn chế nuông chiều con quá mức. Bởi vì nếu con lúc nào cũng được đáp ứng yêu cầu của bé một cách nhanh nhất, bé sẽ trở nên lười nói hơn. Chẳng hạn, khi bé chỉ tay đòi mẹ lấy đồ chơi, nếu mẹ đáp ứng ngay yêu cầu đó hay cuống quýt giơ từng món lên mà hỏi: "Con muốn cái này à? Cái đó phải không?..." và để bé chỉ việc gật đầu, như thế bé sẽ chẳng có cơ hội để nói. Hãy hỏi bé: "Con muốn gì? Con nói "ô tô" đi rồi mẹ lấy,..." hoặc đưa cho con một món đồ chơi khác để bé phải "bật" ra thứ mà con muốn. Đó là cách để kích thích bé thể hiện mong muốn của mình bằng ngôn ngữ.
Ngoài ra, chị Nguyệt cũng thường xuyên cho con được tiếp xúc với môi trường bên ngoài để bé thêm dạn dĩ và thích giao tiếp với mọi người hơn. Thay vì giữ con "bo bo" trong nhà, anh chị hay đưa bé đi chơi ở những chỗ đông người như các trung tâm thương mại, công viên,... và cho con đi học từ khi 14 tháng. Nhờ vậy mà bé Nhật Minh không chỉ nói được nhiều, thích trò chuyện mà còn tỏ ra rất nhanh nhẹn và bạo dạn.