“Hồi chưa lấy chồng em ngủ say như chết, đến độ có ai bắt cóc hay khiêng đi đâu cũng không biết gì. Đến khi Tũn chào đời, anh chàng thừa hưởng gần như 100% gen ngủ của mẹ. Trong khi cô con gái nhà hàng xóm (sinh trước Tũn 2 tuần tuổi) kêu khóc nheo nhéo thì Tũn im re, ngủ không vãy tai. Lo sợ nên thi thoảng em và chồng lại ‘kiểm tra’ tổng thể con – hết đặt tay lên mũi xem con còn thở không đến nắn tay, sờ trán xem có nóng không. Trộm vía, ai cũng khen con em tốt nết nhưng thú thật, con ngủ ngon quá cũng lo”, mẹ Tũn (email: hoang_yen_tran…@...) chia sẻ.
Dạo qua một vòng các diễn đàn làm cha mẹ thấy không ít chị em hoang mang chuyện ngủ của con. Nhiều mẹ kêu than rằng, con quấy khóc suốt và không chịu yên giấc khiến cả đêm mẹ không có nổi phút bình yên. Số khác lại đứng ngồi không yên vì con ngủ ngon và say quá.
Hãy cẩn thận nếu bé ngủ quá say! (Ảnh minh họa).
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé, vì vậy, bạn nên lưu ý một số điểm sau để tăng chất lượng giấc ngủ cho bé.
Tư thế ngủ
“Con trai nhà mình giống bố tật ngủ sấp. Vì vậy, khi bé ngủ mình phải chỉnh tư thế liên tục. Nhiều đêm thấy anh chàng im re là mình lại phải quờ quạng xem con có sốt không, có thở đều không. Đúng là có con lo đủ bề!”, độc giả có nickname thuhanna tâm sự với Eva.
Trẻ dưới 1 tuổi rất dễ bị Hội chứng đột tử (SIDS) do ngủ sai tư thế. Vì vậy, việc kiểm tra giấc ngủ đêm của bé là rất quan trọng. Khi bé ngủ, mẹ nên để ý vì bé có thể lật người và nằm ngủ với tư thế úp mặt xuống giường. Tư thế ngủ này sẽ gây sức ép lên bụng, ngực và khiến bé khó thở.
Khi ngủ chung với bé
Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận không ít trường hợp trẻ dưới 12 tháng tuổi bị chết não do cha mẹ hay người thân sơ ý để tay lên mũi con gây ngạt thở khi ngủ chung. Và đây cũng chính là hồi chuông báo động cho các bậc cha mẹ.
Thói quen của đa phần các bậc phụ huynh Việt là cho bé ngủ chung giường. Với thói quen này, bạn nên cẩn thận vì nhiều khi ngủ chung, chăn gối của cha mẹ có thể đè lên người bé. Ngoài ra, thân nhiệt của bé không giống như người lớn, do đó, bạn cũng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng điều hòa, quạt máy… trong phòng ngủ.
Hãy lưu ý khi ngủ chung với bé (Ảnh minh họa).
Thường xuyên lau mồ hôi, đề phòng bé bị cảm
Sau 2 lần sinh và chăm sóc con, chị Hoài Thu (chủ shop quần áo cho bé ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã dắt lưng kha khá kinh nghiệm. “Còn nhớ lần sinh cu Bin. Lần đầu làm mẹ nên mình ‘tồ’ lắm. Thế nên cu Bin hắt hơi, sổ mũi suốt. Phải mất một thời gian mới biết vì mình vụng mà con bệnh. Hóa ra khi ngủ, cu Bin bị ra nhiều mồ hôi lưng. Mình và chồng vô tâm nên không kịp lau cho con, thế là mồ hôi thấm vào người”, chị Thu nhớ lại.
Việc trẻ nhỏ khi ngủ ra nhiều mồ hôi là chuyện thường gặp. Vì vậy, khi trẻ ngủ, cha mẹ nên thường xuyên lau mồ hôi trên người của bé để phòng trường hợp bé bị cúm, sốt.
Để bé đỡ ra mồ hôi, nên cho bé mặc thoáng, quần áo bằng vải cotton có khả năng thấm hút cao. Những loại sợi vải tổng hợp có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé và làm con khó ngủ ngon.
Ngoài ra, để nhiệt độ phòng vừa phải cũng giúp bé ngủ ngon hơn.
Sốt hoặc mất nước
Hãy lo lắng nếu bé ngủ quá say hay đột nhiên ngủ li bì vì rất có thể đấy là triệu chứng thân nhiệt của bé bị giảm (nhiệt độ cơ thể xuống dưới mức bình thường), sốt hoặc mất nước - các bác sĩ chuyên khoa Nhi khuyên bạn.
Ngoài ra, ngủ rũ bất thường có thể là kết quả sau một chấn thương ở đầu hoặc sau khi uống thuốc như thuốc kháng histamine.
Nếu bé buồn ngủ mê mệt nhưng trước đó vẫn ăn uống tốt, thân nhiệt bình thường, không có lý do nào đáng lo ngại thì có thể bé chỉ buồn ngủ đơn thuần. Tuy nhiên, nếu bé ngủ nhiều trong thời gian phục hồi từ một bệnh truyền nhiễm như sởi hay thủy đậu, bé có dấu hiệu nhức đầu, đau cổ thì có thể là triệu chứng cảnh báo viêm não hay viêm màng não – cả hai đều là bệnh nghiêm trọng và cần can thiệp y khoa ngay tức khắc.