Tama bảo rằng, khi nào Tsuta lớn hơn một chút, cô sẽ dạy con đi xe đạp. Còn bây giờ, dù muốn hay không Tsuta cũng sẽ phải tự đi bộ thôi. Đơn giản là vì con hoàn toàn có thể làm điều đó.
Tama là cô bạn thân hồi sinh viên của tôi. Cô ấy đang sống cùng chồng và 1 cậu con trai rất đáng yêu – bé Tsuta (4 tuổi) – tại tỉnh Saitama, Nhật Bản. Khó khăn lắm chúng tôi mới gặp lại nhau, sau khi tôi về nước và bị cuốn đi với lu bù công việc, nhất là chuyện chăm sóc con cái tốn quá nhiều thời gian. Lần này, trong chuyến công tác sang Nhật, nhân tiện tôi ghé thăm trường cũ (trường Đại học quốc tế Saitama) và có dịp gặp lại người bạn thân của mình.
Thật ngạc nhiên, sau 1 khoảng thời gian khá dài, Tama dường như chẳng hề thay đổi chút nào. Nhất là khi đến nhà, tôi thấy “ghen tị” vì cuộc sống quá ư thảnh thơi của bạn (có lẽ vì thế mà cô ấy trẻ lâu). Dù cũng có con nhỏ, chồng lại bận việc cả ngày và bản thân Tama cũng đang đi làm, thế nhưng nhà cửa cô ấy “siêu” gọn gàng và sạch như li như lau. Thật khác xa với ngôi nhà của tôi ở Việt Nam – dù rộng rãi hơn rất nhiều nhưng luôn luôn không có chỗ nào để đặt chân xuống sàn, vì bị Pupu biến thành “bãi chiến trường” với vô số đồ chơi. Mỗi ngày tôi đều phải dọn đến vã mồ hôi nhưng ngày mai lại “đâu đóng đấy”. Trong khi Tama chẳng khi nào tỏ ra tất bật vào mỗi buổi chiều, cô ấy thảnh thơi uống trà và trò chuyện với tôi mà không cuống quýt lên lo việc đón con, tắm và nấu ăn cho bé, rồi dỗ con chơi để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Bởi vì, khi vừa ở lớp mẫu giáo về (trường học của Tsuta cách nhà khoảng 2km nên bé tự đi bộ), cậu bé biết tự cởi giày xếp lên giá, thay đồ và đem bỏ quần áo bẩn vào máy giặt. Tama bảo, một lát nữa con sẽ tự đi tắm trong khi mẹ nấu ăn.
Trẻ em Nhật tự đi bộ đến trường từ rất nhỏ. (Ảnh minh họa)
Quả là như vậy, sau khi ngồi trò chuyện cùng mẹ về những điều xảy ra ở trường, Tsuta liền vào phòng lấy đồ mẹ chuẩn bị sẵn để đi tắm. Lát sau, cậu bé còn thích thú vào bếp rửa mỳ, nhặt vỏ táo và làm những việc “lặt vặt” giúp mẹ. Trời ạ, nhìn cảnh đó mà tôi “phát sốt” vì thèm muốn. Ở nhà tôi, mỗi buổi chiều là cả một trận chiến mà ai nấy đều mệt phờ. Pupu thì từ lúc được đón về mặt mày ỉu xìu, phụng phịu và cứ bám riết lấy mẹ. Nịnh nọt mãi cu cậu mới chịu theo mẹ vào bếp chơi để mẹ nấu ăn tối, thì quay đi quay lại đã thấy muôi thìa, rau củ, gạo lung tung khắp sàn. Đã thế lại chẳng dám quát mắng con vì Pupu mà hờn thì không ai dỗ được. Xong bữa cơm, “công đoạn” mệt nhoài nhất của tôi là “lôi” Pupu đi tắm. Thôi thì nịnh đủ kiểu con cũng chẳng để mẹ kì cọ, gội đầu và thay đồ. Nước nôi thì bắn tung tóe khắp nơi vì con nghịch, kết quả là tắm cho con xong mà mẹ cũng ướt như... chuột! Đến là mệt. Giờ nhìn bé Tsuta tự giác làm mọi thứ như vậy, tôi mơ ước Pupu có thể làm được dù là 1 nửa như thế thôi. Chứ không phải cứ đến bữa là mẹ vừa ăn vừa rát cổ nài nỉ và mỏi tay đút, con mới nhai được thìa cơm. Trong khi Pupu thậm chí còn nhiều tuổi hơn cả Tsuta nữa. Nghĩ mà buồn.
