Trong những năm gần đây, các cuộc điều tra dinh dưỡng đã đưa ra những con số đáng “giật mình”: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến 29,35% phần lớn là thấp còi, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 14,2%, 29,2% thiếu máu, 81% thiếu kẽm (điều tra 6 tỉnh thành), 23,6% thiếu vitamin D, 21,65% thiếu I-ốt.... Tình trạng thiếu dinh dưỡng đặc biệt là các vi chất ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất, thể lực cũng như trí tuệ của trẻ. Cần chú trọng đến bữa ăn của trẻ để phòng chống “nạn đói tiềm ẩn” này.
Khi nào thì có thể cho bé ăn phô mai được?
Khi trẻ tròn 6 tháng tuổi bước sang tháng thứ 7, ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được cho ăn dặm thêm thức ăn khác sữa để cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất để tiếp tục tăng trưởng nhanh. Từ lúc này, có thể đưa phô mai vào thực đơn của trẻ như những thực phẩm dinh dưỡng khác.
Phô mai được làm bằng các nguyên liệu từ sữa, bơ, phô mai, đạm sữa, vitamin...hòa trộn với những tỷ lệ khác nhau và cách lên men khác nhau để tạo ra nhiều loại phô mai rất phong phú. Một số loại phô mai cứng, có vị và mùi khá nặng không thích hợp cho trẻ nhỏ, mà hãy lựa chọn phô mai mềm mịn, vị ngọt béo dịu, dạng viên nhỏ để trẻ tập ăn được dễ dàng.
Giá trị dinh dưỡng của phô mai
Phô mai là một sản phẩm sữa có giá trị dinh dưỡng tốt. Trong 1 viên phô mai vuông nhỏ 5,2 g chứa 0,62 g chất đạm; 1,2 g chất béo; 0,21 g chất bột đường, cung cấp mức năng lượng là 14 kcal, tương đương khoảng 20 ml sữa nước. Ngoài ra, một số loại phô mai như Belcube còn được bổ sung thêm vào phô mai một lượng canxi, vitamin A, vitamin D, kẽm và I-ốt để đảm bảo cung cấp đủ chất cho trẻ trong giai đoạn vàng, giúp tăng cường sự phát triển xương, chiều cao cũng như trí tuệ và các giác quan khác một cách tối ưu cho trẻ.
Bổ sung phô mai trong khẩu phần ăn của trẻ nhỏ
Bữa ăn của trẻ nhỏ cho dù có đa dạng thực phẩm, nhưng vẫn có nguy cơ thiếu hụt dưỡng chất do chất lượng nguyên liệu không như ý, hoặc hao hụt ngoài ý muốn trong quá trình chế biến. Để bảo đảm bữa ăn luôn đủ chất, có thể cho trẻ ăn trực tiếp viên phô mai, chế biến trong cháo, bột hoặc thức ăn khác. Khi mới tập ăn cho bé thì nên cho bé ăn từng miếng nhỏ và chỉ ăn một lần trong ngày. Nếu bé chưa thích ăn có thể tập lại một – hai ngày sau. Nếu bé thích ăn thì từ từ có thể tăng dần lượng lên phù hợp với độ tuổi của bé.
Bé từ 7 tháng đến 2 tuổi có thể ăn 1-3 viên phô mai vuông một ngày, trẻ lớn hơn có thể ăn 5-7 viên để bổ sung dinh dưỡng thêm cho khẩu phần ăn của bé.
Phô mai có thể dùng làm bữa ăn phụ xen giữa những bữa ăn chính, hoặc dùng làm thực phẩm cung cấp chất đạm và béo cho chén bột, chén cháo của trẻ dưới 2 tuổi, ăn phô mai với bánh mì trong bữa phụ trẻ mẫu giáo, hoặc trộn với trái cây cắt nhỏ làm món tráng miệng khá đặc biệt.
Với một chén bột hoặc cháo đầy (chén 200 ml) dành cho bữa ăn của trẻ từ 10 tháng tuổi trở lên cần có khoảng 30 g thực phẩm giàu đạm như thịt hay cá, tôm, đậu hũ và 15 ml dầu ăn, thỉnh thoảng mẹ cũng có thể dùng phô mai để thay thịt cá và dầu ăn. Trong 1 chén bột hay cháo đầy thì mẹ có thể cho vào đó từ 8-10 viên phô mai vuông 5 g và nửa muỗng cà phê dầu ăn hoặc không cần cho dầu ăn thêm, chỉ cần thêm 2 muỗng canh lá rau hoặc bí bầu là có chén cháo – bột đủ chất. Việc cho bé ăn đa dạng, đổi món thường xuyên sẽ giúp bé ăn ngọn miệng và nhận được đủ chất dinh dưỡng.
Cách chế biến thực phẩm thường ít ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của phô mai. Việc pha trộn phô mai để dùng với các món khác cũng không có tương kỵ gì nên mẹ có thể an tâm mà sáng tạo các món ăn cho bé.
Vì không có chứa chất bảo quản nên thông thường sản phẩm phô mai được bao bì kín để giữ được chất lượng ngon, tươi mới và đảm bảo vệ sinh. Mẹ mua phô mai nhớ chú ý chọn bao bì còn nguyên vẹn, hạn sử dụng còn xa và bảo quản phô mai tốt ở nhiệt độ không quá 25oC, nên để trong tủ lạnh sau khi mở gói, nhớ buộc kín miệng gói và tránh để thức ăn khác đè lên.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Thị Yến Thủy
Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM.