Gia đình mình sinh sống ở một khu dân cư ít người Việt, hàng ngày tiếp xúc với các bà mẹ Tây nên cũng học hỏi được nhiều điều từ cách dạy con, cho con ăn, con ngủ của họ. Điều dễ nhận thấy là các bà mẹ Tây rất quan tâm đến bữa ăn của con nhưng họ không quan trọng hóa chuyện ăn uống của con quá mức. Với họ, ăn uống mang lại niềm vui cho con, có lẽ đấy là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, mình nuôi Khủng Long rất nhàn, dù từ khi sinh con ra, chỉ có mình và ông xã chăm con, không có ai khác đỡ đần.
Ảnh: Bé Khủng Long và mẹ |
Tập cho con ăn thô
Khủng Long được làm quen với ăn dặm khi 5 tháng tuổi. Trước hết, mình cho bé thử với bột ăn dặm được bán tại siêu thị, mỗi bữa chỉ cho bé vài thìa bột pha loãng theo tỷ lệ được hướng dẫn. Bé rất thích và hào hứng ăn lắm, nhưng mình vẫn tuân thủ một điều là giai đoạn này, sữa vẫn là quan trọng nhất với con.
Khi bé được 6 tháng tuổi, mình tăng lên 40 ml bột mỗi bữa cho con và khoảng hai tuần sau bắt đầu cho bé làm quen với cháo. Khi nấu cháo xong, mình thường rây mịn hơn và khoảng hai tuần sau mình bắt đầu bỏ quá trình rây cháo, xay cháo và cho con ăn cháo gạo vỡ. Càng ngày, cháo càng đặc hơn.
Sang tháng thứ 7 thì bé hoàn toàn có thể ăn được cháo hạt to. Lúc này, bé cũng bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên nên thường gặm bất kỳ thứ gì cầm được trên tay. Từ tháng thứ 8, mình bỏ qua giai đoạn xay các nguyên liệu nấu cháo cho con mà chuyển sang băm nhỏ. Cháo nấu lợn cợn hơn. Các mẹ đừng lo bé không thể nhai được nhé. Thực ra quá trình mọc răng, bé thích gặm đồ vật cũng hình thành cho bé phản xạ nhai thức ăn rồi, chỉ cần mẹ nấu đồ ăn đủ mềm để khi bé nhai, thức ăn có thể tan ra được. Bên cạnh đó, mẹ có thể mua thêm bánh ăn dặm cho bé tự cầm ăn vừa thỏa mãn nhu cầu gặm cho đỡ ngứa lợi của bé, vừa tập cho bé thói quen cầm đồ ăn tự nhấm nháp.
Tháng thứ 9, Khủng Long được làm quen với các món khác như nui, bún, phở... Con ăn thành thạo và tỏ ra rất hợp tác. Lúc này, việc ăn dặm của con theo các bước gần như đã hoàn thành.
Đến 1 tuổi, Khủng Long đã tập làm quen với cơm nát và các món ăn khác như thịt gà xé nhỏ, súp lơ luộc... Con có thể tự cầm một quả chuối, một miếng lê ăn rất ngon lành.
Từ tháng 13 trở đi, Khủng Long nhất định đòi ăn cơm như người lớn, không chịu ăn cơm nát, cơm nhão. Mình vừa mừng vừa lo vì không biết như thế có ảnh hưởng tới dạ dày của con không. Mình đi hỏi bác sĩ của bé thì được khuyên lúc này bé hoàn toàn có thể ăn cơm được. Thực tế, ở một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... từ 1 tuôi trở đi, các bé có thể ăn cơm rất tốt rồi.
Bây giờ, hơn 17 tháng tuổi, Khủng Long có thể ăn được hầu hết món trong bữa cơm cùng với bố mẹ. Con có thể ăn một bắp ngô luộc, một cái đùi gà luộc hết sức thành thạo.
Tập cho con tự xúc ăn
Khi nhìn một em bé Tây tự xúc ăn, mình rất thích thú và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, điều này không nói lên rằng trẻ em phương Tây giỏi hơn trẻ Việt Nam mà vấn đề ở chỗ bé được rèn luyện kỹ năng ăn uống như thế nào. Theo mình, tập cho con tự xúc ăn là cách rèn cho con tính độc lập, chủ động không chỉ trong bữa ăn, cho trẻ cơ hội nhận biết mình đã lớn rồi và có thể làm được gì. Như mình nói ở trên, các bà mẹ Tây rất quan tâm đến chuyện ăn uống của con nhưng họ lại không quan trọng hóa vấn đề, không quá cầu toàn. Họ không nản khi cho con tự ăn mà tóc tai, mặt mũi lem nhem đồ ăn, còn sàn nhà, bàn ghế vương vãi thức ăn. Hãy cho con thời gian và khuyến khích con bởi vì lúc này các con mới bắt đầu học ăn.
Khủng Long tự xúc ăn |
Ngay từ khi Khủng Long tập ăn dặm, bé đã được ngồi ghế ăn. Phải ngồi ghế ăn nghiêm túc, ngay ngắn thì bé mới có thể tập xúc được. Nền tảng đầu tiên để tập cho con tự xúc ăn chính là việc cho con thoải mái "ăn bốc", và Khủng Long bắt đầu được làm từ lúc 8 tháng tuổi. Tất nhiên, bé cũng vấy bẩn, bôi đồ ăn lên khắp người. Nhưng chính việc "ăn bốc" này lại mang lại hiệu quả rất tốt khi con tự biết khám phá khẩu vị đồ ăn qua kích thước, hình dáng mà con cảm nhận. Việc dùng tay tiếp xúc với đồ ăn là cách rèn cho con luyện tay và mắt thật khéo léo để tự mình đưa đồ ăn lên miệng.
Giai đoạn 8-9 tháng tuổi, các bé vốn rất thích thú với các vật dụng như bát và thìa rồi. Ban đầu mình sắm cho Khủng Long một chiếc bát nhựa, thìa nhựa cho bé cầm chơi. Sau đó, mình dần dần hướng cho bé thấy rằng món đồ chơi ấy còn có tác dụng khác nữa, để bé thích thú khi ăn. Mình cũng không quên sắm thêm yếm đeo cho con để hạn chế đồ ăn vấy bẩn khi bé xúc ăn.
Khi Khủng Long bắt đầu tập xúc ăn, mình thường cho bé thử với các món ăn như chuối, lê, khoai tây luộc... cắt nhỏ. Lúc đầu, con chỉ dùng thìa đảo đảo như trò chơi, thậm chí dùng tay bóp nát nhưng mình vẫn kiên trì. Cho con tập xúc ăn mình cũng cầm thìa và bát ngồi bên cạnh để con thấy mình xúc như thế nào và dần dần con chú ý bắt chước theo. Những động tác ban đầu còn lóng ngóng, lúc thì xúc tay trái, lúc thì xúc tay phải nhưng được tập mỗi ngày nên dần dần con điều chỉnh rất tốt.
Đến 14 tháng tuổi, dù còn vụng về nhưng Khủng Long đã xúc được những thìa đầu tiên đưa lên miệng. Có bố mẹ khuyến khích, bé rất hào hứng, thích thú. 15 tháng tuổi, Khủng Long đã được cho "toàn quyền" ngồi xúc sữa chua ăn mà không hề rơi ra ngoài. Hiện giờ, con đã rất chủ động trong ăn uống, ăn cùng với bố mẹ và biết lựa chọn món ăn cho mình trong mỗi bữa.
Bánh mì cho Khủng Long |
Bên cạnh đó, mình chú ý đến việc thay đổi thực đơn cho con hàng ngày, làm cho bữa ăn phong phú, hấp dẫn, giúp con bắt đầu bữa ăn một cách hào hứng. Mình không ép con ăn vì thực tế khi bé không muốn ăn mình cố ép cũng không thể mang lại kết quả tốt hơn. Mình nhận thấy, cho con tham gia vui chơi, các hoạt động giải trí ngoài trời cũng có tác dụng tốt tác động đến bữa ăn. Sau một buổi tiêu hao năng lượng vào các hoạt động thì bé sẽ rất "trông mong " được mẹ bù năng lượng cho bằng một bữa ăn thật ngon, thật hấp dẫn.
Mẹ Khủng Long