Tôi định “giấu nhẹm” đi những điều đó với bạn, vì cảm thấy xấu hổ. Nhưng cuối cùng, đang “đà” tâm sự với bạn về cuộc sống, về gia đình, tôi lỡ tuôn ra hết mọi chuyện. Xong tôi lại cảm thấy ngại vô cùng vì con mình chẳng được ngoan ngoãn như Tsuta. Thế mà thay vì thông cảm với tôi, Tama lại tỏ ra bênh vực Pupu hơn. Cô ấy bảo: “Không phải lỗi của thằng bé, mà tại cậu quá chiều con thôi. Nếu cậu không để Pupu được tự lập, con sẽ phải phụ thuộc vào người khác rất lâu nữa”. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu ý, Tama nói tiếp: “Không phải ngẫu nhiên mà Tsuta biết cách làm mọi việc như vậy. Là mình đã rèn con sống tự lập từ rất sớm đấy!” Tôi hỏi: “Rèn một đứa trẻ nhỏ xíu tự lập ư? Cậu đùa đấy à?” Tama liền lắc đầu: “Vấn đề là ở chỗ đó. Tại cậu cứ nghĩ trẻ con thì chẳng làm nổi thứ gì và cứ làm thay bé tất cả, nên Pupu mới ỷ lại như thế. Nhưng cậu có biết, ngay cả khi còn nhỏ xíu thì lũ trẻ vẫn có thể làm được những việc nhất định. Giống như Tsuta, mình để cho con tự đi bộ đến trường vì con có thể đi được mà không gặp vấn đề gì. Mình dạy con cách đi giày, cởi giày và cất lên giá, vậy là bé có thể tự làm điều đó khi cần mà mẹ không phải tất bật làm thay. Mình nghĩ, một đứa trẻ 4 tuổi như Tsuta thì hoàn toàn có thể tự tắm, tự bỏ quần áo vào máy giặt và có thể làm rất nhiều việc nho nhỏ khác, như phụ mẹ nấu ăn chẳng hạn. Không có gì quá sức với con cả, bằng chứng là bé nhà mình làm điều đó một cách dễ dàng và đầy hứng thú chứ không hề ngại ngần hay kêu ca. Cậu thấy đấy, mình đâu phải ép con chút nào. Hơn nữa, khi con được hoạt động như vậy, không chỉ thể lực và trí não cũng được vận động. Do đó, con sẽ nhanh nhẹn, thông minh hơn là suốt ngày chỉ ngồi ù lì một chỗ… ”
Không cần bố mẹ phải đưa đón. (Ảnh minh họa)
Càng nghe bạn giảng giải, tôi càng nhận ra những thiếu sót của mình khi đã quá nuông chiều Pupu. Hậu quả là mẹ luôn phải chịu đựng sự mệt mỏi, còn con sẽ chẳng có xu hướng trở thành một đứa bé ngoan. Thế nhưng, tôi thực sự không biết làm thế nào để khiến Pupu bướng bỉnh trở nên biết nghe lời, biết tự lập từ sớm như Tsuta cả. Và Tama đã khuyên tôi như sau:
- Muốn con tự lập, mẹ phải kiên nhẫn: Tama bảo, những ngày Tsuta mới đi học, cậu bé nhất định không chịu đi bộ và đòi mẹ phải bế. Nhưng Tama chỉ nhẹ nhàng bảo: “Hãy nhìn xem, mọi người đều tự đi bằng chân của mình mà, con cũng làm được như vậy đấy!” Nhưng Tsuta có vẻ không hợp tác tí nào, bé bắt đầu hờn dỗi và “ăn vạ” bằng cách khóc nhè rồi nhất định không chịu bước đi. “Mình vẫn mặc kệ con như vậy và không hề dỗ dành. Đến khi thằng bé dừng lại sau một hồi khóc lóc, la hét vì thấm mệt, mình lại nhẹ nhàng nói: “Thấy chưa, nếu con chịu đi ngay từ đầu thì giờ này đã tới trường rồi. Nhưng không sao, vẫn còn kịp nên chúng ta phải đi ngay rồi, chắc con không muốn là người đến muộn nhất đúng không?” Rồi mình giơ tay ra để khích lệ con, thằng bé phụng phịu một lúc nữa rồi cũng chịu bám vào tay mẹ để đứng dậy.
Rất nhiều ngày như thế, mình chỉ kiên nhẫn khích lệ con chứ nhất định không chịu bế bé đi học, hoặc “tống” con vào xe rồi chở đến trường cho nhanh. Nếu làm thế có nghĩa là bố mẹ đã “đầu hàng” trước, và thằng bé sẽ không bao giờ biết cách tự thực hiện nhiệm vụ của mình”.
- Thay vì cấm cản, hãy khích lệ con: Theo cô bạn tôi, lũ trẻ thường có xu hướng tò mò với những việc chúng không được phép làm, hoặc là chưa làm được. Ví như, khi Tsuta chưa cần thiết phải vào bếp, mình sẽ nói con có thể ở trong phòng và tự chơi một mình. Sau đó thì sao? Tsuta “mò” xuống nơi nấu nướng của mẹ và trong chốc lát làm mọi thứ bừa bộn hết cả. Mình nghĩ, nếu con đã thích, tại sao không dạy cho bé làm nhỉ? Vậy là mình hướng dẫn Tsuta cách nhặt rau, “rủ” con cùng gọt hoa quả với nhiệm vụ… nhặt hết vỏ và đổ vào thùng rác. Tsuta cũng được học cách ngâm rửa mì như thế nào cho đúng. Mỗi lần con hoàn thành, mình thường khen con bằng cách nói: “Cảm ơn Tsuta rất nhiều, mẹ đã đỡ vất vả đi đấy!” Chỉ vậy thôi mà những lần sau con có đầy hứng thú và động lực để tiếp tục làm.
Hầu hết các bé được "luyện" thói quen tự lập từ rất sớm. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cũng có lúc Tsuta tỏ ra lười biếng, nhất là sau khi "phá hỏng" một việc gì đó. Nhớ có lần, con làm đổ sạch cả hộp mì ra sàn. Mình bảo bé nhặt lại nhưng Tsuta lại lắc đầu: "Con không muốn". Lúc ấy, mình biết chẳng thể quát bé được, nên đã "nảy" ra ý định khác. Thế là hai mẹ con cùng chơi trò "tập đếm". Mình ngồi nhặt từng sợi mì đưa cho Tsuta để con xếp lại vào hộp, và không quên dặn bé đếm xem đã xếp được bao nhiêu rồi. Thế là Tsuta vẫn phải góp phần "giải quyết" vấn đề mà bé gây ra, nhưng với tâm trạng rất thích thú. Dần dần, con đã tự biết phải làm gì trong những tình huống như thế. Nhất là "trình" tập đếm của bé đã tăng lên đáng kể. Với mình, đó cũng là cách để kích thích trí não của con phát triển.
- Hãy để cho con được 'sai": Vì không ai trong chúng ta có thể luôn luôn làm đúng, làm tốt mọi việc được. Do đó, con cũng có những lần khiến mọi thứ "bung bét" hết cả. Nhưng nếu mẹ lập tức quát mắng, phàn nàn, bé sẽ chẳng con tinh thần mà muốn tiếp tục nữa. Vì vậy, ngay cả khi rất bực tức, mẹ cần kiềm chế và phân tích để con hiểu: con làm đúng chỗ nào, sai chỗ nào, nên khắc phục ra sao,... Như thế, bé sẽ không mang nặng cảm giác sợ làm sai, nhờ đó mà con luôn muốn làm mọi việc hơn, thay vì thích nhưng lại sợ bị mắng nên không dám làm.
Chỉ nhờ những điều nho nhỏ như vậy, mà Tama có thể "rèn" cho con cách sống rất tự lập từ nhỏ. Có lẽ đây cũng là cách của khá nhiều bà mẹ khác như Tama, vì tôi thấy trẻ em ở Nhật bé nào cũng biết tự đi học, tự mang đồ, tự sắp xếp đồ đạc cho mình và làm được nhiều việc khác nữa.
Nói cho cùng, chỉ cần "cố" thêm 1 chút thì người mẹ hoàn toàn có thể làm thay con những chuyện đó một cách nhanh chóng. Thế nhưng, Tama đã nói một điều rất đáng để suy ngẫm rằng: "Cậu không thể cứ làm thay con mọi việc suốt đời được. Vì thế, trẻ cần được học cách làm mọi việc để khi lớn lên, con có thể tự lo cho bản thân mình mà không cần dựa dẫm vào ai. Hơn nữa, con phải biết cách xử lý, giải quyết vấn đề ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Điều đó mới tốt cho con hơn cả".
Giờ thì tôi đã hoàn toàn "thông" những tư tưởng hết sức ý nghĩa trong cách dạy con của bạn. Tôi tự nhủ, khi về Việt Nam, tôi sẽ là người tự rèn cho mình tính kiên nhẫn trước, sau đó cả hai mẹ con sẽ cũng nhau... làm việc và sống tự lập!